Giao lưu trực tuyến “Nhà giáo trên tuyến đầu chống dịch”

“Nhà giáo trên tuyến đầu chống dịch” là chủ đề giao lưu trực tuyến trên báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h30 đến 11h00 ngày 25/8/2021.

Giao lưu trực tuyến “Nhà giáo trên tuyến đầu chống dịch”

Chương trình giao lưu có sự tham gia của các khách mời:

Ông Võ Ngọc Thạch, Phó GĐ Sở GD&ĐT Đồng Nai;

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM;

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh, GV Trường Tiểu học Võ Cường 2,  TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục đã có những đóng góp không nhỏ, sát cánh cùng tuyến đầu trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đã có rất nhiều thầy cô giáo, hoặc hưởng ứng lời kêu gọi chung tay tiếp sức phòng chống dịch của Ngành, địa phương, hoặc tự nguyện xung phong ra tuyến đầu để góp phần vào công cuộc chống dịch đầy vất vả, gian nan.

Công việc mà các thầy cô đảm nhận rất đa dạng, có thể là tham gia chốt, khu cách ly, bệnh viện dã chiến, hoặc tham gia test sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng, hậu cần, nhập dữ liệu quản lý tình hình dịch bệnh,...

Thời điểm này, rất nhiều thầy cô đang vừa tham gia chống dịch, vừa nỗ lực để chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới.

Chương trình giao lưu trực tuyến sẽ chia sẻ tiếng nói của lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương và những người trong cuộc khi tham gia phòng chống dịch Covid-19; từ đó phần nào thấy được đóng góp của thầy cô và toàn ngành Giáo dục trong cuộc chiến gian nan này.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Ông Võ Ngọc Thạch

Ông Võ Ngọc Thạch

Phó GĐ Sở GD&ĐT Đồng Nai

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

GV Trường Tiểu học Võ Cường 2, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

Bạn đọc

Bạn Tranhaiha@...:

Ông nhắn nhủ gì đến các đồng nghiệp của mình đang trên tuyến đầu chống dịch?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Lời đầu tiên, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những chiến sĩ áo trắng tuyến đầu chống dịch nói riêng và toàn bộ lực lượng y tế nói chung. Nghĩa cử cao đẹp của mọi người đã đề cao hơn bao giờ hết hai chữ Y Đức. Mọi người đã tạm gác gia đình, cuộc sống cá nhân để sát cánh bên người dân.

Và với những sinh viên đang tham gia chống dịch, thầy cũng xin cảm ơn các em vì tinh thần dũng cảm xung kích, không ngại khó khăn, thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng khi vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi trực tiếp đi thăm các em, thầy mới cảm nhận được sự cố gắng và sức trẻ của các em dù trong hoàn cảnh khó khăn. Sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói riêng và sinh viên ngành Y đang tham gia chống dịch đều xứng đáng được biểu dương.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp trao quà động viên GV, SV trường tham gia Đội Taxi cấp cứu.

 PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp trao quà động viên GV, SV trường tham gia Đội Taxi cấp cứu.

Bạn đọc

Bạn Minhanhtran@...:

Em rất ngưỡng mộ các thầy cô và các bạn sinh viên sẵn sàng xung phong gia nhập đội ngũ chống dịch tuyến đầu. Xin thầy cho biết, nhà trường có đặt ra các tiêu chuẩn để chọn lựa lực lượng này không?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Tất cả hoạt động tham gia phòng, chống dịch đều được kêu gọi theo tinh thần tự nguyện. Trong thư kêu gọi nhà trường đã liệt kê những yêu cầu cho từng vị trí. Giảng viên, sinh viên có thể thông qua đó chọn công việc và vị trí phù hợp cho tất cả mọi người vì TPHCM đang cần thêm nhiều cánh tay nối dài trong công tác chống dịch. Đồng thời Ban chỉ đạo Phòng chống dịch của Trường cũng sẽ điều phối đúng người đúng việc, đảm bảo công việc hiệu quả. Các vị trí công việc đặc thù, tình nguyện viên sẽ được tập huấn trước khi tham gia.

Mặt trận tổng đài cấp cứu 115 do Gv, SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đảm trách.

Mặt trận tổng đài cấp cứu 115 do Gv, SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đảm trách.

Bạn đọc

Bạn minhminh9@...:

Khi cắt cử lực lượng tham gia phòng, chống dịch, nhà trường phải điều chỉnh thế nào kế hoạch giảng dạy để vẫn bảo đảm tiến độ và kế hoạch năm học?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Việc cắt cử giảng viên tham gia chống dịch cũng sẽ phục vụ cho công tác giảng dạy sau này vì khi đó các giảng viên đang thực hiện công tác chuyên môn thực tế trước bối cảnh dịch bệnh. Và nhà trường cũng đã điều phối chương trình học cũng như tạm hoãn các kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ. Ngoài ra, việc tham gia chống dịch không ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giảng dạy.

Trong thời gian này, Trường cũng đang thực hiện kiện toàn kế hoạch cho năm học mới và kế hoạch tổ chức kỳ thi sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhà trường sẽ điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh để đảm bảo thời gian và chất lượng đào tạo.

Lãnh đạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thăm, động viên GV, SV trường tham gia đội hình Taxi Cấp cứu tại Q.6, TPHCM

Lãnh đạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thăm, động viên GV, SV trường tham gia đội hình Taxi Cấp cứu tại Q.6, TPHCM

Bạn đọc

Bạn Trantiendat@...:

Khi thành phố bùng dịch, Trường ĐH Y khoa Phạm Thạch đã huy động nguồn lực tham gia phòng chống dịch như thế nào? Tinh thần tham gia của cán bộ giảng viên nhà trường như thế nào, thưa ông?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Ngay từ thời điểm đầu của đợt dịch lần thứ 4, nhà trường đã gửi thư kêu gọi đến các khoa, phòng, bộ môn để huy động nguồn lực tham gia phòng chống dịch. Đến này, Trường đã huy động được 2006 giảng viên đang hỗ trợ công tác chống dịch.

Các giảng viên, tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch đều có tinh thần xung kích chống dịch mạnh mẽ, sẵn sàng tạm gác công việc và gia đình, lên đường tham gia chống dịch.

Trong quá trình tham gia, nhiều giảng viên phải tiếp xúc với những ca F0 từ triệu chứng nhẹ đến trở nặng với khoảng cách rất gần. Nhưng không vì thế mà nao núng hay đòi hỏi bất kỳ điều gì cho bản thân. Trong suốt thời gian tham gia, các bạn luôn toàn tâm, toàn ý mang hết tài năng, trí tuệ của mình sát cánh cùng các nhân viên y tế quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giúp đỡ nhân dân.

GV, SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia hỗ trợ công tác tiêm vaccine...
GV, SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia hỗ trợ công tác tiêm vaccine...
Bạn đọc

Bạn Thaianhle@...:

Đồng Nai có những chính sách gì hỗ trợ giáo viên, người học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19?
Ông Võ Ngọc Thạch

Ông Võ Ngọc Thạch

Đối với Đồng Nai, trong giai đoạn cao điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, cũng đã có những cán bộ, giáo viên, nhân viên và trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên nhiều phương diện. Thầy cô và các em học sinh cũng gặp phải một số khó khăn về sức khỏe, điều kiện sống kho phải ở trong các khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung hoặc đi điều trị vì là F0. Một số thầy cô làm việc tại các đơn vị ngoài công lập gặp phải khó khăn về kinh tế.

Để hỗ trợ giáo viên và người học, ngoài các chính sách chung của nhà nước, ngành Giáo dục đã có sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực. Cụ thể như sau:

Triển khai hỗ trợ 303 triệu đồng cho các giáo viên, học sinh diện F0, F1 (đã hỗ trợ 30 giáo viên và 176 học sinh diện F0; 73 giáo viên và  189 học sinh diện F1) từ nguồn quỹ Tấm lòng vàng ngành giáo dục và Quỹ tương trợ giáo dục vùng khó khăn do Sở GD&ĐT quản lý, quỹ hỗ trợ giáo viên, nhân viên mắc bệnh nan y và qua đời do Công đoàn ngành Giáo dục quản lý.

Hỗ trợ 10 tấn rau củ, 200kg gạo cho các trường hợp đang ở trong khu phong tỏa, ưu tiên gia đình học sinh tại phường Trảng Dài, Hóa An, Long Bình, Trường THCS Hòa Bình,…

Phối hợp với quỹ học bổng Saigon Children, Liên hiệp hội các tổ chức hữu nghị  tiếp tục hỗ trợ cho 429 học sinh có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài với số tiền 445 triệu đồng; phối hợp với Công ty cổ phần giáo dục Thành Công (IGC) triển khai chương trình học bổng “Vượt qua Covid-19” trị giá 132 triệu đồng để trao 60 suất học bổng (2,2 triệu/suất) cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì dịch bệnh.

Phối hợp với Công ty cổ phần dinh dưỡng Nuti Food tặng 542 hộp sữa bột dinh dưỡng, trị giá 185 triệu cho các trẻ em, học sinh trong các khu cách ly tập trung.     

Bạn đọc

Bạn Binhminhle@...:

Nhà trường có những chính sách gì hỗ trợ giảng viên, người học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Viên chức, giảng viên, người lao động, học viên, sinh viên sẽ được các y bác sĩ của Phòng khám tư vấn và theo dõi sức khỏe khi gặp các vấn đề sức khỏe. Và các buổi tọa đàm, tư vấn tâm lý miễn phí cũng được tổ chức.

Đối với các trường hợp trở thành F0 sau khi tham gia chống dịch, nhà trường sẽ liên hệ với Bệnh viện điều trị tại huyện Cần Giờ nhằm đảm bảo việc chăm sóc và điều trị cho các bạn. Nhà trường cũng sẽ hỗ trợ kinh phí điều trị cho các bạn.

Nếu viên chức, giảng viên, người lao động có các dấu hiệu hoặc nghi ngờ mình mắc bệnh sẽ được Phòng khám khám sàng lọc và test nhanh trong trường hợp cần thiết.

GV, SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia lấy mẫu test cộng đồng.
GV, SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia lấy mẫu test cộng đồng.
Bạn đọc

Bạn Myvanluong@...:

Công tác bảo đảm điều kiện an toàn phòng dịch được các trường học tại Đồng Nai triển khai như thế nào để chuẩn bị năm học mới 2021-2022?
Ông Võ Ngọc Thạch

Ông Võ Ngọc Thạch

Ông Võ Ngọc Thạch
Ông Võ Ngọc Thạch

Ngành Giáo dục tỉnh Đồng Nai khai giảng năm học mới 2021-2022 đối với bậc giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông là 12/9, với giáo dục thường xuyên là 18/9. Việc bắt đầu năm học mới bằng hình thức dạy-học trực tiếp hay dạy học trực tuyến sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế. Các phương án đều đã được tính toán, chuẩn bị.

Để chuẩn bị cho năm học mới, bên cạnh các chỉ đạo về mặt chuyên môn, Sở GD&ĐT sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị, trường học chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch như chỉnh trang, vệ sinh trường lớp, nhất là với các trường được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến, đảm bảo trả lại không gian dạy-học sạch sẽ, an toàn, thoải mái nhất cho giáo viên, học sinh.

Đồng thời, rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, phương tiện phòng dịch như bố trí phòng cách ly, phòng y tế, cơ số thuốc, máy đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng, đặc biệt là hệ thống nước sạch, xà phòng, nước sát khuẩn phục vụ nhu cầu rửa tay thường xuyên của học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch trong tình hình mới; xây dựng phương án xử lý khi có tình huống dịch; chuẩn bị phương án đón- trả học sinh, tổ chức giờ nghỉ giải lao,… đảm bảo các yêu cầu giãn cách, không tập trung đông người; tiến hành kiểm tra công tác phòng dịch đối với các đơn vị trước khi năm học mới bắt đầu.

Bạn đọc

Bạn Duongtule@...:

Ông đánh giá thế nào về vai trò của các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành Y trong việc hỗ trợ TP. HCM chống dịch?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Đặc thù của một trường đại học khối ngành sức khỏe là không chỉ tập trung vào công tác đào tạo mà còn phải thực hiện trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cộng động nên trong bối cảnh dịch bệnh, các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành Y nói chung và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang gánh trên vai hai trọng trách rất lớn. Một là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hai là hỗ trợ TP.HCM đẩy lùi dịch bệnh.

Nhưng đây cũng là cơ hội để các giảng viên và học viên sau đại học của Trường được nâng cao tay nghề, tác nghiệp dưới áp lực cao, học hỏi được những kiến thức mới của dịch bệnh Covid-19. Đối với sinh viên, đây sẽ là cơ hội được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, ứng dụng kiến thức, rèn luyện năng lực chuyên môn và sát cánh cùng các nhân viên y tế dày dặn kinh nghiệm.

Đây cũng là một bài kiểm tra về mặt y đức và chuyên môn cho nhân viên y tế và sinh viên ngành Y, nâng cao tinh thần trách nhiệm với sức chăm sóc sức khỏe cộng động.

GV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tư vấn sức khỏe trực tuyến cho người dân.

GV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tư vấn sức khỏe trực tuyến cho người dân.

Bạn đọc

Bạn Quynhanh@...:

Tình hình dịch Covid-19 khiến lực lượng nhân viên y tế chịu rất nhiều áp lực và nguy hiểm. Điều này có ảnh hưởng tới tỷ lệ thí sinh đăng ký vào trường trong năm nay không, thưa ông?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Theo báo cáo thì số lượng hồ sơ đăng ký vẫn ổn định và không có dấu hiệu giảm sút. Hiện nhà trường đã phân bố nguồn nhân lực chuyên trách cho công tác tuyển sinh, đây cũng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của trường bên cạnh công tác phòng chống dịch. Đồng thời, xây dựng kế hoạch bảo vệ sức khỏe đơn vị phụ trách tuyển sinh, tránh làm gián đoạn công việc. Đảm bảo sinh viên được nhập học và bắt đầu học kỳ mới ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

SV, GV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ra quân hỗ trợ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC).

SV, GV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ra quân hỗ trợ Trung tâm kiểm soát bệnh tật  TPHCM (HCDC).

Bạn đọc

Bạn truonghanh@...:

Hiện nay việc triển dạy học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục Đồng Nai có khó khăn gì hay không? Sở GD&ĐT đã có kế hoạch như thế nào đối với việc dạy học trực tuyến, giúp học sinh “tạm dừng đến trường, không dừng học”?
Ông Võ Ngọc Thạch

Ông Võ Ngọc Thạch

Đã gần hai năm trong tình trạng này, tôi nghĩ các trường có sự chủ động tốt hơn, chắc chắn những hạn chế trước đây sẽ được rút kinh nghiệm. Thuận lợi là có một số phần mềm dạy học trực tuyến được thí điểm trước đây và được đánh giá nghiêm túc. Trước mắt giao cho các nhà trường chọn lựa phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện, đội ngũ và bảo đảm cơ bản những quy định theo Thông tư 09 của Bộ GD&ĐT. Về dài hạn sẽ chọn và thống nhất một, hai phần mềm chuẩn nhất. 

Bạn đọc

Bạn Trần Vân – Đak Nông:

Kế hoạch tựu trường, khai giảng năm học mới 2021-2022 của Đồng Nai như thế nào? Làm thế nào vừa bảo đảm an toàn sức khỏe, vừa vẫn tạo được dấu ấn ngày khai trường cho các em học sinh, đặc biệt với các học sinh đầu cấp?
Ông Võ Ngọc Thạch

Ông Võ Ngọc Thạch

Ngày 23/8, UBND tỉnh đã ký quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học mới 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, ngày khai giảng năm học mới 2021-2022 đối với bậc giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông là 12/9, còn với giáo dục thường xuyên là 18/9. Ngày bắt đầu học kỳ I năm học 2021-2022 đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS-THPT là 13/9; giáo dục thường xuyên là 20/9.

Tổ chức khai giảng năm học mới trên tinh thần an toàn cho mọi người là trên hết. Có thể sẽ có bài phát biểu Khai giảng năm học mới trên đài Phát thanh - Truyền hình của lãnh đạo cao nhất tỉnh hay ngành trước thềm năm học mới.

Bạn đọc

Bạn thaitrananh@...:

Tham gia các đội tình nguyện hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch phải xa gia đình, việc giữ gìn an toàn cho các giảng viên được tính toán như thế nào, thưa thầy?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Nhà trường đã tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn trực tuyến nhằm trang bị những kiến thức chuyên môn về dịch bệnh Covid-19 cho lực lượng tham gia chống dịch. Trong khi tham gia chống dịch, Phòng khám Đa khoa của Trường cũng đã tổ chức các buổi tọa đàm hằng tuần, tư vấn tâm lý và hỗ trợ chuyên môn từ xa và để mọi người chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.

Trường cũng đã hỗ trợ cho lực lượng tham gia chống dịch những nhu yếu phẩm, lương thực, trang phục, dụng cụ bảo hộ.

Bên cạnh đó, Phòng khám Đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã phối hợp cùng Viện Tim tổ chức tiêm ngừa mũi 1 và 2 cho lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch và mũi 1 cho người thân.

Đối với các trường hợp tình nguyện viên trở thành F0 sau khi tham gia chống dịch, nhà trường sẽ liên hệ với Bệnh viện điều trị tại Cần Giờ nhằm đảm bảo việc chăm sóc và điều trị cho các bạn. Nhà trường cũng sẽ hỗ trợ chi phí xét nghiệm và điều trị cho các bạn.

Lãnh đạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tặng quà động viên GV, SV trường tham gia các đội hình tình nguyện phòng chống dịch Covid-19.

Lãnh đạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tặng quà động viên GV, SV trường tham gia các đội hình tình nguyện phòng chống dịch Covid-19.

Bạn đọc

Bạn Huongthuthao@...:

Ông có lo lắng cho đội ngũ của mình không khi họ là những người vốn không có chuyên môn y tế tham gia vào phòng chống dịch?
Ông Võ Ngọc Thạch

Ông Võ Ngọc Thạch

Tuy có lo nhưng tôi tin tưởng thầy cô sẽ an toàn và  xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ khi tham gia công tác chống dịch. Tôi khuyên thầy cô ngoài 5K thì nên mang theo chai nước rửa tay trước khi ăn uống, sử dụng nước muối 0,9% thường xuyên.

Bạn đọc

Bạn cuongtrinh@...:

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã đem đến những khó khăn gì cho giáo dục Đồng Nai, đặc biệt khi năm học mới gần kề?
Ông Võ Ngọc Thạch

Ông Võ Ngọc Thạch

Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai.
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai.

Như nhiều địa phương khác, với Đồng Nai, khó khăn thì nhiều, kể không hết. Lo nhất là những học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến, kể cả học trên truyền hình.

Liên quan đến nội dung này, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kịch bản dạy và học trong năm học mới tùy vào hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn, nơi có thể dạy trực tiếp thi đảm bảo 5K (nếu có điều kiện thi sắp xếp khối học luân phiên…), khuyến khích học sinh mang theo nước uống, nước muối pha loãng để khò thỉnh thoảng trong giờ giải lao; nơi không đến trường được thì rà soát, thống kê học sinh có điều kiện học trực tuyến, học trên TV, giao bài cho học sinh (bố trí các địa điểm thuận lợi để học sinh nhận trả bài…).

Tất nhiên, công tác biên soạn, hướng dẫn học tập phải chi tiết, cô đọng theo bài, chủ đề… nhưng cụ thể dễ hiểu (học sinh đọc bài và trả lời câu hỏi của giáo viên…) sau này học tập trực tiếp sẽ đào sâu hơn…; rồi kế hoạch cho học sinh không có điều kiện tham gia, không theo kịp trong thời gian nghỉ dịch.

Sở GD&ĐT chủ động phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình xây dựng một số bài giảng một số môn học và phát trên sóng truyền hình…  

Bạn đọc

Bạn anhtuyetle@...:

Trong các công việc mà cán bộ viên chức trường tham gia hỗ trợ thành phố phòng chống dịch Covid-19, thầy thấy công việc nào thiết thực và hiệu quả nhất?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Hầu hết đều thiết yếu trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, Ban chỉ đạo chỉ ưu tiên điều phối nguồn lực hỗ trợ các công tác phù hợp với đặc thù của ngành Y. Nhưng công tác được ưu tiên và quan trọng nhất hiện nay là hỗ trợ chăm sóc, điều trị cho F0 bệnh nhẹ, được cách ly tại nhà, nhằm hạn chế các trường hợp trở nặng và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Và theo báo cáo từ các đơn vị và đội tình nguyện gửi về, công tác đều đang hoạt động rất bài bản và đạt hiệu quả cao. Vừa qua, ngày 21/8/2021, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM - Nguyễn Thành Phong đã gửi Thư biểu dương gửi đội Taxi cấp cứu 115 của trường đóng tại huyện Nhà Bè.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham hỏi, động viên GV, SV trường tham gia đội hình Taxi cấp cứu 115.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham hỏi, động viên GV, SV trường tham gia đội hình Taxi cấp cứu 115.

Bạn đọc

Bạn Binhhungtran@...:

Qua thông tin trên báo chí, tôi được biết thời gian qua Phòng khám đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Thạch có tổ chức tư vấn, hỗ trợ điều trị cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đánh giá của thầy trong việc triển khai hoạt động này thế nào?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Từ đầu tháng 7, Phòng khám đa khoa của trường đã triển khai tư vấn sức khỏe trực tuyến cùng bác sĩ chuyên khoa cho người dân với hơn 100 chuyên gia, bác sĩ, giảng viên của Trường trực tiếp tư vấn. Đến nay, Phòng khám đã tiếp nhận và tư vấn cho hơn 200 trường hợp và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân.

Ngoài ra, từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên thế giới, nhà trường đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh đến sức khỏe cộng đồng. Từ đó, Trường đã tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm chuẩn kiến thức dự phòng cho người dân.

Đơn vị Truyền thông Phòng khám Đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức chương trình Tập huấn một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TPHCM. Đồng thời cũng tổ chức chương trình Truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân nhằm cung cấp kiến thức đúng về dịch bệnh và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa.

SV, GV trẻ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hướng dẫn cách giữ vệ sinh phòng chống dịch COVID-19 tại Trường TH Linh Đông, TPHCM.

SV, GV trẻ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hướng dẫn cách giữ vệ sinh phòng chống dịch COVID-19 tại Trường TH Linh Đông, TPHCM.

Bạn đọc

Bạn tuanhnguyen@...:

Hiện nay có bao nhiêu trường học tại Đồng Nai được sử dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến?
Ông Võ Ngọc Thạch

Ông Võ Ngọc Thạch

Trường mầm non Xuân Hòa (xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) mới hoàn thành xây dựng, đang được sử dụng làm khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Báo Đồng Nai
Trường mầm non Xuân Hòa (xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) mới hoàn thành xây dựng, đang được sử dụng làm khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Báo Đồng Nai

Để phục vụ công tác chống dịch, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 222 trường học trên 11 huyện, thành phố của tỉnh được trưng dụng làm khu cách ly và bệnh viên dã chiến. Trong đó có 16 trường THPT; 206 trường mầm non, tiểu học, THCS.

Số trường được trưng dụng tập trung tại các vùng trọng điểm dịch bệnh của tỉnh, nhiều nhất là thành phố Biên Hòa có 99 trường; huyện Nhơn Trạch 35 trường, huyện Vĩnh Cửu 28 trường.

Bạn đọc

Bạn tranhoahong@...:

Ông có thể cho biết, những phần công việc cụ thể mà các cán bộ giảng viên của trường tham gia phòng, chống dịch Covid-19? Hoạt động này sẽ tiếp diễn như thế nào khi năm học mới chính thức bắt đầu?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Trong suốt quá trình tham gia phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, Trường luôn đảm bảo 3 mục tiêu: Tham gia hỗ trợ công tác phòng chống, dịch của TPHCM – Đảm bảo công tác phòng chống, dịch – Thực hiện hiệu quả và an toàn công tác tuyển sinh, tốt nghiệp và đào tạo.

Với tính chất đặc thù của một trường đại học khối ngành Sức khỏe, Trường đã huy động tối đa lực lượng tham gia hỗ trợ TPHCM nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo công tác đào tạo, nhằm cung cấp nguồn nhân lực y tế đạt chuẩn năng lực. Ban giám hiệu đã điều phối và phân bố nhân lực tối ưu cho các vị trí mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.

Bên cạnh việc tham gia công tác đào tạo tại Trường, toàn bộ giảng viên, học viên nội trú được huy động tham gia: TỔ TƯ VẤN Y TẾ TỪ XA,  hỗ trợ theo dõi, chăm sóc bệnh nhân F0 đang thực hiện cách ly tại nhà theo quy định trên địa bàn TPHCM, hỗ trợ phát thuốc điều trị cho người dân, phối hợp cùng các trạm y tế lưu động chăm sóc sức khỏe cho các F0, lấy mẫu và tiêm ngừa cộng đồng…

Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, các giảng viên sẽ phải phân bố thời gian hợp lý để đảm bảo công tác giảng dạy và công tác chống dịch trong năm học. Nhà trường cũng sẽ hỗ trợ phân bổ thời khóa biểu hợp lý và các thủ tục hành chính cho các giảng viên tham gia chống dịch. Trường cũng sẽ ưu tiên các công tác chống dịch thiết yếu như TỔ TƯ VẤN Y TẾ TỪ XA, hỗ trợ phát thuốc điều trị cho người dân và y tế lưu động nhằm đảm bảo chất lượng điều trị cho người dân.

Phòng khám đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mở tư vấn sức khỏe trực tuyến và trực tiếp trong dịch Covid-19

Phòng khám đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mở tư vấn sức khỏe trực tuyến và trực tiếp trong dịch Covid-19

Bạn đọc

Bạn Minh Hằng – TP. HCM:

Xin ông cho biết, nhà trường đã có những chính sách hỗ trợ sinh viên, giáo viên tham gia chống dịch như thế nào?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Trường đã hỗ trợ cho lực lượng tham gia chống dịch những nhu yếu phẩm, lương thực, trang phục, dụng cụ bảo hộ thông qua việc huy động nhiều nguồn lực và nhà hảo tâm. Không để mọi người thiếu thốn hay ảnh hưởng đến sức khỏe và công tác chống dịch.

Nhằm trang bị những kiến thức chuyên môn về dịch bệnh Covid-19, Trường đã tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn trực tuyến do các giảng viên có chuyên môn cao giảng dạy và cung cấp thông tin cho lực lượng tham gia chống dịch.

Tổ chức các buổi tọa đàm hằng tuần do các chuyên gia điều phối, giúp các nhân viên y tế, giảng viên, tình nguyện viên của Trường được hỗ trợ chuyên môn từ xa trong khi tham gia chống dịch. Đồng thời, đây cũng là kênh để mọi người chia sẻ kinh nghiệm thực, giúp hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh tại các địa phương trên TPHCM và có biện pháp bảo về sức khỏe an toàn khi tham gia chống dịch.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn về mặt sức khỏe, Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã phối hợp cùng Viện Tim tổ chức tiêm ngừa mũi 1 và 2 cho lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch và mũi 1 cho người thân.

Phòng khám Đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã mở hotline, tọa đàm tư vấn tâm lý cho nhân viên y tế tham gia chống dịch của TP nói chung và của Trường nói riêng.

Đối với các tình nguyện viên sau khi tham gia chống dịch trở về sẽ được lưu trú tạm thời tại khu thu dung của Trường. Tại đây các bạn sẽ được các y bác sĩ của Phòng khám theo dõi sức khỏe liên tục, xét nghiệm định kì và cung cấp các nhu yếu phẩm.

Đối với các trường hợp tình nguyện viên trở thành F0 sau khi tham gia chống dịch, nhà trường sẽ liên hệ với Bệnh viện điều trị tại huyện Cần Giờ nhằm đảm bảo việc chăm sóc và điều trị cho các bạn. Nhà trường cũng sẽ hỗ trợ kinh phí điều trị cho các bạn.

Ban chỉ đạo cũng luôn theo sát các đội, nhóm giảng viên, sinh viên tham gia tình nguyện trong công tác phòng, chống dịch để kịp thời hỗ trợ ngay khi nhận được yêu cầu. Hiệu trưởng cũng đã đến tận các điểm sinh viên tham gia đội hình Taxi cấp cứu 115 chuyển bệnh F0 để thăm hỏi và gửi tặng nhu yếu phẩm cho các bạn, đồng thời động viên và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng. Và ngay ngày hôm sau, các vật dụng y tế còn thiếu tại các điểm đã được bổ sung, tránh làm ảnh hưởng đến quá trình công tác.

GV, SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tại lễ ra quân hỗ trợ TPHCM phòng chống dịch Covid-19, ngày 26/7/2021.

GV, SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tại lễ ra quân hỗ trợ TPHCM phòng chống dịch Covid-19, ngày 26/7/2021.

 

Bạn đọc

Bạn bangoctran@...:

Xin ông cho biết, hiện nay có bao nhiêu thầy cô giáo của Đồng Nai được trưng tập để tham gia công tác chống dịch? Tham gia công tác này có ảnh hưởng đến những công tác chuyên môn giáo viên phải thực hiện trong hè, đặc biệt là công tác bồi dưỡng, tập huấn?
Ông Võ Ngọc Thạch

Ông Võ Ngọc Thạch

Cô Trần Ngọc Hà, giáo viên trường THCS Hoàng Sa trực tiếp nhỏ dung môi vào lọ chứa mẫu - công việc mà ngày thường chỉ dành cho nhân viên y tế. Ảnh: dongnaicdc.vn
Cô Trần Ngọc Hà, giáo viên trường THCS Hoàng Sa trực tiếp nhỏ dung môi vào lọ chứa mẫu - công việc mà ngày thường chỉ dành cho nhân viên y tế. Ảnh: dongnaicdc.vn

Xác định phòng chống dịch bệnh Covid-19 là vụ của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức thu xếp công việc chuyên môn, tích cực tham gia công tác phòng chống dịch với nhiều hoạt động khác nhau theo sự phân công, hướng dẫn của các cấp chính quyền và ngành Y tế, như: Hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, phục vụ các khu cách ly tập trung, trực chốt kiểm soát, tiêm chủng vắc xin, hậu cần, nhập dữ liệu quản lý tình hình dịch bệnh,…

Hiện có 4.331 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Đồng Nai đang tham gia công tác phòng, chống dịch tại tuyến tỉnh và tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Bạn đọc

Bạn Huonganhle@...:

Thời gian qua, tập thể sư phạm Trường ĐH Y khoa Phạm Thạch đã tham gia hỗ trợ ngành y tế TPHCM trong công tác phòng chống dịch Covid-19 như thế nào, thưa ông?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp

Ngay khi đợt dịch thứ tư bắt đầu, nhà trường đã huy động lực lượng giảng viên, sinh viên của trường tham gia các công tác phòng, chống dịch. Giảng viên, sinh viên của trường đã tham gia trên các mặt trận:

  • Thành lập và đưa vào hoạt động TỔ TƯ VẤN Y TẾ TỪ XA hỗ trợ theo dõi, chăm sóc bệnh nhân F0 đang thực hiện cách ly tại nhà theo quy định trên địa bàn TPHCM.
  • Huy động được hơn 1.500 sinh viên tham gia tình nguyện trong các đội hình Taxi cấp cứu 115, Tổng đài cấp cứu 115 cũng do Trung tâm cấp cứu 115 triển khai và tham gia công tác lấy mẫu, tiêm ngừa, nhập liệu, truy vết dịch tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và các địa phương.
  • Cử lực lượng giảng viên lâm sàng, học viên bác sĩ nội trú tham gia công tác chống dịch tại các bệnh viện điều trị Covid-19 và bệnh viện dã chiến,
  • Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch triển khai tư vấn sức khỏe trực tuyến cho người dân về các vấn đề sức khỏe thông qua video call, đồng thời Phòng khám cũng hỗ trợ các đơn vị phòng chống dịch trên địa bàn thành phố trong các hoạt động như tiêm vaccine, lấy mẫu cộng đồng, chăm sóc F0 tại nhà…
  • Định kỳ 1 tháng 2 lần, Phòng khám đã và đang tổ chức chương trình Tư vấn và tầm soát sức khỏe miễn phí cho người dân. Chương trình cung cấp những kiến thức đúng về dịch bệnh Covid-19 cũng như các vấn đề bệnh tật và chăm sóc sức khỏe, do các chuyên gia, giảng viên, bác sĩ của Trường tư vấn. Người dân có thể đặt câu hỏi trực tuyến và sẽ được giải đáp trực tiếp.

Nhằm điều phối, phân bố nhân lực đúng người đúng việc và cập nhật, hỗ trợ các công tác phòng, chống dịch của TP, Trường đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống dịch, do Hiệu trưởng trực tiếp tham gia chỉ huy với 7 tổ:

  • Tổ Chuyên môn – Truyền thông, phụ trách tư vấn điều trị, tập huấn chuyên môn và cập nhật thông tin về dịch bệnh.
  • Tổ Hậu cần – Tài chính, phụ trách huy động, tiếp nhận và điều phối nguồn lực phù hợp cho công tác phòng, chống dịch.
  • Tổ Xét nghiệm, phụ trách lấy mẫu và xét nghiệm cho viên chức, người lao động, tình nguyện viên tham gia chống dịch nhằm đảm bảo hoạt động chống dịch an toàn và không bị gián đoạn, đồng thời thực hiện xét nghiệm cộng đồng theo điều phối của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC).
  • Tổ Chăm sóc và điều trị, có nhiệm vụ hướng dẫn chăm sóc, điều trị cho viên chức, người lao động, tình nguyện viên tham gia chống dịch là F0 và giám sát khai báo y tế.
  • Tổ Điều phối tiêm vaccine cho viên chức, người lao động, tình nguyện viên tham gia chống dịch của nhà trường và phối hợp, hỗ trợ các đơn vị tiêm vaccine cộng đồng.
  • Tổ Điều phối tình nguyện viên.
  • Tổ Phòng, chống dịch tại trường.
  • Tổ Xây dựng kế hoạch hoạt động.

Toàn bộ lực lượng viên chức, người lao động, sinh viên đều tham trên tinh thần tự nguyện xung kích, ngay khi nhận được thư kêu gọi từ Hiệu trưởng, hầu hết đã đăng kí tham gia và đã hỗ trợ rất nhiều trong công tác phòng, chống dịch của TPHCM và tại trường.

GV, SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia đội hình Taxi cấp cứu 115.

GV, SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia đội hình Taxi cấp cứu 115.

 

Bạn đọc

Bạn Baotram9x@...:

Là địa phương dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ông có thể chia sẻ sự tham gia của ngành Giáo dục như thế nào thời gian qua trong công tác chống dịch trên địa bàn tỉnh?
Ông Võ Ngọc Thạch

Ông Võ Ngọc Thạch

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên cả nước và địa bàn tỉnh Đồng Nai, ngành Giáo dục đã quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc”, xác định các mục tiêu quan trọng là bảo đảm an toàn trường học, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; vừa hoàn thành việc chống dịch vừa hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, dạy-học của ngành.

Chúng tôi cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp mà ngành nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn; mỗi cán bộ, công chức, viên chức của ngành tuân thủ nghiêm các quy định, biện pháp phòng chống dịch, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cũng là điều rất quan trọng.

Đối với công tác phòng chống dịch, căn cứ các chỉ đạo của Chính phủ, UBND, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh, các hướng dẫn của ngành Y tế, ngành Giáo dục đã khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.

Trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, học viên đối với nhiệm vụ phòng, chống dịch; sử dụng nhiều hình thức để phổ biến, quán triệt, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch như giữ vệ sinh môi trường trường, lớp học sach sẽ, thông thoáng, thực hiện quy định 5K; ứng dụng CNTT vào công tác phòng dịch,….

Với sự cố gắng của toàn ngành, trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh, không có cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh vi phạm các quy định về phòng, chống dịch; việc đảm bảo an toàn trường học trước ảnh hưởng của dịch bệnh đạt kết quả tốt. Ngành Giáo dục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT năm 2021 an toàn, đúng quy chế.

Bạn đọc

Bạn huongthuyle@...:

Theo cô, việc dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học có những khó khăn, thuận lời gì? Phụ huynh cần phối hợp như thế nào để hoạt động này đạt hiệu quả cao nhất?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Dạy học trực tuyến là biện pháp khả quan nhất trong điều kiện tình hình dịch bệnh hiện nay. Với trẻ tiểu học cũng có không ít khó khăn và thuận lợi nhưng có lẽ khó khăn nhiều hơn.

Bởi lứa các em, các kĩ năng sử dụng máy tính chưa thành thạo, mà đó lại là yếu tố quan trọng cho việc học trực tuyến. Khi các em học thường phải có người bên cạnh để hướng dẫn. Hoạt động dạy – học giữa cô và trò đôi khi không chủ động.

Cô trò trường tiểu học Võ Cường 2 sẵn sàng cho năm học mới (Ảnh tư liệu).
Cô trò trường tiểu học Võ Cường 2 sẵn sàng cho năm học mới (Ảnh tư liệu).

Khó khăn khách quan phải kể đến đó là về điều kiện học tập. Hầu hết các gia đình đã trang bị đầy đủ máy tính, điện thoại thông minh để con có thể tham gia vào lớp học trực tuyến. Song bên cạnh đó, cũng vẫn có không ít gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa có đủ điều kiện cho con học tập nên việc học của con không thể diễn ra.

Thêm nữa, để giờ học diễn ra liên tục thì đường truyền mạng phải tốt, không bị nghẽn. Tuy nhiên thực tế cho thấy, không phải lúc nào giờ học cũng có thể diễn ra theo đúng kế hoạch dự định.

Vì vậy, để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao nhất thì sự phối hợp của phụ huynh là điều quan trọng nhất.

- Đầu tiên là trang bị đầy đủ các phương tiện cho việc học tập của con: máy tính, điện thoại thông minh, đường truyền mạng tốt… ; có môi trường học tập yên tĩnh.

- Hướng dẫn con những kĩ năng cơ bản khi thực hành các thao tác trên máy tính hoặc điện thoại: tắt/bật tiếng, hình ảnh…

- Hỗ trợ con kịp thời khi con gặp khó khăn khi con tham gia lớp học.

- Liên hệ với giáo viên khi có thắc mắc….

Khi gia đình và nhà trường cùng phối hợp và tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con thì việc dạy học sẽ đạt kết quả cao.

Bạn đọc

Bạn bichphuong9@...:

Để hoàn thành mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa dạy học”, thời gian qua các thầy cô đã thực hiện những phương án gì? Cô có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Mặc dù dịch bệnh diễn ra phức tạp nhưng việc dạy học của cô trò cũng không dừng lại.

Trong suốt thời gian có dịch, nhà trường vẫn tiến hành dạy học online cho học sinh, giao bài tập cho học sinh bằng hình thức giao bài tập qua Zalo, thiết kế những bài kiểm tra qua các phần mềm.

Các thầy cô vẫn miệt mài soạn bài dạy học sinh, tỉ mỉ chữa từng bài tập cho các em mặc dù có cô mắt cũng nhòe đi mỗi lần nhận được bài của học sinh bằng hình ảnh trên điện thoại.

Để  làm tốt hơn nữa công tác này, trong thời gian tới, cũng rất cần sự đồng lòng của các bậc phụ huynh. Khi các bậc phụ huynh tạo được điều kiện tốt nhất để cô trò được kết nối thì vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Tất cả vì con em chúng ta.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Linh-Hải Phòng:

Trong các đợt bùng phát dịch, giáo viên của nhà trường đã có những hoạt động, đóng góp cụ thể gì cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Dịch Covid-19 diễn ra đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Mỗi giáo viên của trường tiểu học Võ Cường 2 luôn có ý thức đóng góp công sức của mình cho công tác phòng, chống dịch.

Cụ thể, tập thể giáo viên nhà tường đã tổ chức quyên góp ủng hộ và kêu gọi phụ huynh, học sinh đóng góp được số tiền 64 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch của Phường Võ Cường và 60 triệu cho quỹ Vắc -xin của Thành phố.

Không những thế, giáo viên trong trường luôn hết lòng, tham gia tình nguyện hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm của Thành phố và của khu dân cư.

Giáo viên cũng tình nguyện tham gia ủng hộ cho hoạt động của Câu lạc bộ Nhịp sống trẻ thành phố Bắc Ninh, hỗ trợ công nhân, nhân dân ở các vùng dịch, khu cách li…

Bạn đọc

Bạn Huongtram@...:

Trẻ vốn hiếu động, nay phải sống tập trung, giãn cách. Cô giáo tổ chức hoạt động gì để tạo niềm vui, giúp trò bớt nhớ nhà?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Để giúp các em bớt nỗi nhớ nhà và luôn vui vẻ, tôi cũng đã tổ chức cho các em nhiều hoạt động khác nhau, kết hợp học mà chơi, chơi mà học.

Các em rất thích ca hát nên tôi tổ chức cho các em thi hát về chủ đề nào đó. Các em rất hào hứng. Tôi còn dạy thêm cho các em các bài hát về trường, lớp, rồi múa hát tập thể. Với việc vẽ tranh cũng vậy. Tôi cho các em vẽ theo chủ đề, mỗi ngày là một chủ đề khác nhau.

Ngoài ra, để củng cố kiến thức cho các em, tôi giao cho các em làm một số bài tập ôn tập kiến thức các môn học như: Toán, Tiếng Việt; thi tìm từ chỉ đồ vật bằng tiếng Anh. Các em cũng có thời gian đọc truyện, liên lạc với gia đình.

Thời gian cứ thế trôi đi và mỗi ngày trong khu cách li đều là những kỉ niệm đáng nhớ của cô trò.

Bạn đọc

Bạn Ngô Thị Thu - Bắc Giang:

Là phụ huynh có con trong độ tuổi đi học, tôi có chút lo lắng khi dịch bệnh vẫn phức tạp. Theo cô, tôi phải chuẩn bị những gì cho con; dạy con điều gì để bảo đảm an toàn phòng dịch?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của các gia đình trên khắp thế giới. Trường học đóng cửa, làm việc từ xa, thực hiện giãn cách... có quá nhiều thứ cần phải giải quyết, đặc biệt là đối với các bậc cha mẹ.

Học sinh tập thể dục trong khu cách ly.
Học sinh tập thể dục trong khu cách ly.

Bản thân tôi cũng là mẹ của hai con đang ở độ tuổi đi học, xin được chia sẻ với các bạn những điều cần thiết để hướng dẫn con:

- Giúp con hiểu ý nghĩa của việc thực hiện giãn cách, của việc thực hiện tốt khẩu hiệu 5K.

- Chuẩn bị cho con đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn, chai nước uống cá nhân khi các con đến trường

- Biết giữ khoảng cách với các bạn.

- Đến trường, nghe theo sự hướng dẫn của thầy cô ….

Chúc các bậc phụ huynh và các em học sinh có nhiều sức khỏe và luôn đảm bảo an toàn trong công tác phòng dịch.

Bạn đọc

Bạn thuhoa@...:

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kế hoạch tựu trường và khai giảng thay đổi liên tục, vậy Trường Tiểu học Võ Cường 2 tựu trường và khai giảng thế nào? Cô có nhắn nhủ gì với học trò của mình?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Kế hoạch tựu trường và khai giảng của nhà trường sẽ thực hiện theo đúng sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh và Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh.

Nhà trường cũng xây dựng nhiều phương án để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo an toàn cho tất cả các em học sinh.

Cô cũng muốn nhắn nhủ với các em rằng: Các em ạ, năm học mới diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp, chúng ta có thể khởi động với buổi tựu trường online.

Nhưng ko vì thế mà cô trò mình ngừng phấn đấu, phát huy năng lực bản thân. Các em hãy luôn lạc quan, tin tưởng bởi các em sẽ luôn được nhà trường và gia đình tạo điều kiện môi trường học tập tốt nhất. Cô và trò vẫn luôn hướng về nhau, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thách thức của dịch bệnh các em nhé.

Bạn đọc

Bạn quynhngoc@...:

Để trò không quên kiến thức cũng như tạo sự hào hứng trước năm học mới, cô trò có hoạt động gì không ạ?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Để thời gian trong khu cách li không trôi đi vô ích, và cũng muốn giúp trò không quên kiến thức, chuẩn bị cho năm học mới 2021 -2022 tôi đã tổ chức cho các em nhiều hoạt động để các em ôn tập kiến thức.

Tôi giúp các em ôn tập các dạng toán đã học; ra cho các em đề văn với nội dung gần gũi, thiết thực. Tôi còn tổ chức cho các em chơi trò chơi với môn Tiếng Anh, thi nói từ, câu đơn giản. Các em cũng rất vui thi tham gia.

Học sinh vẽ tranh, ôn tập bài cũ trong khu cách ly.
Học sinh vẽ tranh, ôn tập bài cũ trong khu cách ly.

Tôi còn ôn tập cho các em những bài hát về trường, lớp. Được cất lên lời ca, tiếng hát về ngôi trường của mình, các em thêm yêu trường, yêu lớp, yêu bạn bè, thầy cô hơn.

Bạn đọc

Bạn tuanhoang@...:

Năm học mới đang đến gần, tâm trạng của cô, trò trong khu cách ly thế nào. Có kịp về dự khai giảng cùng cách bạn không, thưa cô?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Khoảng thời gian cuối tháng 8 là lúc mà mỗi giáo viên và học sinh đều háo hức để chào đón một năm học mới. Cả cô và trò trong khu cách li đều rất mong ngóng đến ngày hết cách li để được về nhà và sớm đến trường. Chắc chắn cô trò sẽ kịp về dự khai giảng năm học mới 2021 -2022 cùng các thầy cô và các bạn.

Rất tuyệt vời khi cả cô trò đều có 3 lần xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Bạn đọc

Bạn Minh Hằng- Bắc Giang:

Con phải đi cách ly, phụ huynh không tránh khỏi lo lắng, cô làm cách nào để làm cầu nối giữa cha mẹ với học sinh, giúp người ở nhà yên tâm?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Như đã nói, phụ huynh có con đi cách li không tránh khỏi lo lắng.

Để giúp bố mẹ của các con yên tâm, cô đã lập một nhóm Zalo gồm các phụ huynh có con trong phòng cô phụ trách.

Học sinh sinh hoạt trong khu cách ly.
Học sinh sinh hoạt trong khu cách ly.

Hàng ngày, cô trao đổi thông tin với bố mẹ, cập nhật thường xuyên tin tức của các con, gửi cho các bậc phụ huynh những hình ảnh về việc sinh hoạt, ăn uống của con ở khu cách li.

Thấy được các hoạt động của các con và chế độ ăn uống hàng ngày, phụ huynh đã yên tâm hơn rất nhiều.

Hiện cách con đã qua 3 lần xét nghiệm âm tính.

Bạn đọc

Bạn Tuấn Anh - Hà Nội:

Được biết việc lấy mẫu xét nghiệm không dễ với trẻ nhỏ. Cô có thể chia sẻ về sự hợp tác của các em. Thầy cô, y bác sĩ phải làm gì để học sinh vượt qua nỗi sợ?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Các em đều rất ngoan và có ý thức nên với những em học sinh phòng tôi việc lấy mẫu xét nghiệm không gặp khó khăn. Các em đều hợp tác.

Đồng thời, tôi cũng động viên các em phải chấp hành tốt hướng dẫn của bác sỹ thì thời gian cách ly sẽ nhanh qua và sớm được trở về nhà.

Bạn đọc

Bạn anhngoc@...:

Trở thành mẹ của nhiều học sinh. Tôi thắc mắc không biết việc ăn ở của cô trò thế nào, quản lý học sinh ra sao khi thực hiện nghiêm quy định giãn cách?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Việc thực hiện nghiêm quy định giãn cách ở khu cách li là việc làm rất quan trọng.  Như đã nói ở trên, ngay ngày đầu đến khu cách li, tôi đã đưa ra những quy định để các em thực hiện theo. 

Buổi sáng, các em ngủ dậy, tự vệ sinh cá nhân, súc miệng nước muối, tập thể dục, ăn sáng, uống Vitamin C tăng sức đề kháng. Sau đó, cô trò cùng quét dọn, lau phòng bằng nước sát khuẩn.

Sau đó, các em vận động, múa hát, vẽ tranh, đọc truyện, ôn bài.

Hướng dẫn học sinh vẽ tranh trong khu cách ly.
Hướng dẫn học sinh vẽ tranh trong khu cách ly. 

Đến giờ ăn, đồ ăn được mang đến. Cô yêu cầu lần lượt từng bạn lên lấy đồ ăn. Cô luôn nhắc các bạn rửa tay, sát khuẩn tay trước khi ăn; trong khi ăn tuyệt đối không nói chuyện. Sử dụng găng tay cá nhân và sát khuẩn tay thường xuyên mỗi khi sử dụng vật dụng nào đó.

Các em phải đeo khẩu trang liên tục, kể cả trong lúc ngủ.

Mỗi việc làm tôi đều nói rõ cho học sinh tác dụng của nó nên học sinh chấp hành rất tốt.

Bạn đọc

Bạn tranhoa@...:

Lần đầu tiên phải xa gia đình, trong hoàn cảnh đặc biệt, cô và nhà trường có biện pháp gì để động viên tin thần học sinh, ổn định tâm lý phụ huynh? Trẻ vốn hiếu động, nay phải sống tập trung, giãn cách. Cô giáo tổ chức hoạt động gì để tạo niềm vui, giúp trò bớt nhớ nhà?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Các em là học sinh lớp 3, mới 9 tuổi. Đây là lần đầu các em phải xa gia đình mà lại trong một hoàn cảnh đặc biệt. Cũng tội cho các em lắm.

Các em phải thực hiện nghiêm ngặt những quy định của khu cách li để đảm bảo an toàn cho bản thân. Tuy nhiên nhà trường luôn sát cánh với các em. 

Cô Hạnh và học trò làm quen với khu cách ly.
Cô Hạnh và học trò làm quen với khu cách ly.

Ban giám hiệu cùng tập thể giáo viên nhà trường đã ngay lập tức quyên góp, ủng hộ và trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt của các em trong khu cách li như: chăn, màn, nước muối, nước sát khuẩn, sữa, bánh kẹo, hoa quả, truyện, giấy vẽ, bút màu…

Hàng ngày, các thầy cô trong trường gọi điện, hỏi han tình hình của các con khiến các con vui tươi,  phấn chấn hơn.

Để giảm bớt sự lo lắng của phụ huynh,  nhà trường cũng phân công 4 cô giáo đi cách li cùng học sinh, mỗi cô phụ trách 5 em và trực tiếp liên hệ với phụ huynh của 5 em.

Các cô chính là cầu nối giữa bố mẹ và các con. Hằng ngày các cô phụ trách sẽ trao đổi, thông báo tình hình của các con trong khu cách li để phụ huynh yên tâm.

Bạn đọc

Bạn lehung@...:

Từng là vùng dịch, chứng kiến nhiều học trò, đồng nghiệp đi cách ly tập trung, tâm lý của cô lúc nhận lệnh cách ly ra sao? Đêm đầu tiên tại chỗ xa lạ, điều kiện sinh hoạt cũng khác, cô và trò xoay xở thế nào, đặc biệt với em khóc vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Bắc Ninh cũng từng là vùng dịch với những ổ dịch lớn.

Trước đó không lâu, ngày 15/8/2021 cũng có trường hợp các em học sinh và giáo viên của trường  Tiểu học Tân Lãng, huyện Lương Tài phải đi cách li tập trung. Khi thấy học trò và đồng nghiệp như vậy tôi không khỏi nghẹn ngào.

Học sinh trường tiểu học Võ Cường 2 di chuyển đến khu cách ly tập trung.
Học sinh trường tiểu học Võ Cường 2 di chuyển đến khu cách ly tập trung.

Đúng 8 giờ sáng ngày 17/8, tôi nhận được lệnh đi cách li tập trung của cấp trên. Lúc đầu, tôi cũng có chút bối rối.

Nhưng sau đó, tôi cũng trấn tĩnh được ngay vì thời gian cũng gấp gáp. Tôi thông báo với gia đình và lập tức chuẩn bị tư trang để đi cách li cùng học trò.

Bạn đọc

Bạn anhoa@...:

Khi biết tin phải đi cách ly tập trung, tâm lý các em và phụ huynh thế nào thưa cô?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Khi biết tin phải đi cách li tập trung, các em học sinh đều rất bất ngờ, lo sợ, cũng có em khóc nức nở không muốn đi.

Phụ huynh cũng hoang mang lo lắng. Phụ huynh bày tỏ sự băn khoăn, liên tục gọi điện cho giáo viên hỏi về việc đi cách li, về nơi ăn chốn ngủ, đặc biệt là việc không ai chăm sóc các con. Thậm chí, có những phụ huynh xin được đi cách li cùng con. 

Bạn đọc

Bạn Ngô Minh - Bắc Ninh:

Tôi được biết Trường Tiểu học Võ Cường 2 có học sinh dương tính với Covid-19. Vậy cụ thể có bao nhiêu học sinh, giáo viên phải đi cách ly? Hiện, sinh hoạt của cô trò có gặp khó khăn gì không?
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh

Xin kính chào các vị khách mời và quý bạn đọc.

Trước tiên, tôi xin cảm ơn lời mời của Ban biên tập Báo Giáo dục và Thời đại đã cho tôi cơ hội được chia sẻ trong chương trình giao lưu hôm nay.

Sáng ngày 17/8/2021, trường Tiểu học Võ Cường 2 nhận được thông báo có em HMĐ, học sinh lớp 3A3 của trường dương tính với Covid – 19.

Trước đó vào ngày 11/8/2021, theo công văn của Sở GD&ĐT Tỉnh Bắc Ninh về việc tổ chức cho các em học sinh khối lớp 1, 2, 3, 4 trở lại trường để hoàn thành kiểm tra cuối năm học 2020 – 2021,  các em học sinh lớp 3 đến trường thi theo lịch.

19 em học sinh diện F1 chuẩn bị tư trang sẵn sàng thực hiện việc cách ly theo quy định.
19 em học sinh diện F1 chuẩn bị tư trang sẵn sàng thực hiện việc cách ly theo quy định.

Do đó toàn bộ học sinh và GV coi thi phòng thi có em Đ. là F1 và phải đi cách li. Cụ thể là có 19 em học sinh và 4 giáo viên coi thi phải đi cách li tập trung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.