(GD&TĐ) - Khi người chồng có máu bạo hành thì không thể tự bản thân điều chỉnh hành vi thô lỗ, nếu như không có những biện pháp mạnh. Thông thường, người đàn ông bạo hành là người không đủ bản lĩnh kiểm soát việc làm của mình để giải quyết vấn đề xung đột trong cuộc sống gia đình và muốn áp đảo đối phương. Nếu người vợ xấu hổ, sợ người ngoài chê cười, cộng với tâm lý sau khi bị bạo hành lại được người chồng tỏ ra quan tâm hơn nên bỏ qua thì mãi mãi họ sẽ chung sống với “bão”.
Vì vậy, khi bước vào đời sống hôn nhân, cả vợ lẫn chồng cần được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng giải quyết những xung đột. Người phụ nữ ngay từ lúc đầu cần khôn ngoan, khéo léo và tỉnh táo để điều khiển những cảm xúc của chồng. Bên cạnh đó, cần có những chế tài đủ mạnh khiến các ông chồng thấy sợ, còn các bà vợ đủ can đảm lên tiếng trước hành vi thô lỗ thì nạn bạo hành mới được giải quyết.
Cố đấm ăn xôi: Trong tâm trạng hoảng loạn, chị Trúc bị chồng mình, anh Thanh, chủ một hãng xưởng mộc có tiếng cứ một mực đòi ly hôn, nếu không “sẽ cho chị… biết tay”. Khi lấy nhau, cuộc sống của chị Trúc toàn một màu hồng hạnh phúc nhưng chỉ sau vài năm chung sống, chị mới biết anh đã có một đời vợ trước nhưng cố tình giấu nhẹm mọi chuyện không tiết lộ với chị. Người vợ trước cũng bị anh ruồng bỏ, và chị không phải là người phụ nữ duy nhất của chồng mình. Khi chị Trúc tỏ thái độ về việc chồng dan díu với người khác hoặc thắc mắc về những khoản thu chi thiếu minh bạch của chồng thì ngay lập tức chị đã bị khủng bố bằng một trận đòn không khoan nhượng. Sợ quá, chị và đứa con bảy tuổi phải về nhà của mẹ ruột lánh nạn nhưng chồng vẫn không để cho chị được yên thân. Anh nhất quyết buộc chị phải nhanh chóng ly hôn, phân chia tài sản đâu ra đó và đe dọa sẽ bịt đầu mối nếu chị có những hành động phản kháng.
Chị Kim đang bị chồng hiện là công chức chịu trách nhiệm tiếp và giải quyết những nhu cầu của người dân thuộc quận X., không những chẳng đoái hoài gì đến vợ con, mà còn thẳng tay đuổi chị ra khỏi nhà một cách không thương tiếc. Lập gia đình được năm năm, thời gian đầu chồng chị vẫn quan tâm đến gia đình nhưng lại có tật ham nhậu nhẹt, có khi đến tận nửa đêm anh mới về nhà. Cảm thông với công việc của chồng, nên chị Kim chỉ dám khuyên chồng ráng giữ gìn sức khoẻ, anh hứa sẽ cố giảm nhưng rồi mọi việc vẫn y như cũ. Dần về sau, chị càng thất vọng vì sự lơ là của chồng với gia đình vì gần như hai vợ chồng chẳng bao giờ có thời gian tâm sự với nhau về chuyện gia đình hoặc con cái. Chưa hết, mỗi lần về nhà trong bộ dạng say khướt, lảo đảo chẳng biết vô tình hay cố ý chị thường bị chồng “quan tâm” bằng mấy cái tát tai nổi đom đóm vì “nói gì mà nói mãi. Đi uống có chút xíu mà cũng không yên thân!”. Từ đó, chị cảm thấy tâm trạng luôn bất an và tìm cách tránh né chồng, để mặc anh muốn làm gì thì làm. Mấy người bạn thấy vậy khuyên chị: “Lựa lúc ổng tính tảo rồi nói phải trái cho ổng nghe”. Nhưng chồng nghe đâu chẳng thấy, chỉ thấy chị Kim ngày càng héo hon vì buồn tủi cho cái số của mình lấy phải ông chồng vũ phu.
Ảnh minh hoạ |
Bạo hành bằng mồm: Khi kết hôn với anh Cường, một chuyên viên về máy móc cơ khí, chị Lệ đang là một trong số những nhân sự đầy triển vọng của công ty X. Thế rồi hai đứa con sinh đôi ra đời cũng là lúc chị đành phải gác việc xã hội sang một bên để đảm đương việc nhà, chăm sóc cho hai con nhỏ. Mọi chuyện bắt đầu từ một buổi họp mặt bạn bè, tình cờ mấy người bạn nhắc đến công việc cũ của chị Lệ, còn anh Cường lúc này vừa mới đảm nhận trọng trách trưởng phòng thi công của công ty. Anh đã buông ra một câu nói lạnh lùng như muốn dằn mặt vợ mình: “Hồi đó khác, bây giờ khác. Bả hết thời rồi!”. Khách khứa dự tiệc đều giật mình, còn chị Lệ vờ như đó là lời nói đùa của chồng. Thế nhưng, với thời gian và việc làm cố tình là bẽ mặt vợ của anh Cường ngày càng tiến triển như thường xuyên quát tháo vợ vì những chuyện không đâu, yêu sách vợ phải thế này thế nọ hoặc tỏ ra thiếu tôn trọng vợ, chưa kể những lời nói cay độc về vóc dáng không còn thon thả như xưa, phục sức đơn giản vì bận rộn con nhỏ… đã làm cho chị Lệ càng thêm tủi hổ. Mặc dù đau khổ, nhưng chị vẫn cố gắng duy trì cuộc hôn nhân vì nghĩ đến con. Chị sa chìm xuống hố sâu vực thẳm, nhưng vẫn vờ như chẳng có điều gì xảy ra và sẵn sàng đánh đổi sự nhượng bộ của chồng bằng bất cứ mọi giá.
Suốt gần hai mươi năm chung sống với chồng, nhưng chị Thúy vẫn cam tâm gánh chịu thái độ cử xử bất công của chồng mình, anh Thịnh. Anh luôn nói chuyện với chị bằng giọng trịch thượng, hạ cố của một kẻ bề trên. Thay vì quát tháo, anh Thịnh chuyên dùng những lời nói hài hước không kém phần chua chát. Những lần như thế, để giữ thể diện trước mọi người, chị Thúy chỉ biết lấp liếm giấu tội cho chồng mà chẳng hề dám phản đối. Dần thành thói quen, anh Thịnh càng xem vợ chẳng ra gì, thậm chí anh còn đem chị ra làm trò cười cho mấy đứa con trong nhà.
Bạo hành trong mối quan hệ vợ chồng không phải lúc nào cũng thể hiện bằng những hành động chân tay một cách vũ phu. Đó còn là những lời nhiếc mắng, nhục mạ và làm bẽ mặt nhau khiến cho đối phương cảm thấy bị xúc phạm đến lòng tự trọng, có thể bị trầm cảm về lâu dài. Nhìn chung, các bà vợ như chị Lệ và chị Thúy thường chọn cho mình thái độ im lặng, phớt lờ như chẳng hay chẳng biết và chấp nhận như đó là… lẽ tự nhiên. Họ tự an ủi với lòng mình: “Thôi kệ, đàn ông ai cũng vậy!”. Cuộc sống vợ chồng là mối quan hệ cần có sự tế nhị trong cách cư xử, biết thông cảm và quan tâm đến nhau. Những hành vi cư xử thô bạo, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay cần phải bị lên án, nhất là khi “kẻ gây sự” lại là người chồng, người cha trong gia đình.
Hà Tiên