Tháng 12/2024, mọi người có thể ngắm bức tranh lá vàng sử thi nổi tiếng thế kỷ 17 của nghệ sĩ Iwasa Matabei có tên “Rakuchu Rakugai Zu Byobu” tại phòng trưng bày Gagosian ở London mà không phải đến Bảo tàng Quốc gia Tokyo.
Tái tạo bằng AI
Takashi Murakami là một trong những nghệ sĩ thành công nhất của Nhật Bản sau chiến tranh. Trong triển lãm cá nhân đầu tiên của mình tại Vương quốc Anh sau hơn 15 năm, ông đã tái tạo tác phẩm nghệ thuật đồ sộ của nghệ sĩ Iwasa vốn được vẽ trên một tấm bình phong gấp 6 tấm vào khoảng năm 1615.
Giống như bản gốc, tác phẩm của Murakami mô tả cuộc sống ở Kyoto thời kỳ Edo một cách chi tiết tỉ mỉ, từ khu đèn đỏ náo nhiệt Misuji-machi đến đám rước hoa anh đào qua cầu Gojo Ohashi. Tuy nhiên, ông đã bổ sung một vài chi tiết quan trọng.
Các nhân vật hoa đặc trưng được thể hiện bằng sắc cầu vồng, đứng sừng sững trong bối cảnh thời trung cổ. Trong khi đó những con vật hoạt hình nhỏ bé có mặt rải rác khắp nơi vẫy tay chào người xem từ bờ sông Kamo, hoặc gầm rú trên mái nhà dài truyền thống Nhật Bản.
Việc ông Iwasa sử dụng lá vàng cũng đã được tái hiện: Trong phiên bản thế kỷ 21 này, mỗi đám mây phản chiếu ánh sáng được chạm nổi nhiều hơn nữa những nhân vật hoa đặc trưng của Murakami.
Đặc biệt, bất chấp những sửa đổi đáng chú ý này, đây là bản sao gần như hoàn hảo của một bức tranh được Chính phủ Nhật Bản chỉ định là “Bảo vật quốc gia”, thể hiện một phần bằng AI.
“Bức tranh gốc đã rất cũ” - ông Murakami nói với CNN tại buổi khai mạc triển lãm - “Có rất nhiều vết sẹo và sơn bị mất. Khoảng 80% là ổn, 20% còn lại, tôi đã yêu cầu AI giúp hoàn thiện nốt”.
Một cuộc trò chuyện diễn ra giữa AI và nghệ sĩ, khi chương trình tiến gần hơn đến việc điền chính xác vào các khoảng trống.
“Chúng tôi đã trao đổi qua lại rất nhiều lần cho đến khi tôi nghĩ rằng AI gợi ý được giải pháp tốt” - ông Murakami nói về quá trình từ việc phác thảo đến vẽ các chi tiết nhỏ mất khoảng 10 tháng để hoàn thành.
Gây tranh cãi
Các công cụ AI gây tranh cãi trong nhiều ngành công nghiệp, khi cuộc tranh luận diễn ra dữ dội về việc liệu chúng có gây ra rủi ro hiện hữu đối với sự sáng tạo của con người và các nghề nghiệp liên quan đến nghệ thuật hay không.
Tháng 10/2024, hơn 11.000 nghệ sĩ, gồm các họa sĩ Amoako Boafo và Joanna Pousette-Dart, ký một bức thư ngỏ yêu cầu các công ty AI ngừng sử dụng tác phẩm của họ để đào tạo các thuật toán. “Việc sử dụng các tác phẩm sáng tạo mà không có giấy phép để đào tạo AI là một mối đe dọa lớn và bất công đối với sinh kế của những người đứng sau các tác phẩm đó”, tuyên bố viết.
Ông Murakami lại cảm thấy khác. Ông là người trước đây thử nghiệm thực tế tăng cường (AR - là một xu hướng công nghệ mới được phát triển trên nền tảng công nghệ thực tế ảo). “Bây giờ tôi đã 62 tuổi nhưng khi tôi 28 hoặc 29 tuổi (trước khi máy tính cá nhân trở nên phổ biến), một nhà thiết kế có nghĩa là tạo ra các thiết kế thủ công”, ông nói.
Ông cho rằng, những nhà thiết kế theo trường phái cũ ghét bản vẽ kỹ thuật số vì cho rằng đó không phải là thiết kế thực sự hoặc không sáng tạo vì nó được vi tính hóa. Tuy nhiên, có lẽ trong 10 hoặc 20 năm nữa, sẽ không còn ai ý kiến gì về AI.
Tương lai của AI trong nghệ thuật
Ông Iwasa không phải là nghệ sĩ duy nhất mà Murakami chọn để hồi sinh bằng công cụ tiên tiến nhất của thời đại thông tin.
Ở những nơi khác trong triển lãm, các tác phẩm nghệ thuật kinh điển thời kỳ Edo của họa sĩ Ogata Kenzan, nghệ nhân in ấn Utagawa Kuniyoshi, các họa sĩ Tawaraya Sotatsu và Kano Eitoku cũng được phục chế tương tự, một số được tái tạo nhiều hơn những tác phẩm khác.
Trong phiên bản tái hiện tác phẩm từ thế kỷ 17 của nghệ sĩ Sotatsu “Thần Gió và Thần Sấm”, cảm giác huyền bí của các vị thần bị giảm bớt khi được tái hiện theo phong cách hoạt hình đương đại.
Mặc dù sử dụng công nghệ đang phát triển, ông Murakami đã thuê thêm 30 người để làm việc trên bản sao tác phẩm của nghệ sĩ Iwasa (mà ông đặt tên là “Rakuchuu-Rakugai-zu Byobu: Iwasa Matabei RIP”).
Ông Murakami là người có phòng trưng bày theo phong cách nhà máy mang tên Kaikai Kiki. Trong đó, nhân viên của ông hoạt động như một dây chuyền sản xuất quy mô lớn với đội ngũ trợ lý nghệ thuật giúp tạo ra tác phẩm.
Trong khi nhiều người cùng thời của ông đấu tranh, hoặc từ chối, chấp nhận AI, số nhân viên đông đảo của Murakami giúp ông bắt kịp với những thay đổi về thái độ đối với công nghệ.
“Một số trợ lý trẻ của tôi chưa bao giờ chạm vào bút chì hoặc bút mực” - ông nói - “Bất cứ khi nào làm việc, họ đều dùng chuột hoặc máy tính bảng hay thứ gì đó”.
Ông nhận định rằng, hiện tại có thể còn quá sớm, nhưng trong 7 hoặc 10 năm nữa, mọi người có thể sử dụng AI để vẽ nhanh chóng. Theo nhận định của ông, điều này tuy kỳ lạ nhưng là sự tiến hóa của con người.