Đưa robot hỗ trợ vào giáo dục mầm non

GD&TĐ - Với sự phát triển mạnh mẽ của thời đại 4.0, việc áp dụng công nghệ vào giáo dục cũng trở nên phổ biến. Chính vì vậy, robot đã xuất hiện trong nhiều trường học, bài giảng từ bậc mầm non đến đại học... Với giáo dục mầm non, ứng dụng robot vào hoạt động giáo dục trẻ ngày càng khẳng định một hướng đi đúng đắn và cần thiết.

Đưa robot hỗ trợ vào giáo dục mầm non

Công nghệ vào trường học

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người - IPD khẳng định: Khi trẻ tiếp xúc với robot, nhận thức về tình cảm xã hội của trẻ cao hơn so với những đứa trẻ học trong môi trường không có robot hỗ trợ.

Tuy robot không thể thay thế hoàn toàn giáo viên nhưng có thể hỗ trợ giáo viên trong việc giảng dạy và thúc đẩy giáo dục trẻ em bởi chính sự tương tác và hiện diện mang tính vật lý của nó.

Tại Mỹ, robot BeeBot đã được triển khai để hỗ trợ giảng dạy trong trường mầm non và chương trình này đã được ứng dụng trên 10 nước khác.

Tại Singapore, các nhà hoạch định chính sách của các bang, thành phố coi robot là một sự hỗ trợ cho việc dạy học, và mục tiêu của đồ chơi công nghệ (robot) là khuyến khích trẻ sáng tạo hơn với công nghệ.

Tại Hàn Quốc, chương trình: Trường học lập trình với robot thông minh (Smart Coding School), bắt đầu được áp dụng từ năm 2012 cho độ tuổi mầm non và tiểu học, sau đó nhân rộng ra nhiều quốc gia khác như Brazil, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Malaysia.

Tại Nhật Bản, robot AI đã được ứng dụng rộng rãi để giúp học sinh hào hứng hơn khi rèn luyện kỹ năng phát âm và giao tiếp tiếng Anh. Tại Trung Quốc, trong vai trò trợ giảng, robot Keeko đang trở thành một hiện tượng tại hơn 600 nhà trẻ.

Keeko có khả năng kể chuyện và hướng dẫn trẻ em các câu đố logic đơn giản. Khi các em trả lời đúng Keeko có thể đưa ra phản ứng kích thích với ánh mắt phát sáng lấp lánh. Các nhà sản xuất cho biết họ đã thiết kế Keeko với mục đích tạo ra một robot có ngoại hình thân thiện với trẻ em, từ đó thúc đẩy sự tương tác trong quá trình giảng dạy.

Gần đây, chính phủ Queensland vừa công bố kế hoạch để việc dạy học về robot trở thành khóa bắt buộc trong chương trình giảng dạy mới của mình - nhằm vào lứa tuổi mẫu giáo cho đến học sinh lớp 10.

Còn ở Việt Nam, trong những năm gần đây cũng đã có một số nhà trường đưa robot vào hỗ trợ dạy và học cho học sinh mầm non, tiểu học với các sản phẩm như: Tiếng Anh cho trẻ mầm non “Touch English”, Tiếng Anh cho học sinh tiểu học “E-Smart English!” và Chương trình lập trình robot cho trẻ em “E- Robot Coding”…

Những tác động tích cực của robot lên các hành vi và sự phát triển của trẻ em đã được các chuyên gia nghiên cứu khẳng định đó là: Khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý và làm việc nhóm; Khả năng logic toán học; Trẻ biết phán đoán, tính toán để lập trình giải quyết tình huống; Tạo sự hứng thú trong học tập của trẻ. Tiếp cận và hiểu về khoa học công nghệ.

Sự hữu ích của robot

Nằm trong chiến lược phát triển Chương trình Giáo dục sớm và giúp trẻ tự tin bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0, sau hơn 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm, “Lập trình tư duy cùng Sunbot” đã ra đời tại Việt Nam.

Chú robot của kỷ nguyên 4.0 này cung cấp kiến thức và kỹ năng lập trình tư duy cho trẻ em. Sunbot được thiết kế và phát triển dựa trên những nguyên lý giáo dục tiên tiến hàng đầu trên thế giới như: Mỹ, Singapore, Israel... và phù hợp với bản sắc văn hóa, chương trình giáo dục mầm non của Việt Nam.

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh đánh giá: Khung chương trình học tập với hàng trăm chủ đề thú vị, sáng tạo, giúp trẻ tiếp cận nhanh với kiến thức lập trình cơ bản và tư duy STEM ( Khoa học - Science, Công nghệ - Technology, Kỹ thuật - Engineering và Toán học - Maths).

Ngoài ra, Sunbot còn giúp trẻ tổng hợp thêm nhiều kiến thức và kỹ năng về các lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa, địa lý, thẩm mỹ... nâng cao kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, biết chia sẻ và hướng tới công dân toàn cầu.

Các bài học của Sunbot được thiết kế nhằm đạt mục đích giúp trẻ bước đầu hình thành về tư duy phản biện, giải quyết vấn đề; Phát triển tư duy logic, trí tưởng tượng phong phú, khả năng quan sát, sáng tạo; Trẻ được khám phá, tìm hiểu học tập các lĩnh vực toán, khoa học, ngôn ngữ, nghệ thuật, tự nhiên, xã hội... từ chính những trải nghiệm của mình; Tiếp cận nhanh với công nghệ kỹ thuật thông qua việc thao tác lập trình cho chú robot Sunbot; Phát triển khả năng lãnh đạo, năng lực biểu đạt ngôn ngữ rành mạch, tạo thói quen tương tác làm việc nhóm…

Đối với cha mẹ, giáo viên mầm non, với hàng trăm bài giảng cùng nhiều chủ đề khác nhau thiết kế phù hợp lứa tuổi, Sunbot sẽ là người trợ giúp tuyệt vời trong quá trình tương tác, giảng dạy, truyền đạt và mang đến cho trẻ những kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực cũng như những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Các nhà trường học mầm non khi sử dụng Sunbot sẽ không chỉ là nơi để giảng dạy lý thuyết mà ở đó những đứa trẻ được trải nghiệm những kiến thức thực tiễn với “chơi thông minh và học vui vẻ” để lớn khôn, trưởng thành thành những công dân toàn cầu…

“Ứng dụng robot trong giáo dục trẻ ở lứa tuổi mầm non có hiệu quả tốt, giúp trẻ thông qua cách “Học bằng chơi, chơi mà học”  tiếp thu tốt kiến thức, biết thực hành các kỹ năng cần thiết, tạo điều kiện cho trẻ khai mở tiềm năng và trí thông minh vượt trội của mỗi cá nhân để phát triển toàn diện. Trẻ em học tốt nhất khi kiến thức được tiếp thu trong trạng thái tinh thần hứng khởi tự nhiên, tràn đầy năng lượng và óc tò mò. Vì thế, chúng ta cần đầu tư nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để có thể áp dụng rộng rãi robot vào thực tiễn, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và nền giáo dục của Việt Nam”.
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ