Người phụ nữ tử vong vì ghép phổi của người nhiễm Covid-19

GD&TĐ - Người phụ nữ ở bang Michigan (Mỹ) mắc bệnh nặng và may mắn tìm được người hiến phổi. Tuy nhiên, điều khó ngờ xảy ra là phổi của người hiến lại bị nhiễm Covid-19, bất chấp xét nghiệm trước đó là âm tính.

Người phụ nữ tử vong vì ghép phổi của người nhiễm Covid-19

Trường hợp này đánh dấu lần đầu tiên các bác sĩ xác nhận sự lây truyền của Covid-19 qua một ca cấy ghép nội tạng, theo báo cáo được công bố trên Tạp chí Ghép tạng Hoa Kỳ. Người hiến tặng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không hề có triệu chứng và xét nghiệm âm tính. Một bác sĩ xử lý phổi của người hiến tặng cũng bị nhiễm virus, sau đó đã bình phục.

Do đây là trường hợp duy nhất về Covid-19 lây lan qua cấy ghép nội tạng được xác nhận trong số gần 40.000 ca ghép tạng được thực hiện vào năm 2020, khả năng lây truyền qua con đường này là rất thấp. Tuy nhiên, các bác sĩ liên quan đến vụ việc đang kêu gọi tiến hành thử nghiệm Covid-19 rộng rãi hơn đối với những người hiến phổi để ngăn chặn vụ việc tương tự xảy ra.

Tiến sĩ Daniel Kaul, Giám đốc Dịch vụ cấy ghép của Michigan Medicine, cho biết: “Chúng tôi sẽ không sử dụng phổi nếu có kết quả xét nghiệm dương tính”. Người hiến tặng là một phụ nữ tử vong sau khi chấn thương sọ não trong tai nạn xe hơi. Người nhận tạng là nữ bệnh nhân bị tắc nghẽn phổi mạn tính. Các mẫu thu thập thường xuyên từ cả người cho và người nhận tạng đều âm tính với SARS-CoV-2, loại virus gây ra Covid-19.

Ba ngày sau khi phẫu thuật, người nhận bị sốt, huyết áp giảm, thở khó khăn, có dấu hiệu nhiễm trùng phổi. Sau đó, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng và gặp vấn đề ở tim. Người này suy kiệt nhanh chóng.

Các bác sĩ đã thử các phương pháp điều trị khác nhau, dùng cả ECMO (tim phổi nhân tạo) nhưng đều vô ích. Bệnh nhân mất sau 61 ngày được cấy ghép.

Nghi ngờ về nguồn gốc của sự lây nhiễm, các bác sĩ đã kiểm tra lại các mẫu bệnh phẩm từ người hiến tặng lấy 48 giờ sau khi phổi được lấy. Kết quả âm tính SARS-Cov-2.

Theo gia đình, người này không có các triệu chứng Covid-19, không đi du lịch trong thời gian gần đây và không tiếp xúc gần với bệnh nhân. Nhưng các bác sĩ đã giữ một mẫu dịch được lấy từ sâu bên trong phổi của người hiến. Mẫu này cho kết quả dương tính.

Quá trình giải trình tự gen cho thấy virus Corona ở người nhận phổi và người hiến tặng giống hệt nhau, xác nhận rằng người nhận đã nhiễm virus từ phổi của người hiến tặng. Báo cáo cho biết bác sĩ phẫu thuật, người bị ốm 4 ngày sau khi tiến hành cấy ghép, cũng bị nhiễm một loại virus gần như giống hệt với hai người trên, loại virus mà anh có thể đã mắc phải do tiếp xúc với vật liệu thải ra từ phổi của người hiến tặng trong quá trình phẫu thuật.

Các trung tâm cấy ghép và các tổ chức thu mua nội tạng nên thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các mẫu cho bệnh đường hô hấp dưới từ những người hiến phổi tiềm năng, các tác giả viết trong bài báo của họ. Ngoài ra, các trung tâm cấy ghép nên “xem xét nâng cấp các thiết bị bảo vệ cá nhân cho các nhân viên y tế liên quan đến việc mua và cấy ghép phổi”, chẳng hạn như khẩu trang N95 và bảo vệ mắt.

Hiện, các nhà khoa học không chắc liệu các cơ quan khác bị ảnh hưởng bởi Covid-19 - như tim, gan và thận - có thể truyền virus hay không. Nhưng trường hợp tử vong ở Michigan đã nhấn mạnh sự cần thiết phải lấy mẫu trước khi cấy ghép, đặc biệt là ở các khu vực có nguy cơ cao.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.