(GD&TĐ) - Chỉ 27 tuổi, nhưng chàng thanh niên Nguyễn Quang Hiển (số nhà 108 đường Phạm Đình Hổ, P.2, Q.6, TP.HCM) đã 2 lần giành được kỷ lục Việt Nam với thành tích có đầu “cứng như thép”. Đặc biệt không những “cứng đầu” mà Nguyễn Quang Hiển còn có thể uốn cong thanh sắt bằng cổ, lấy mi mắt xách nước, nằm lên bàn đinh cho xe cán qua người… và trình diễn những màn kung-fu tuyệt đỉnh như trong phim “Thiếu Lâm Tự”
Học võ thuật từ năm 11 tuổi
|
Nguyễn Quang Hiển |
Xuất thân trong một gia đình nghèo khó, không có truyền thống võ học, cậu bé Nguyễn Quang Hiển đã đến với nghề võ bằng một chữ “duyên”. Từ năm 11 tuổi (1994), Hiển đã say mê những đường quyền linh hoạt mà các võ sư thường biểu diễn gần nhà nên đã tìm đến Câu lạc bộ Võ thuật Vovinam của võ sư Lê Đình Phước ở quận 6, TP.HCM để thọ giáo.
Năm 1997, mẹ Hiển qua đời, cuộc sống của nhà nghèo lại càng nghèo thêm. Cậu bé Hiển đã phải làm đủ thứ nghề từ lượm banh tennis đến bốc vác, chở hàng…, để có thêm tiền phụ cha lo cho từng bữa ăn của gia đình.
Công việc nặng nhọc và gian nan ấy, cùng với niềm đam mê võ thuật đã hun đúc cho Hiển có một ý chí mạnh mẽ. Hiển cho biết, nhiều hôm anh cùng cha đi bốc vác thuê quanh chợ Bình Tân, tối về đến nhà người mệt rã rời, chồn cả hai chân không muốn bước. Nhưng đối với anh, võ học vẫn là một niềm hấp dẫn vô biên nên sau những mưu sinh của cuộc sống xô bồ, trung bình mỗi ngày Hiển đều dành ít nhất là một tiếng luyện tập.
Sau 4 năm liền thọ giáo với võ sư Lê Đình Phước, Hiển đã có thêm 4 năm nữa lân la đi học thêm các chiêu thức Thiếu Lâm tại những võ đường gần nhà. Tình cờ một lần Hiển đi xem Đoàn võ thuật Thiếu Lâm Tinh Anh của chùa Thiếu Lâm (Trung Quốc) biểu diễn tại nhà hát Hòa Bình, TP.HCM, trong chương trình “Khám phá những điều kỳ diệu của võ thuật” có tiết mục “Thiết đầu công” do các võ sinh dùng gậy sắt tự đập vào đầu đến khi chiếc gậy sắt cong vòng. Tiết mục “Thiết đầu công” này đã khiến Hiển mê mẩn, thích thú. Sau khi trở về, anh tự hỏi “Tại sao họ làm được như vậy mà mình lại không thể làm được?”. Từ suy nghĩ đó, đã thúc giục Hiển nuôi dưỡng ước mơ trở thành một người có thể luyện được môn “Thiết đầu công”, trở nên “cứng đầu” như các võ sinh Trung Quốc, thế nên anh bắt đầu lao vào luyện tập theo các chiêu thức của Thiếu Lâm để tiến gần đến mục đích “cứng đầu” của mình.
Dày công khổ luyện
|
Đẩy xe tải bằng nội công |
Để trở thành một “thiết đầu sư”, Nguyễn Quang Hiển đã phải nỗ lực cố gắng và dày công khổ luyện. Anh đã bỏ công theo các võ sư lão luyện để học hỏi các chiêu thức, cũng như trao đổi với các bạn đồng môn, đồng thời để tâm theo dõi kỹ cách vận khí và học thuộc các động tác nhanh nhẹn, lạ mắt của các võ sư để có cách biến ứng cho phù hợp.
Mỗi sáng sớm hay chiều tối, hễ có thời gian rảnh rỗi là Hiển lại dành hết cho việc luyện tập võ. Những ngày đầu tập luyện môn “Thiết đầu công” đối với Hiển là một chuỗi gian nan vất vả. “Những ngày đầu, mình dùng một tấm ván bằng gỗ thông dài chừng nửa thước, dày khoảng gang tay, rồi đưa lên đầu xoa 50 lần mỗi ngày. Từ nhẹ đến mạnh dần, để đầu được tiếp xúc làm quen với vật cứng” - Hiển chia sẻ.
Thay vì dùng bao cát để tập luyện như các võ sinh dùng tập võ, Hiển lại dùng 100 cây mây dài (mỗi cây to bằng ngón tay) cột lại thành bó lớn treo lủng lẳng trong nhà để luyện tập tay, chân và đầu. “Nhiều lúc tập luyện, đầu mình tiếp xúc không đúng tâm của bó mây khiến đầu rất đau và choáng váng. Có lần máu tích tụ ở đầu phải điều trị gần nửa tháng mới hết. Nhưng tập luyện nhiều lần, rồi cũng có kinh nghiệm và đầu ‘chai’ dần đi, dần dần bó mây cũng bị khuất phục, mình dùng đầu ủi tới ủi lui tùy ý” - Hiển cười nói.
Đó chỉ là bước đầu, dần dần Hiển chuyển sang cho đầu tiếp xúc những vật cứng hơn với những viên gạch Tàu cỡ lớn. “Buổi đầu mình đập chẳng thấy viên gạch sứt mẻ gì, chúng cứ trơ ra không vỡ mà đầu mình thì sưng lên” -Hiển tâm sự. Nhưng với lòng quyết tâm, Hiển vẫn kiên trì tập luyện cho đến khi đầu “quen” đụng độ với gạch, không thấy sưng nữa anh mới chịu. Từ một viên vỡ làm đôi, đến 2 viên, 3 viên và nhiều hơn, theo thời gian tất cả đều bị vỡ đôi dưới sức mạnh “Thiết đầu công” của Hiển.
Dần dà, đầu của Hiển trở nên cứng cáp, anh có thể đập vỡ hàng trăm viên gạch Tàu chỉ trong vòng 1 phút.
Sau nhiều năm khổ luyện, tháng 12.2005, nhân ngày hội múa lân sư rồng Tâm Hoa Đường làm lễ Khai quang điểm nhãn tại tòa nhà Thuận Kiều ở Chợ Lớn, quận 5, TP.HCM, anh Nguyễn Quang Hiển đã có dịp thể hiện môn “Thiết đầu công” của mình, đập vỡ 20 viên gạch. Đến tháng 11.2006, anh đã dùng đầu đập vỡ 60 viên gạch trong vòng 45 giây tại nhà thi đấu Phú Thọ. Đầu năm 2007, xác lập kỷ lục đập 100 viên gạch, Hiển đã đập 55 viên trong 45 giây (lần thứ nhất) và 45 viên với 37 giây (lần hai), cộng chung hai lần đập 100 viên gạch với thời gian 1 phút 22 giây, được Đài truyền hình Việt Nam trao giấy chứng nhận “kỷ lục công phá gạch bằng đầu trong thời gian ngắn nhất”.
Không những “cứng đầu” mà còn cứng “cổ” và “bụng” !
|
Dùng đầu đập vỡ gạch |
Không những đập gạch Tàu vào đầu mà cả với dừa nguyên trái, Hiển cũng kê vào đầu đập một nhát trái dừa vỡ đôi. Với thành tích “cứng đầu” của mình, ngày 28.6.2008, Nguyễn Quang Hiển tiếp tục được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao bằng xác nhận “Người dùng đầu đập nhiều gạch trong thời gian ngắn nhất” (phá kỷ lục Việt Nam).
Sau khi chinh phục được gạch Tàu, giành được kỷ lục Người dùng đầu đập nhiều gạch trong thời gian ngắn nhất, tự tin, Hiển tiếp tục khổ luyện để có những môn tuyệt đỉnh kung-fu khác, từ cổ và bụng để chúng cũng chai lì và “cứng” như đầu của mình.
Tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2007, cùng với màn biểu diễn “Thiết đầu công”, Nguyễn Quang Hiển đã làm hàng ngàn khán giả kinh ngạc: Khi anh cắm một cây giáo, đưa lưỡi giáo vào cổ, rồi vận mình dùng lực đẩy chiếc xe tải hơn 7 tấn di chuyển trên mặt phẳng.
Vào ngày 25.1.2011, trong khuôn viên chùa Vạn Phước, Q.6, TP.HCM, anh Nguyễn Quang Hiển đã dùng “thiết đầu công” để đẩy chiếc ô tô hiệu Huyndai mang biển số 61P - 2960 nặng 7 tấn chạy một đoạn dài 80m trong khuôn viên chùa Vạn Phước, Q.6. Trước sự chứng kiến của nhiều người, Hiển xuống tấn, vận lực, kê “chiếc đầu thép” của mình vào phía sau xe. Người và xe đứng yên vài giây, rồi bỗng xe chuyển bánh nhè nhẹ lăn đi, một thước... hai thước... đến mười thước. Xe vẫn tiếp tục di chuyển tới phía trước theo lực đẩy từ đỉnh đầu của “Thiết đầu sư” Nguyễn Quang Hiển.
Đặc biệt, anh Hiển đã luyện thành công môn “thần nhãn”, anh dùng có thể dùng mi mắt xách được 2 thùng nước (4,5kg/thùng) hoặc có thể kéo một chiếc xích lô 2 người ngồi. Anh còn có thể nằm lên bàn đinh để cho một chiếc xe con chở 4 người cán qua. Hay có thể dùng những chiếc giáo dài bằng mây, với mũi giáo nhọn bằng inox, để đặt một đầu cây giáo vào chân tường, còn đầu nhọn chĩa thẳng vào 2 mắt mình, thả tay ra và vận công khiến hai cây giáo phải cong vòng…
Trò chuyện với chúng tôi, Hiển tâm sự: “Tôi vốn là một đứa trẻ mồ côi mẹ từ nhỏ, nhà nghèo thiếu thốn đủ thứ, tôi phải phụ giúp công việc nhà để cha tôi xoay xở gạo cơm cho gia đình. Lớn lên, tôi vừa luyện “Thiết đầu công” vừa đi làm ở các đội múa lân sư rồng, vừa phải làm phu khuân vác ngoài chợ để kiếm sống nên sau những lần luyện “thiết đầu công” tôi đã tập cho mình một đức tính kiên nhẫn. Rèn “Thiết đầu công” đã giúp tôi luyện ý chí và hiểu được đạo đức của người nhà võ: Cố sống có ích cho đời, cho mọi người…!”.
Lê Việt Nhân