Lễ bảo vệ tốt nghiệp ngành Điêu khắc (ĐK) khoá 2017 - 2021 trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (ĐHKT) đã được tổ chức ngày 17/1/2022 tại trường.
12 đồ án và 25 tác phẩm là thành quả của quá trình hoạt động học tập, trau dồi nghệ thuật của 12 sinh viên chuyên ngành ĐK khóa 16 – 17.
Đây là lứa sinh viên ĐK đầu tiên tốt nghiệp với rất nhiều phấn đấu đáng ghi nhận và cũng là lần đầu tiên Hội đồng đánh giá chuyên ngành ĐK gồm các ủy viên là các giảng viên - nhà điêu khắc (NĐK) nổi tiếng đến từ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật công nghiệp và các giảng viên – kiến trúc sư tại trường ĐHKT.
“Lứa quả đầu bội thu” của chuyên ngành ĐK là biểu hiện rõ nhất của định hướng đúng đắn của nhà trường trong đào tạo sinh viên chuyên ngành Mỹ thuật nói chung và ĐK nói riêng, để Mỹ thuật đi vào cuộc sống, với sự phối hợp của Kiến trúc sư – Nhà điêu khắc/Họa sĩ (2 trong 1).
Nhân dịp này, chúng tôi đã phỏng vấn ThS-NĐK Phạm Thái Bình – Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Thiết kế mỹ thuật, trường ĐH Kiến trúc về định hướng này.
Xin ông cho biết bối cảnh thành lập Khoa Thiết kế mỹ thuật tại trường ĐHKT Hà Nội. Đây là xu thế phổ biến ở các trường ngoài mỹ thuật hay chỉ riêng có ở ĐHKT?
NĐK Phạm Thái Bình: Khoa thiết kế mỹ thuật hay còn gọi là ART DESIGN là một khoa mới thành lập từ 1/7/2021, được tách ra từ Khoa Nội thất và Mỹ thuật công nghiệp, với 4 bộ môn và 3 chuyên ngành đào tạo.
Hoà nhập với xu thế phát triển chung của đời sống xã hội hiện nay, các trường đa ngành đang dần thay thế các trường đơn ngành, bản thân các trường mỹ thuật đặc thù hiện nay cũng đang duy trì và phát triển được nhờ mở thêm các chuyên ngành mới liên quan đến mỹ thuật ứng dụng như Thiết kế đồ hoạ, Thiết kế thời trang …
Trường Đại học kiến trúc Hà Nội với thế mạnh liên kết đa ngành trong lĩnh vực Kiến trúc & mỹ thuật đang dần từng bước khẳng định mình trong lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng.
Việc đào tạo ở khoa Thiết kế mỹ thuật ĐHKT có điểm gì khác so với các trường chuyên ngành mỹ thuật?
NĐK Phạm Thái Bình: Vâng, bản thân tên gọi đã nói lên được điểm khác biệt lớn nhất, và cũng là lợi thế của khoa Thiết kế mỹ thuật – Đại học Kiến trúc. Bởi, với đích đến quan trọng nhất là gắn thiết kế mỹ thuật với thiết kế kiến trúc, hai mà như một, khó tách rời.
Ngoài ra các chuyên ngành trong khoa TKMT được đào tạo theo mô hình lý thuyết gắn với thực hành với 6 xưởng thực hành đầy đủ dụng cụ và máy móc, không gian học tập được mở rộng khi giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hành tại chỗ.
Sinh viên khoa Thiết kế mỹ thuật có cơ hội phát huy trí sáng tạo, kỹ năng thực hành, đồng thời làm quen với liên kết đa ngành. Nhà trường cũng đã và đang triển khai các chương trình đào tạo Thiết kế mỹ thuật liên kết với các đại học lớn ở châu Á và nhiều quốc gia khác.
Định hướng đào tạo “2 trong 1” đã được trường và khoa triển khai như thế nào? Và kết quả đã được thể hiện ở 25 tác phẩm trong 12 đồ án như thế nào, xin ông có những đánh giá cụ thể?
NĐK Phạm Thái Bình: Năm học 2020 - 2021 diễn ra trong tình hình đại dịch Covid-19 rất căng thẳng khiến cho việc học tập của sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nói chung và sinh viên chuyên ngành điêu khắc nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, bằng tinh thần ham học hỏi, vượt khó của cả thầy lẫn trò, đặc biệt là sự hỗ trợ giúp đỡ tạo điều kiện của nhà trường, đồ án tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành điêu khắc đã có những kết quả rất đáng ghi nhận.
12 sinh viên điêu khắc khi làm đồ án tốt nghiệp đã hoàn thành tốt 3 nhiệm vụ lớn, đó là: Nghiên cứu khảo sát chi tiết công trình kiến trúc hay đồ án kiến trúc cụ thể; Sáng tạo tác phẩm điêu khắc ứng dụng chính xác cho công trình kiến trúc đó; Thực hành thi công hoàn thiện 2 tác phẩm điêu khắc trên chất liệu bền vững đi kèm hệ thống thuyết minh và pano bảng biểu thuyết trình minh hoạ.
Đây là khối lượng công việc không hề dễ ngay đối với cả các nhà điêu khắc chuyên nghiệp, chưa kể những khó khăn trong quá trình thi công, vật tư vật liệu do đại dịch Covid-19 gây ra.
Mặc dù thế, các sinh viên đã nỗ lực vượt qua và đem lại kết quả là 23 tác phẩm điêu khắc với nhiều phong cách khác nhau, đa phần các tác phẩm bắt đầu có ngôn ngữ và hướng sáng tác riêng mang đậm dấu ấn cá nhân. Các tác phẩm cũng được hoàn thiện tốt, chỉnh chu và chuyên nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng cho định hướng đào tạo gắn với thực hành của Khoa.
Hy vọng với những thay đổi trong phương thức đào tạo chuyên ngành Điêu khắc ở trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, chúng ta sẽ có những thế hệ nhà điêu khắc trẻ là cầu nối giữa mỹ thuật và kiến trúc, từng bước đưa điêu khắc vào kiến trúc – cảnh quan – đô thị cũng như đời sống xã hội hiện đại.
Trân trọng cảm ơn NĐK Phạm Thái Bình và xin được chúc mừng Khoa TKMT-ĐHKT Hà Nội đã gặt hái lứa điêu khắc đầu tiên rất nhiều hứa hẹn cho tương lai.