Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tiếp cận dịch vụ giáo dục, an sinh cho người di cư còn nhiều hạn chế.
Theo kết quả khảo sát của một chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ước tính người di cư chiếm xấp xỉ 10% trong tổng số 99,6 triệu dân trên cả nước. Lao động di cư chủ yếu thuộc nhóm dân số trẻ (18 - 30 tuổi). Họ đến các thành phố, khu công nghiệp, chế xuất để làm việc với mong muốn thay đổi cuộc sống bản thân và gia đình.
Song tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, an sinh cho bản thân và con em họ còn nhiều thiệt thòi. Trẻ em trong các gia đình di cư thường phải theo học trường ngoài công lập với chi phí cao, trong khi thu nhập của nhiều người ở mức trung bình thấp… Một trong những mấu chốt của vấn đề là hộ khẩu và tạm trú. Điều này vô hình trung trở thành rào cản khiến việc tiếp cận giáo dục tại hệ thống trường công lập của con em người di cư gặp nhiều khó khăn.
Các số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế và Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, vẫn còn hàng trăm nghìn lao động Việt Nam di cư nội địa, quốc tế gặp khó khăn trong thụ hưởng dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh... Việc bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta vẫn còn nhiều “khoảng trống” do mức độ bao phủ chưa cao, đối tượng còn hẹp. Đâu đó, vẫn tồn tại một nhóm lao động đang bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu.
Bài toán cấp bách đặt ra là, cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, trong đó có dịch vụ giáo dục đối với lao động di cư. Theo đó, chúng ta có thể nghiên cứu, tham khảo học tập nước ngoài về một số chính sách đặc thù cho người di cư. Chẳng hạn như hỗ trợ về giáo dục, có nhóm trẻ cho con em công nhân...
Tài liệu của UNESCO cũng thúc đẩy việc đưa quyền con người vào giáo dục, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục cho mọi người ở cấp quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cơ sở của tài liệu này là luật quốc tế và các công ước quốc tế về quyền con người; trong đó có đề cập đến quyền con người trong giáo dục.
Giáo dục là quyền cơ bản của con người và mọi người đều có quyền được học tập. Những năm qua, Việt Nam có nhiều chính sách tạo cơ hội cho trẻ em tiếp cận giáo dục, đặc biệt trẻ thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh, giáo dục là quyền con người. Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Luật Giáo dục năm 2019 cũng quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân. Theo đó, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
Theo quy định của Luật Giáo dục, Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.