Bà Hoàng Thúy Hằng – Nhà sáng lập- Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Happytime (Hà Nội) có những chia sẻ trên Báo Giáo dục & Thời đại xung quanh vấn đề này.
Trao truyền nhiệt huyết
- Trực tiếp làm báo cáo viên, bà đánh giá như thế nào về Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán?
- Trước hết phải khẳng định, đây là Khóa tập huấn, bồi dưỡng cấp quốc gia. Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) là đơn vị thường trực tổ chức Khóa Tập huấn, bồi dưỡng này.
Cục đã có chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Từ soạn thảo tài liệu, lựa chọn, sắp xếp báo cáo viên, cho đến tổ chức, bố trí các lớp học… Tất cả đều vẹn toàn, chu đáo. Qua đó, góp phần tạo nên thành công của Khóa tập, huấn bồi dưỡng.
Bà Hoàng Thúy Hằng (ở giữa) trực tiếp làm báo cáo viên tại Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán khu vực miền Trung. |
Học viên của Khóa Tập huấn, bồi dưỡng đến từ mọi miền của Tổ quốc. Từ miền núi xa xôi như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… cho đến những nơi phồn hoa, phố thị như Hà Nội.
Do yếu tố bản địa nên có sự chênh lệch giữa học viên đến từ các vùng miền. Tất nhiên, ngay lập tức chúng ta không thể tạo ra một “mặt phẳng” nhưng chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi theo lộ trình từng bước.
Điều đáng ghi nhận nhất ở các học viên là tinh thần và thái học tập nghiêm túc. Ai nấy đều trăn trở và mong muốn thay đổi chính mình, quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại địa phương mình. Điều đó, khiến tôi vô cùng xúc động và cho chúng tôi thêm nhiều bài học quý; trên hết là lòng yêu nghề, mến trẻ.
- Vậy sau Khóa Tập huấn, bồi dưỡng bà nhận thấy các học viên có sự thay đổi như thế nào?
"Dù Khóa Tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp diễn ra ít ngày nhưng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Mọi người đều cởi mở, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Đó chính là sự bắt đầu từ những điều nhỏ, chúng ta sẽ chắt chiu lại để đi tới thành công".
Bà Hoàng Thúy Hằng.
- Điều đầu tiên tôi ghi nhận là tâm thế sẵn sàng đón nhận và thay đổi của các học viên. Các học viên tin tưởng vào Đề án ”Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025” nên rất tự tin khi tham gia tập huấn, bồi dưỡng.
Tất cả các thầy, cô giáo đều xác định, mình sẽ là người trao truyền động lực, nhiệt huyết và lòng yêu nghề với các đồng nghiệp ở địa phương. Đó là tâm thế mở, rất đáng trân quý.
Học viên luôn có tinh thần cầu thị và thái độ học tập nghiêm túc. |
- Vậy bà có có sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các giáo viên mầm non?
- Tôi cũng trưởng thành từ một giáo viên. Vì thế, lúc nào tôi cũng sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ cùng các học viên, giáo viên mầm non. Tôi tâm niệm, cái chúng ta biết chỉ là một giọt nước, cái chúng ta không biết là một đại dương. Qua Khóa Tập huấn, bồi dưỡng, tôi cũng học được từ học viên rất nhiều điều bổ ích và tôi luôn trân trọng điều đó.
Vận dụng linh hoạt
- Trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng bà có nhắc nhiều đến ứng dụng phương pháp giáo dục quốc tế trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Liệu các phương pháp này có phù hợp với đặc thù vùng miền ở Việt Nam, nhất là với những địa phương còn nhiều khó khăn?
- Tôi cho rằng, các cơ sở giáo dục mầm non có thể áp dụng linh hoạt, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, bao gồm cơ sở vật chất và con người. Chẳng hạn, để đầu tư một hệ thống giáo cụ và đào tạo một người giáo viên dạy học theo phương pháp giáo dục Montessori, thì chúng phải mất rất nhiều thời gian và kinh phí rất lớn.
Tuy nhiên, chúng ta có thể lấy tinh thần của Montessori và vận dụng triết lý của phương pháp giáo dục này để triển khai thực hiện vào thực tiễn vùng miền, cơ sở giáo dục mầm non ở địa phương. Theo đó, chúng ta có thể mua sắm những giáo cụ theo mức chi phí vừa phải và trong khả năng cho phép.
Học viên hăng say học tập. |
Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng linh hoạt, theo hướng: lựa chọn những điểm mạnh, tích cực của các phương pháp giáo dục quốc tế để áp dụng vào địa phương mình. Nói cách khác, chúng ta nhìn được điểm tích cực, hạn chế để lựa chọn nội dung phù hợp.
Chẳng hạn, với phương pháp giáo dục Montessori, khi giáo dục trẻ về khoa học địa lý, thì giáo viên không thiết phải giáo dục trẻ về những điều “đao to, búa lớn”, về châu Âu, châu Mỹ hay Nam Cực, Bắc Cực…
Thay vào đó, giáo viên có thể giới thiệu về địa lý, văn hóa của địa phương – nơi trẻ đang sinh sống. Nên nhớ, triết lý học thuật ở đây là, dạy trẻ bằng giáo cụ trực quan và chúng ta có thể vận dụng điều này vào thực tiễn lớp học.
- Vậy theo bà, làm thế nào để lan tỏa phương pháp giáo dục quốc tế vào giáo dục mầm non ở Việt Nam?
- Trước hết, cần thay đổi tư duy và nhận thức. Vẫn biết là khó nhưng đó là điều tất yếu phải làm. Mỗi chúng ta hãy xác định và trả lời câu hỏi: đổi mới cái gì? Tại sao phải đổi mới? Trong quá trình đổi mới sẽ gặp những khó khăn gì? Lộ trình giải quyết khó khăn ra sao?
Chẳng hạn, để đầu tư cơ sở vật chất theo chuẩn của một số phương pháp giáo dục quốc tế thì ở thời điểm hiện tại, nhiều cơ sở giáo dục công lập, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thể đáp ứng được.
Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên. Khi đó, chúng ta có thể thực hiện được những dự án giáo dục theo phương pháp giáo dục mới.
Hoặc chúng ta không nhất thiết thực hiện một thí nghiệm trong phòng Lab. Thay vào đó, chúng ta có thể cho trẻ trải nghiệm thực tế, hướng dẫn trẻ quan sát; từ đó định hướng giáo dục trẻ theo hướng tích cực.
Một thực tế khác là, hiện nay sĩ số lớp học của một số trường mầm non công lập rất đông, nhất là ở các thành phố lớn nên giáo viên gặp khó khăn trong việc tổ chức giáo dục theo hướng cá nhân hóa và nhóm nhỏ.
Những phút thư giãn của học viên sau những giờ học. |
Tuy nhiên, giáo viên có thể tạo lập môi trường cho trẻ hoạt động là chủ yếu và các cô sẽ ở “phía sau”. Khi đó, giáo viên là người tổ chức môi trường, chuẩn bị cho việc học của trẻ.
Khi đã tổ chức được môi trường, trẻ sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động. Trên cơ sở đó, giáo viên có thể chia số lượng trẻ thành nhiều nhóm. Từ đó, giáo viên có thời gian làm việc dưới dạng nhóm nhỏ và cá nhân hóa.
Nói như vậy để thấy rằng, nếu chúng ta không thể áp dụng được 100% phương pháp giáo dục quốc tế vào thực tiễn tại địa phương, cơ sở giáo dục mầm non, thì cũng có thể vận dụng theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Xin cảm ơn bà!
"Giáo viên có thể tổ chức cho trẻ tham gia nhiều trải nghiệm thực tế ngay trong môi trường lớp học của mình. Chúng ta hoàn toàn có thể biến những khó khăn trở thành cơ hội để cải thiện chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non" - Bà Hoàng Thúy Hằng.