Thiết bị dẫn đường vệ tinh với 12 kênh qua mặt EW

GD&TĐ - Theo Forbes, UAV và bom lượn Nga đã được lắp thiết bị dẫn đường vệ tinh với 12 kênh giúp chúng đối phó với tác chiến điện tử (EW) của Ukraine.

Bom lượn Nga tích hợp Kometa-M tăng độ chính xác hơn rất nhiều.
Bom lượn Nga tích hợp Kometa-M tăng độ chính xác hơn rất nhiều.

Trên tài khoản Fighter Bomber của phi công tiêm kích Nga ngày 16 tháng 4 đã công bố video từ máy bay không người lái (UAV) cho thấy khoảnh khắc 4 quả bom lượn trang bị module Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK) đánh trúng kho đạn của quân đội Ukraine ở Kherson, tạo ra cột khói lớn và hàng loạt vụ nổ thứ cấp.

Tài khoản Fighter Bomber cho hay: "Cả 4 quả bom đều đánh trúng mục tiêu trong khu vực rộng 50 m. Đây là kết quả tuyệt vời với bom UMPK".

Trang thông tin chính thức của Bộ Quốc phòng Ukraine Militarnyi cùng ngày công bố hình ảnh cụm ăng-ten dẫn đường vệ tinh Kometa với 12 ăng-ten, cho biết thiết bị này đang được trang bị cho UAV tự sát tầm xa Geran-2 và bom lượn UMPK của Nga.

"Một số binh sĩ Ukraine hồi tháng 1 còn thu được một cụm thiết bị Kometa với 16 ăng-ten trên xác UAV Nga", trang Militarnyi cho hay.

Lực lượng Nga được cho là bắt đầu triển khai bom UMPK trang bị hệ thống Kometa 12 kênh từ đầu tháng 4. Đây là nỗ lực nhằm đối phó các biện pháp EW của quân đội Ukraine có thể khiến bom UMPK giảm độ chính xác trong giai đoạn trước đó.

Kometa được công ty VNIIRT Progress ở Moskva phát triển năm 2007 và nặng gần 40 kg. Nhà sản xuất đã liên tục cải tiến thiết kế, tăng cường hiệu năng và cắt giảm khối lượng của nó.

Phiên bản Kometa-M ra đời trong giai đoạn 2016-2018, nặng khoảng 0,14 kg và được thiết kế cho các máy bay không người lái hạng nhẹ.

Những hệ thống như Kometa sử dụng ăng-ten nhận tín hiệu có kiểm soát (CRPA), còn gọi là ăng-ten định hình chùm sóng, trong đó lắp đặt nhiều phần tử ăng-ten nhỏ có khả năng phát hiện và loại bỏ tín hiệu giả, vốn là một trong những biện pháp chủ đạo để gây nhiễu tín hiệu vệ tinh.

Ăng-ten CRPA cho phép thu được tín hiệu công suất thấp từ vệ tinh, ngay cả trong môi trường có nguồn gây nhiễu mạnh.

Kometa ban đầu có 4 phần tử ăng-ten. Giới chuyên gia Ukraine hồi tháng 9 năm 2023 nhận định quân đội nước này cần triển khai đồng thời 4 hệ thống gây nhiễu tại một khu vực để giảm độ chính xác của vũ khí Nga, điều được đánh giá là thách thức lớn khi đó.

Nhưng Ukraine sau đó triển khai lượng lớn máy gây nhiễu ở những khu vực trọng điểm, khiến bom lượn và UAV Nga giảm độ chính xác. Để đối phó, quân đội Nga chuyển sang dùng cụm Kometa-M trang bị 8 ăng-ten.

Chuyên gia David Hambling của Forbes nhận xét: "Độ chính xác của bom lượn UMPK và UAV dòng Geran-2 lập tức được khôi phục khi Kometa-M xuất hiện".

Tờ Kyiv Post cùng nhiều hãng truyền thông Ukraine đầu tháng 4 thông báo nước này đã phát triển hệ thống tác chiến điện tử mới mang tên Lima, có khả năng làm gián đoạn kết nối vệ tinh của vũ khí dẫn đường nhờ kết hợp các biện pháp gây nhiễu, tạo giả tín hiệu và can thiệp điện tử.

Nhà sản xuất tuyên bố Lima sử dụng công nghệ chế áp kỹ thuật số thay vì gây nhiễu vô tuyến truyền thống, khiến nó đạt hiệu quả tác chiến cao hơn và đòi hỏi ít bộ phát hơn những tổ hợp cũ.

Cùng thời điểm này, các hệ thống Kometa với 12-16 kênh ăng-ten bắt đầu xuất hiện trên vũ khí Nga triển khai ở các điểm nóng xung đột tại Ukraine.

David Hambling cho biết thêm: "Lực lượng Ukraine chắc chắn sẽ nghiên cứu hệ thống Kometa mới. Ngoài bổ sung 4 kênh ăng-ten, chúng còn ứng dụng nhiều công nghệ mới, khiến giới nghiên cứu Ukraine và chuyên gia nước ngoài có thể mất nhiều tháng để tìm cách khắc chế. Đây là giai đoạn mà quân đội Nga cần tận dụng tối đa ưu thế của vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh".

Giới quân sự phương Tây cũng nhận định Nga sẽ không dừng ở con số 12 hay 16 ăng-ten, dù tăng số lượng thiết bị thu tín hiệu sẽ làm hệ thống phức tạp hơn nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ