Tận dụng vật liệu tái chế
Giờ ra chơi, hàng trăm học sinh của Trường Tiểu học Số 2 thị trấn Plei Kần lại ùa về góc sân trường nơi có “thư viện xanh” lưu động. Khác với những mô hình thư viện truyền thống, góc đọc sách nơi đây được làm từ những vật liệu phế thải, gọn nhẹ và dễ dàng di chuyển.
Cô Hoàng Thị Hoà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Số 2 thị trấn Plei Kần cho biết: Trường có 925 học sinh với 28 lớp. Nhằm tăng cường sân chơi và vốn tiếng Việt cho các em, nhà trường đã xây dựng mô hình “thư viện xanh”, thư viện lưu động tại các lớp học và dưới sân trường.
Thư viện được bố trí ở chân cầu thang, hành lang lớp học hoặc ngay dưới các tán cây với những tủ sách di động. Nguyên liệu làm tủ sách được tận dụng từ vật liệu tái chế như: Lon bia, vỏ chai nhựa, mây tre đan… Dưới bàn tay khéo léo của các thầy, cô giáo, vật liệu tưởng như bỏ đi biến hoá thành tủ, bàn, kệ sách ngộ nghĩnh. Bên cạnh đó, giáo viên còn bố trí những bình hoa, chậu cây từ chai lọ, mây tre đan đã qua sử dụng để giáo dục cho học sinh việc giữ gìn và bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp.
Em Hồ Vũ Minh Khuê, học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Số 2 thị trấn Plei Kần thích thú khi trường có “thư viện xanh”. Mỗi ngày, trước khi vào lớp và trong giờ ra chơi, Khuê lại cùng nhóm bạn đến thư viện dưới chân cầu thang hoặc dưới gốc cây ở sân trường để đọc sách.
“Những hôm mát trời, em và các bạn ngồi ở tán cây dưới sân trường để đọc sách. Em rất vui khi được tiếp cận và đọc nhiều cuốn sách khác nhau. Bên cạnh đó, góc thư viện được trang trí với những vật liệu thân thiện với môi trường nên em cảm thấy rất gần gũi”, em Khuê nói.
Phong phú nguồn sách thư viện
Nhẹ nhàng lấy cuốn sách trong ống nhựa treo trên cây, em Hoàng Võ Bình An (lớp 3A) ngồi xuống ghế đá ngoài sân trường đọc. Bình An chia sẻ: Giờ ra chơi, thay vì đùa nghịch với các bạn, em có góc thư viện thân thiện với môi trường để đọc sách.
“Đọc sách giúp em tiếp thu thêm nhiều kiến thức để bổ sung vào việc học trên trường; giải trí và thư giãn sau các giờ học. Đặc biệt, những tủ sách di động của trường được làm từ vật liệu phế thải. Qua đó, em học tập cách làm từ thầy cô để tự trang trí góc học tập cho riêng mình”, em An chia sẻ.
Để tăng thêm sự phong phú về nguồn sách cho thư viện và duy trì hiệu quả mô hình “thư viện xanh”, Trường Tiểu học Số 2 thị trấn Plei Kần đã phát động phong trào chung tay bổ sung nguồn tư liệu sách, báo, tạp chí cho thư viện.
Theo cô Hoà, để học sinh có thể tiếp cận nhiều loại sách, truyện, hàng tuần các khối lớp tiến hành luân chuyển tủ sách di động. Chính vì vậy, có nhiều học sinh từ chỗ chưa đam mê đọc sách, nhưng từ khi có “thư viện xanh” dần dần tìm đến sách nhiều hơn. Các em cũng trở thành người quản lý, bảo vệ tủ sách.
“Thông qua mô hình “thư viện xanh” nhà trường mong muốn nhân rộng phong trào đọc sách, báo cho học sinh. Từ đó, giúp các em tích cực, chủ động trang bị kiến thức môn học từ nguồn sách báo của thư viện nhà trường. Bên cạnh đó, mô hình này cũng góp phần đưa văn hóa đọc phát triển sâu rộng tới tất cả bậc phụ huynh và khách đến thăm trường”, cô Hoà tâm sự.