Điều gì xảy ra khi bom hạt nhân phát nổ?

GD&TĐ - Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Theo giới chuyên gia, một vụ nổ bom hạt nhân sẽ gây tàn phá như thế nào và điều gì sẽ xảy ra sau đó?

Đám mây được tạo ra khi quả bom hạt nhân phát nổ ở Nagasaki (Nhật Bản) vào ngày 8/8/1945.
Đám mây được tạo ra khi quả bom hạt nhân phát nổ ở Nagasaki (Nhật Bản) vào ngày 8/8/1945.

Độ sát thương khủng khiếp

Câu trả lời phụ thuộc vào số lượng bom hạt nhân được sử dụng. Vũ khí hạt nhân có nhiều loại với các kích cỡ khác nhau, nhưng bom hạt nhân hiện đại sẽ phát nổ bằng cách kích hoạt các phản ứng phân hạch.

Sự phân hạch là quá trình tách hạt nhân của các nguyên tử nặng thành những nguyên tử nhẹ hơn. Đây là một quá trình giải phóng neutron.

Sau đó, những neutron này có thể xâm nhập vào hạt nhân của các nguyên tử gần đó, tách chúng ra. Từ đó, gây ra một phản ứng dây chuyền ngoài tầm kiểm soát. Kết quả là, vụ nổ phân hạch có sức tàn phá khủng khiếp.

Bom phân hạch, còn được gọi là bom nguyên tử hoặc bom A, đã phá hủy Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) với sức công phá từ 15 - 20 kiloton TNT. Tuy nhiên, nhiều vũ khí hiện đại có khả năng gây sát thương thậm chí còn khủng khiếp hơn.

Bom nhiệt hạch, hay hydro, sử dụng sức mạnh của phản ứng phân hạch ban đầu để hợp nhất các nguyên tử hydro trong vũ khí. Phản ứng nhiệt hạch này tạo ra nhiều neutron cũng như sự phân hạch hơn.

Đồng thời, tạo ra nhiều phản ứng tổng hợp hơn. Kết quả là, chúng tạo ra một quả cầu lửa có nhiệt độ phù hợp với sức nóng của tâm Mặt trời. Bom nhiệt hạch đã được thử nghiệm, nhưng chưa bao giờ được sử dụng trong chiến tranh.

Trang web Ready.gov của chính phủ Mỹ khuyến cáo, nếu người dân được cảnh báo trước, dù là có thông tin hoặc nhìn thấy ánh sáng từ một vụ nổ gần đó, hãy di chuyển đến tầng hầm hoặc trung tâm của một tòa nhà lớn. Đồng thời, ở đó ít nhất 24 giờ để tránh bụi phóng xạ.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), sẽ có rất ít sự giúp đỡ dành cho những người sống sót gần khu vực phát nổ. Với những con đường và đường ray xe lửa bị phá hủy, bệnh viện bị san lấp, các bác sĩ, y tá và người ứng cứu trong khu vực đã tử vong hoặc bị thương, sẽ có rất ít lựa chọn để đưa vật tư hoặc người đến trợ giúp.

Những người sống sót sẽ phơi nhiễm bụi phóng xạ và cần được khử nhiễm. Nhiều khả năng các nạn nhân cũng sẽ bị bỏng nhiệt. 

Nguy cơ từ bụi phóng xạ

Một vụ nổ hạt nhân vào ngày 25/7/1946 tạo ra một đám mây khổng lồ trên đảo Bikini.
Một vụ nổ hạt nhân vào ngày 25/7/1946 tạo ra một đám mây khổng lồ trên đảo Bikini.

Bức xạ là hệ quả thứ yếu và nguy hiểm hơn nhiều của một vụ nổ hạt nhân. Theo cuốn sách “Sự lựa chọn hạt nhân cho thế kỷ XXI”, các quả bom phân hạch ném xuống Nhật Bản đã tạo ra bụi phóng xạ cục bộ.

Tuy nhiên, vũ khí nhiệt hạch hiện đại sẽ thổi chất phóng xạ lên cao tầng bình lưu (tầng giữa của khí quyển Trái đất). Từ đó, tạo ra bụi phóng xạ toàn cầu.

Mức độ của bụi phóng xạ phụ thuộc vào việc quả bom phát nổ trên không trung hay mặt đất. Nếu phát nổ trong không khí, tình trạng đó sẽ làm trầm trọng thêm bụi phóng xạ toàn cầu, nhưng giảm tác động tức thì ở mặt đất.

Trong khi đó, việc quả bom phát nổ ở mặt đất sẽ hạn chế tác động toàn cầu, nhưng có sức tàn phá đối với khu vực gần đó. Trong trường hợp không có tuyết hoặc mưa, bụi phóng xạ có thể rơi xuống mặt đất nhanh hơn.

Theo cẩm nang “Kỹ năng sinh tồn trong chiến tranh hạt nhân”, 48 giờ sau vụ nổ, một khu vực ban đầu tiếp xúc với 1.000 roentgens (một đơn vị bức xạ ion hóa) mỗi giờ sẽ hứng chịu 10 roentgens/giờ.

1/2 số người trải qua khoảng 350 roentgens trong một vài ngày có khả năng chết vì ngộ độc bức xạ cấp tính. Những người sống sót tiếp xúc với bụi phóng xạ có nguy cơ cao bị ung thư trong suốt phần đời còn lại.

Thông tin từ  ICRC cho biết, các bệnh viện chuyên khoa ở Hiroshima và Nagasaki đã điều trị cho hơn 10.000 người sống sót sau vụ nổ năm 1945. Hầu hết các trường hợp tử vong trong nhóm này là do ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu ở các nạn nhân bị nhiễm phóng xạ cao gấp 4 - 5 lần mức điển hình trong 10 - 15 năm đầu tiên sau vụ nổ.

Thảm họa môi trường

Theo báo cáo năm 2007 từ một hội thảo về Dự án Phòng thủ (Mỹ), một vũ khí hạt nhân 10 kiloton, tương đương với kích cỡ của các quả bom ở Hiroshima và Nagasaki, sẽ giết chết ngay lập tức khoảng 50% số người trong bán kính 2 dặm (3,2 km), tính từ khi nó phát nổ trên mặt đất. Người dân sẽ thiệt mạng do hỏa hoạn, phơi nhiễm phóng xạ cường độ cao và các thương tích khác. Một số người trong số này sẽ bị thương do áp lực từ vụ nổ. Trong khi đó, hầu hết sẽ bị thương do các tòa nhà sập. Các tòa nhà trong bán kính 0,5 dặm (0,8 km) của vụ nổ sẽ bị đánh sập hoặc hư hỏng nặng.

Phóng xạ và bụi phóng xạ sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe. Tùy thuộc vào quy mô của một cuộc xung đột hạt nhân, các vụ nổ thậm chí có thể ảnh hưởng đến khí hậu. Ở một quốc gia như Ukraine - nơi sản xuất 10% lúa mì của thế giới, bụi phóng xạ có thể xâm nhập vào các vùng đất trồng trọt.

Nếu bụi phóng xạ xâm nhập vào nguồn cung cấp thực phẩm, nó có thể gây ra các vấn đề lâu dài hơn, như ung thư. Michael May - đồng Giám đốc tại Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế của Đại học Stanford (Mỹ) và Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, cho biết, i-ốt phóng xạ có thể gây ung thư tuyến giáp.

Tro và bồ hóng được đưa vào bầu khí quyển trong một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể gây ra tác động nghiêm trọng đến khí hậu. Trong khi một hoặc hai vụ nổ hạt nhân sẽ không gây ảnh hưởng toàn cầu, việc phát nổ 100 quả bom có kích thước tương đương với vụ Hiroshima năm 1945 sẽ làm giảm nhiệt độ toàn cầu xuống thấp hơn nhiệt độ của Kỷ Băng hà nhỏ.

Hiện tượng lạnh đột ngột như vậy có thể ảnh hưởng đến nông nghiệp và nguồn cung cấp lương thực. Kỷ Băng hà nhỏ đã gây ra mất mùa và đói kém vào thời điểm mà dân số toàn cầu chưa bằng 1/7 so với ngày nay.

Theo Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…