Xây đảo nghỉ dưỡng từ rác thải đại dương

GD&TĐ - Một ý tưởng mới lạ đã được công ty thiết kế quốc tế Margot Krasojevic Architects đưa ra. Theo đó những đống rác đại dương sẽ được tái chế và sử dụng làm một đảo nghỉ dưỡng nổi trên mặt biển.

Công trình có thể tự gom rác thải nhựa trên đại dương.
Công trình có thể tự gom rác thải nhựa trên đại dương.

Đây là một công trình được cho là giống trong một bộ phim khoa học viễn tưởng.

Nơi có nhiều rác nhất

Khách sạn bền vững có tên Khu nghỉ dưỡng nhựa tái chế Đại dương một ngày nào đó sẽ xuất hiện trên Ấn Độ Dương, ngoài khơi quần đảo Coco và bên ngoài lãnh thổ Australia.

Được giao nhiệm vụ thiết kế một khách sạn nổi bền vững, công ty thiết kế quốc tế Margot Krasojevic Architects đã đưa ra một bộ ý tưởng đầy tham vọng cho một dự án trên mặt nước sử dụng rác thải đại dương tái chế. Thiết kế này mong muốn tận dụng tối đa hàng triệu tấn nhựa thải gây ô nhiễm đại dương của chúng ta mỗi năm làm vật liệu xây dựng và phao nổi.

Margot Krasojevic Architects chọn vị trí Ấn Độ Dương để tạo ra công trình này vì nơi đây đang phải hứng chịu những tác động gây tổn hại đến hệ sinh thái do các vấn đề ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng.

Một phần mềm mô phỏng dòng chảy đại dương đã tạo ra bản đồ về sự tích tụ rác thải nhựa và nơi có nhiều rác thải tập trung nhiều nhất được sử dụng làm điểm khởi đầu để tìm hiểu cách thu gom rác và đưa vào mục đích xây dựng.

Hòn đảo tự vận hành

Theo yêu cầu đặt ra, đảo nghỉ dưỡng này sẽ là một cấu trúc tự sửa chữa và tự phát triển. Nó sẽ tự thu thập rác thải nhựa bằng những cánh tay bơm phồng mở rộng cùng với bộ lọc. Sau đó rác được đặt trong các bó lưới để làm đế nổi nâng đảo lên.

Đế này bao gồm những chiếc túi khổng lồ, chứa đầy rác thải từ đại dương, từ chai thủy tinh đến lốp cao su và hộp đựng. Chúng sẽ được đan lại với nhau để tạo ra một nền tảng được neo chắc chắn vào đáy đại dương. Trong khi đó cát và phù sa được lắng đọng trên các thiết bị nổi bằng nhựa tái sinh.

Ý tưởng là làm cho khu vực này trở thành nơi thích hợp để trồng những cây ngập mặn có rễ bám xung quanh các túi nhựa chứa rác, gắn kết chúng để tạo ra một cấu trúc ổn định. Những cây ngập mặn đã được sử dụng làm phương pháp phòng chống lũ lụt do rễ của chúng có thể nở ra và hút nước, ngăn cản hòn đảo bị lật hoặc chìm.

Từ giai đoạn này, hòn đảo nhựa có thể trở thành nơi ở của con người. Trong dự án, họ đã sử dụng neo để định vị đảo, từ đây tạo ra một mạng lưới để các bó nhựa nằm bên trong. Sau đó các lớp cát và phù sa lắng đọng sẽ tạo ra một cấu trúc có thể là nơi sinh sống của cây ngập mặn.

Khách sạn cung cấp một loạt phòng có mái che và khu vực cắm trại. Các vòi hoa sen sử dụng nước biển đã qua lọc và chưng cất được bơm vào bằng năng lượng Mặt trời.

Hòn đảo tự vận hành này có thể trở thành nơi ở cho những cư dân đến đây bằng thuyền. Nó khắc phục sự mất cân bằng môi trường do ô nhiễm nhựa trong đại dương, đồng thời giúp cư dân tận hưởng vẻ đẹp của hòn đảo đặc biệt này.

Theo Aasarchitecture

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ