Kho kiến thức… giữa làng

GD&TĐ - Với mong muốn đưa văn hóa đọc về thôn xóm, Thư viện huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) phối hợp UBND xã Tam Nghĩa xây dựng phòng đọc sách cộng đồng với hơn 500 đầu sách tại nhà văn hóa thôn Thanh Trà.

Đoàn viên thanh niên trong thôn.
Đoàn viên thanh niên trong thôn.

Đưa kho kiến thức về làng

Những tháng qua, tại nhà văn hóa thôn Thanh Trà (xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) luôn đông đúc trẻ em, người dân… đến “thư viện” của thôn để đọc sách và mượn sách về nhà đọc.

Trong diện tích khoảng 100m2, Thư viện huyện Núi Thành phối hợp UBND xã Tam Nghĩa xây dựng thành phòng đọc sách cộng đồng với hơn 500 đầu sách. Mục đích phục vụ trẻ em và người dân nơi đây. Đến với “thư viện thôn”, trẻ em và người dân không chỉ được đáp ứng nhu cầu văn hoá đọc, mà nơi đây còn là kho kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và pháp luật... thiết thực với cuộc sống.

Vừa kiểm đếm và xếp gọn gàng, ngăn nắp những cuốn sách trên kệ, ông Mai Hữu Phước (64 tuổi) - Trưởng thôn Thanh Trà - cho hay: Hằng ngày, ông cùng các đoàn viên thanh niên tại địa phương phân chia lịch trực tại phòng đọc và kiểm kê đầu sách.

Theo ông Phước, hội trường nhà văn hóa thôn Thanh Trà được xây dựng với diện tích khoảng 100m2 vào năm 2018. “Thời điểm đó, hội trường có tủ sách với hàng chục cuốn sách viết về chiến tranh, truyện tranh, báo cũ để phục vụ người dân mỗi lần đi họp thôn. Đến tháng 8/2021, Thư viện huyện Núi Thành phối hợp UBND xã Tam Nghĩa xây dựng nơi đây thành phòng đọc sách cộng đồng với hơn 500 đầu sách để phục vụ người dân nơi đây”, ông Phước thông tin.

“Thư viện thôn” có khoảng hơn 500 đầu sách.
“Thư viện thôn” có khoảng hơn 500 đầu sách.

Hiện tại, thư viện của thôn có hơn 500 đầu sách, báo, tạp chí, với nhiều thể loại phong phú, phục vụ nhu cầu thiết thực cho nhiều học sinh. Bên cạnh đó, thư viện cũng có tài liệu phục vụ cho bà con nông dân như: Sách kỹ thuật phục vụ sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, phổ biến kiến thức pháp luật và nhiều loại sách phục vụ các đối tượng khác. Thế nên, với “thư viện thôn”, kiến thức đã được đưa về làng, gần hơn với người nông dân.

Theo quan sát, mỗi buổi có hàng chục trẻ em, nông dân, người già đến đọc sách và mượn sách về nhà đọc. Phòng đọc có nội quy cụ thể về bảo quản sách, giữ trật tự... và mở cửa lúc 6 giờ 30 phút đến 11 giờ. Tại phòng đọc sách cũng trang bị nước khử khuẩn, yêu cầu bạn đọc đeo khẩu trang để thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Các đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân tìm các đầu sách.
Các đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân tìm các đầu sách.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, anh Ngô Đức Tuấn - người dân thôn Thanh Trà - cho hay: Mỗi ngày, tôi dành khoảng 15 - 20 phút đến đây để đọc sách, báo. Sách báo thích nhất là về lịch sử chiến tranh và khoa học kỹ thuật. Anh Tuấn có cửa hàng sửa chữa điện thoại, nhờ đọc sách giúp anh có thêm kiến thức về công nghệ, điện tử. “Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các phong trào trong thôn, nhất là phong trào đọc sách để từng bước nâng cao đời sống của người dân địa phương”, anh Tuấn chia sẻ.

Thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, cô Trần Thị Hà My - giáo viên Trường Tiểu học Hùng Vương (xã Tam Nghĩa) đến đây đọc sách để giảm căng thẳng, cập nhật thêm nhiều kiến thức phục vụ dạy học. “Phòng đọc có nhiều cuốn sách phù hợp với việc dạy học, khá phong phú về thể loại. Tôi thường khuyên học sinh của mình đến đây tham khảo sách, truyện phục vụ học tập và giải trí. Những thư viện nhỏ như thế này sẽ giúp cho các em lan tỏa tinh thần đọc sách, không những thế, đây là nguồn kiến thức vô cùng phong phú cho học sinh sau những giờ học trên lớp” - cô My nói.

Ông Mai Hữu Phước - Trưởng thôn Thanh Trà là người quản lý phòng đọc sách cộng đồng của thôn.
Ông Mai Hữu Phước - Trưởng thôn Thanh Trà là người quản lý phòng đọc sách cộng đồng của thôn.

Nơi gắn kết tình cảm người dân

Không chỉ riêng thôn Thanh Trà mà ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang duy trì mô hình phòng đọc sách báo để phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin của bà con nhân dân.

Phong trào đọc sách đã nhen nhóm và phát triển ở làng từ mấy chục năm qua. Khởi phát từ tủ sách nhỏ, nằm trong nhà văn hóa thôn, đến nay, nhà văn hóa thôn đã trở thành một thư viện, điểm đến quen thuộc của bà con trong thôn. Mặc dù, điện thoại thông minh, Internet, mạng xã hội đang tràn ngập nhưng cứ buổi chiều, người già và học sinh vẫn nâng niu từng trang sách báo ở thư viện như một nét đẹp của xã Tam Nghĩa.

Theo ông Phước, điều đáng mừng là từ khi mở cửa đến nay, thư viện hoạt động rất hiệu quả, thu hút được hàng nghìn lượt người đến đọc sách và nghiên cứu tài liệu.

“Bạn đọc của “thư viện thôn” không chỉ là học sinh, mà thu hút nhiều người nông dân hay cán bộ hội trên địa bàn... Đây thực sự là kênh tiếp cận thông tin hữu ích, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật và là địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho người dân nông thôn. Phòng đọc có thể giúp người dân thư giãn, gắn kết tình cảm, bổ sung thêm kiến thức trong cuộc sống”, ông Phước nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.