Nhà trường chung tay sáng tạo máy diệt virus, hỗ trợ công tác phòng dịch

GD&TĐ - Góp sức trong công tác phòng chống dịch Covid-19, GS.TS Trần Văn Tín, Chủ tịch Tập đoàn Thanh niên Việt Nam và TS Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, cùng bắt tay nghiên cứu, sáng chế máy CV19.

TS Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ bên máy CV19 sử dụng công nghệ Plasma được lắp đặt trên bầu quạt gió gia dụng.
TS Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ bên máy CV19 sử dụng công nghệ Plasma được lắp đặt trên bầu quạt gió gia dụng.

Đưa công nghệ sinh học, công nghệ Plasma vào sản phẩm

Máy CV19 sử dụng công nghệ Plasma tạo ion âm có công dụng làm trung hòa điện tích môi trường, ngăn ngừa và phòng chống vi khuẩn, virus hiệu quả tới 99%. Máy được lắp đặt mọi nơi khi sử dụng; đặc biệt là gắn trên bầu quạt gió gia dụng. 

Chiếc máy là sự nỗ lực nhóm nghiên cứu gồm GS.TS Trần Văn Tín, Tập đoàn Thanh niên Việt Nam; TS Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ cùng các cộng sự. Máy có tác dụng diệt virus, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tại các khu vực cách ly, việc tránh lây nhiễm chéo là một trong những yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ ý tưởng giúp thanh lọc không khí tạo môi trường sạch, thoáng và bảo vệ tốt sức khỏe người cách ly, nhóm nghiên cứu cùng bắt tay nghiên cứu, sáng chế máy CV19.

CV19 là loại máy được nghiên cứu chế tạo đầu tiên áp dụng công nghệ sinh học kết hợp công nghệ Plasma tạo ion âm, có công dụng làm trung hòa điện tích môi trường, ngăn ngừa và phòng chống vi khuẩn, virus hiệu quả.

Máy CV19 có kích thước 38x90x28mm, nặng 100 gram; sử dụng điện áp 220V-240V (công suất 7W) và có thể lắp đặt được mọi nơi khi sử dụng. Máy CV19 được gắn trên bầu của quạt gió gia dụng, với mỗi máy bao phủ được tương đương 27m3, bán kính giới hạn không quá 3m.

Theo TS Hồ Thanh Tâm, máy CV19 giúp ngăn ngừa và phòng chống virus hiệu quả tới 99%. Máy tự động tạo và phun lượng lớn ion âm OH- với hiệu suất 50 triệu ion âm/1cm3/1 giây, ion âm bám vào mảng tế bảo, vỏ protein của vi khuẩn, virus, nấm mốc trong không khí khiến chúng không hút được không khí, dưỡng chất, OH sẽ hút lấy Hydro từ protein của chúng làm chúng suy yếu và chết dần đi; ngoài ra OH- kết hợp với H tạo thành các phân tử nước H2O giúp không khí tươi mát hơn…

Đại diện Trường CĐ Cần Thơ (thứ 4 từ phải qua) trao tặng máy CV19 cho cơ sở cách ly tập trung đặt tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Đại diện Trường CĐ Cần Thơ (thứ 4 từ phải qua) trao tặng máy CV19 cho cơ sở cách ly tập trung đặt tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Phòng, chống và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh

Máy CV19 phù hợp với mọi đối tượng sử dụng, giúp phòng, chống dịch bệnh trong không khí. Do vậy, trong quá trình lắp đặt và sử dụng tại các khu cách ly, nhóm nghiên cứu cùng đội ngũ nhân viên y tế tại chỗ sẽ tiếp tục theo dõi các chỉ tiêu được thực hiện trong 1, 3, 7, 14, 21 ngày. Sau đó, lấy kết quả so sánh các phòng khác (đối chứng) trong khu cách ly với tiêu chí có phát sinh F0 hay không.

Mục tiêu khảo sát là đánh giá tính hiệu quả của máy tạo ion âm CV19 trong việc phòng, chống lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại địa phương. Theo nhóm nghiên cứu: Từ kết quả nghiên cứu ban đầu, cùng với việc đánh giá tính hiệu quả, có báo cáo cơ quan chuyên môn (sau thời gian lắp đặt máy CV19 ở khu cách ly), nhóm sẽ tăng cường thêm máy CV19 cho các điểm cách ly khác trên địa bàn thành phố, nhân rộng ra các tỉnh, thành lân cận và trong cả nước.

TS Hồ Thanh Tâm cho biết thêm: “Việc sử dụng máy CV19 tại gia đình, cơ quan, nơi công cộng và đặc biệt tại khu cách ly không gây hại đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Đây còn là cơ hội giúp nhóm nghiên cứu góp phần phục vụ phòng, chống dịch cùng địa phương, hoàn thiện hơn nữa công trình nghiên cứu máy, phục vụ cộng đồng”.

Trước đó, Trường CĐ Cần Thơ đã trao 43 máy CV19 tặng một số khu cách ly tại TP Cần Thơ.

Sau 14 ngày khảo sát hoạt động của máy tạo ion âm diệt virus (máy CV19) tại một số một số khu cách ly tập trung trên địa bàn TP Cần Thơ. Ghi nhận máy góp phần hạn chế lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2; tại nơi đặt máy không phát sinh các ca F1 thành F0.

Sắp tới, nhóm nghiên cứu tiếp tục khảo sát số liệu lâm sàng về khả năng diệt virus của máy CV19 từ 21 ngày trở lên, sau đó thu thập cơ sở dữ liệu để cơ quan chuyên môn đánh giá lần nữa tính hiệu quả diệt virus SARS-CoV-2 đối với máy CV19; đồng thời sẽ tiến hành sản xuất đại trà...

Theo BS CKI Trần Trường Chinh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Cần Thơ, việc nhóm nghiên cứu Trường CĐ Cần Thơ cùng các cộng sự trao tặng máy CV19 cho ngành Y tế TP Cần Thơ đã chung tay, góp sức cho hoạt động phòng, chống dịch của thành phố, cũng như trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành sẽ sử dụng máy trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên toàn địa bàn, cũng như tạo điều kiện để người dân trong và ngoài TP Cần Thơ biết đến và sử dụng máy CV19. Từ đó góp phần phòng, chống và hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ