Mỹ đưa 20 chú chuột lên Trạm không gian quốc tế

GD&TĐ - Nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi sự ảnh hưởng của không gian lên nhịp độ sinh học chuột, vi khuẩn và các thực thể sống khác bên trong cơ thể chúng, cùng thay đổi về thể chất.

Mỹ đưa 20 chú chuột lên Trạm không gian quốc tế

Tập đoàn SpaceX vừa phóng vào không gian tên lửa Falcon 9 từ Florida. Đích đến là Trạm không gian quốc tế (ISS). "Hành khách" quan trọng có mặt trong chuyến đi là 20 chú chuột phòng thí nghiệm.

20 chú chuột là một phần của nghiên cứu tại Đại học Northwestern. Phân nửa trong số chúng sẽ "nghỉ mát" trên quỹ đạo không gian 90 ngày, số còn lại sẽ quay về Trái đất sau 30 ngày.

Nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi sự ảnh hưởng của không gian lên nhịp độ sinh học chuột, vi khuẩn và các thực thể sống khác bên trong cơ thể chúng, cùng thay đổi về thể chất.

Nghiên cứu mới này được thực hiện dựa trên một nghiên cứu khác mà nhóm này từng làm, gọi là nghiên cứu song sinh của NASA. Khi đó, phi hành gia Scott Kelly đã sống 1 năm trên trạm ISS trong khi người anh em sinh đôi Mark Kelly (cũng là phi hành gia) ở tại Trái đất hỗ trợ công việc chuyên môn điều khiển khác.

Đầu năm nay, NASA đã công bố phát hiện từ nghiên cứu, cho biết khoảng thời gian Scott ở không gian đã ảnh hưởng đến khả năng biểu hiện trong 7% số lượng gen của anh.

20 chú chuột đang trên hành trình đến ISS cũng có anh em sinh đôi được giữ dưới mặt đất, tại cơ sở nghiên cứu của NASA. Ở đó, chúng sẽ trải qua điều kiện môi trường tương tự như những chú chuột đang bay phía trên: cùng nhiệt độ, ánh sáng và lượng hoạt động thể chất - ba ngày một lần.

Dù chuột và người có khác biệt về mặt sinh học (dĩ nhiên), nhóm nghiên cứu hi vọng việc mô phỏng điều kiện gần như giống nhau sẽ cung cấp thêm dữ liệu chính xác hơn về mức độ không gian ảnh hưởng lên cơ thể.

Mỹ đưa 20 chú chuột lên Trạm không gian quốc tế - Ảnh 2.

Không phải loài chuột nào cũng có cơ hội bay vào vũ trụ

Vì trong nghiên cứu trước đó, khi Scott ở trạm ISS, Mark bên dưới đã trải qua cuộc sống bình thường và những gì anh đã làm có khả năng ảnh hưởng đến kết quả sau cùng.

Giới khoa học đã công bố vô số rủi ro về sức khỏe do tiếp xúc với môi trường không gian - giảm thị lực, ung thư, bệnh tâm lý, nhưng chúng ta chưa biết rõ thực sự khoảng thời gian cụ thể dài bao lâu trên không gian sẽ gây ra ảnh hưởng.

Kế hoạch định cư trên sao Hỏa dường như sẽ bắt đầu trong rất nhiều năm nữa, nhưng chúng ta cần phải trả lời câu hỏi trên trước khi "gửi" ai đó lên hành tinh láng giềng.

90 ngày không có vẻ là khoảng thời gian dài với chuột, nhưng thực ra lại tương tự 9 năm với con người. Mong rằng các phi hành gia bé nhỏ này sẽ giúp ta tìm hiểu điều gì xảy ra khi chúng ta dành khoảng thời gian đáng kể bên ngoài bầu khí quyển Trái đất.

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ