Kho báo cổ quý hiếm của dị nhân thành Nam

GD&TĐ - 'Sưu tầm sách báo xưa là đam mê, nhưng giữ cuộc sống lâu dài cho sách báo xưa là một nghệ thuật...'

Kho sách báo đồ sộ được ông Nguyễn Phi Dũng sưu tầm trong hơn 10 năm qua.
Kho sách báo đồ sộ được ông Nguyễn Phi Dũng sưu tầm trong hơn 10 năm qua.

“Sưu tầm sách báo xưa là đam mê, nhưng giữ cuộc sống lâu dài cho sách báo xưa là một nghệ thuật. Việc giữ gìn, bảo quản sách báo xưa không phải chỉ cần sự trân quý, mà đòi hỏi cả kinh nghiệm và kỹ thuật chuyên môn”…

Những chia sẻ nhiệt thành ấy của ông Nguyễn Phi Dũng đã thôi thúc tôi tìm về Nam Định, để có cơ hội tìm hiểu về gần 20 tấn sách, báo xưa đã được ông cất công sưu tầm hàng chục năm qua.

Những tờ báo đã “tuyệt tích giang hồ”

Ông Nguyễn Phi Dũng nâng niu, trân trọng từng tờ báo xưa đã được ông cất công sưu tầm.

Ông Nguyễn Phi Dũng nâng niu, trân trọng từng tờ báo xưa đã được ông cất công sưu tầm.

Khi muốn kiếm tìm câu chuyện về những người sưu tầm, “chơi” sách xưa, sách cổ quả không thiếu, nhưng dày công tìm tới những tờ báo cổ xưa thì chắc hẳn là không nhiều. Thường thì người ta giữ sách cũ chứ mấy ai cất báo cũ để đọc lại, trừ những bài báo liên quan đến các sự kiện trọng đại hoặc thật sự liên quan đến bản thân và gia đình.

Ông Nguyễn Phi Dũng quan niệm, nếu như sách lưu giữ những tư liệu, kiến thức, văn chương, nghệ thuật… thì báo chí lại phản ánh tin tức thời sự, chính trị - văn hóa - xã hội tại thời điểm được phát hành.

“Ở đó, người sưu tập có thể nhìn lại một thời, cũng có thể tra cứu dữ liệu của một giai đoạn nào đó đã đi vào lịch sử. Thời gian qua đi, tự bản thân tờ báo xưa trở thành minh chứng sống động về ngôn ngữ, cách hành văn, chữ viết, cũng như tư duy con người cho thời đại bấy giờ. Ngày hôm nay đọc lại những cái đó, để tìm lại cái hay ngày xưa mà kế thừa và cũng là để hình dung lại bộ mặt xã hội của thời kỳ chúng ta chưa từng sống”, ông Dũng chia sẻ.

Nói về công phu trong việc sưu tầm của mình, theo ông Dũng, việc sưu tầm báo xưa còn khó hơn sách nhiều lần, bởi sách có thể tái bản nhưng báo thì qua ngày phát hành thì lại ra số mới. Trải qua thời gian dài, ảnh hưởng khí hậu, chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác nữa để có được tờ báo cách đây hàng trăm năm là cực kỳ khó.

Thế mà, trong số hơn 20 tấn sách và báo chí đã được ông sưu tầm, có sự xuất hiện của những tờ báo đầu tiên được xuất bản ở Việt Nam, bằng tiếng Việt như Gia Định Báo (xuất bản số đầu tiên năm 1865 ở Sài Gòn), Phụ Nữ Tân Văn (xuất bản số đầu năm 1929 ở Sài Gòn)… Đây được giới sưu tầm coi là những tờ báo đã “tuyệt tích giang hồ”!

“Sưu tầm sách báo xưa là đam mê, nhưng giữ cuộc sống lâu dài cho sách báo xưa là một nghệ thuật”, ông Dũng nói về kỳ công của mình. Theo ông Dũng, việc giữ gìn, bảo quản sách báo xưa không phải chỉ cần sự trân quý, mà đòi hỏi cả kinh nghiệm và kỹ thuật chuyên môn.

Thế nên với mỗi tờ báo, mỗi cuốn sách của mình, ông phải tỉ mẩn bảo quản trong túi nilon rồi cẩn thận cất trong phòng lưu trữ với nhiệt độ phù hợp. Ông Dũng bảo, nâng niu như vậy ông mới thấy tạm yên tâm, bõ công đeo đuổi và gìn giữ những vật phẩm quý hiếm này.

Trân trọng giá trị lịch sử

Những tài liệu giảng dạy do Ty Giáo dục Thanh Hóa phát hành năm 1953.

Những tài liệu giảng dạy do Ty Giáo dục Thanh Hóa phát hành năm 1953.

Giống như một bảo tàng báo chí thu nhỏ, với mỗi một đầu báo đặc biệt, ông Dũng luôn tâm huyết giành riêng một không gian trưng bày, trong đó phải kể tới những tờ báo Cách mạng thời kỳ đầu như Cứu Quốc, Độc Lập, Cờ Giải Phóng, Vui Sống…; những tạp chí văn hóa, văn học nổi tiếng một thời như Phong Hóa, Ngày Nay, Nam Phong…

Sở hữu bộ sưu tập khá đồ sộ về các đầu sách, báo, trong đó đặc biệt là những tờ báo liên quan tới chủ trương, chính sách giáo dục từ những ngày đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, người sưu tầm báo xưa của Thành Nam bộc bạch: “Ngay sau Cách mạng tháng 8/1945, dân tộc ta cùng lúc đối mặt với nạn đói, nạn dốt và nạn ngoại xâm. Trước tình thế ấy, các hoạt động tuyên truyền diệt giặc dốt thông qua phong trào bình dân học vụ được thể hiện trên Đặc san Bình dân học vụ, Đặc san Giáo dục hay Tạp chí Giáo dục nhân dân, Tạp chí Học tập; Tạp chí Tin giáo dục… vô cùng sôi nổi và ấn tượng. Lần giở lại từng trang sách báo đó, chúng ta thấy được một khung cảnh xã hội với “lớp học I, T” mọc lên khắp nơi, người biết chữ làm giáo viên không lương, người dân đi học để thoát cảnh không thể viết tên mình”.

Ông Dũng nhìn nhận, trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh với nền khoa học công nghệ có phần khiêm tốn mà đã có tới hàng chục đầu báo, tạp chí, đặc san liên quan tới lĩnh vực giáo dục được xuất bản, đã cho thấy công tác tuyên truyền giáo dục luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và nhà nước.

Đặc biệt, trên bìa Tạp chí Tin giáo dục của Cơ quan huấn luyện và nghiên cứu giáo dục - Khu giáo dục Liên khu V, số ra tháng 2/1953 có trích dẫn lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, giáo viên cả nước: “Nên kiểm thảo kỹ công tác “cải cách” về chương trình, chủ trương và cách thi hành để tìm thấy những khuyết điểm mà sửa đổi, những ưu điểm mà phát triển thêm… Nên làm thế nào cho việc giáo dục liên kết với đời sống nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc…”.

Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng bày tỏ: “Nếu đi sâu nghiên cứu nội dung của những đầu báo và tạp chí này, chúng ta còn thấy các bài viết mang tầm vóc của một chuyên luận, chuyên khảo có giá trị như những pho sách quý, mà ở đó tập trung nói về chính sách, chiến lược giáo dục, hệ thống giáo dục, quản lý và quản trị cơ sở giáo dục, phát triển người học, phát triển đội ngũ giáo viên, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục… Ngày hôm nay sau gần một thế kỷ nhìn lại, những vấn đề này vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự”.

Trang sách, báo quý là phải được mở ra

Tạp chí Tin giáo dục và Đặc san Bình dân học vụ được phát hành năm 1953 và 1956.

Tạp chí Tin giáo dục và Đặc san Bình dân học vụ được phát hành năm 1953 và 1956.

Ngắm nghía số lượng sách báo ngồn ngộn ước tính khoảng 20 tấn trong không gian trưng bày của ông Dũng, nhiều người cũng chưa thể hình dung ra được để sống với niềm đam mê, để nuôi dưỡng tình yêu cho sách báo xưa của mình, ông đã phải “cắt xẻo” thời gian thế nào, khi mà công việc kinh doanh vốn đã đủ khiến người ta mệt nhoài và không có thời gian dư dả.

“Tiếng tăm” yêu sách, sưu tầm được nhiều sách hay, báo quý của ông Dũng lan truyền nhiều nơi nên phòng sưu tầm sách báo xưa của ông dần trở thành trạm dừng chân cho những người cùng đam mê về thăm thú mảnh đất Nam Định. Ông tâm sự: “Nhiều người sau lần đầu ghé thăm tới khi trở lại họ mang theo những cuốn sách, tờ báo cũ mà họ rất yêu quý để tặng lại cho tôi, với mong muốn làm sống động không gian trưng bày và tin tưởng gửi gắm tôi lưu giữ”.

Tuy nhiên, chặng đường hàng chục năm đi tìm kiếm, sưu tầm sách báo cũ ông Dũng cũng trăn trở: “Rất nhiều sách báo quý vẫn đang bị chủ nhân cất im lìm sau các cánh cửa tủ khóa kín. Và có lẽ, sách không được đọc là “sách chết”, vì không đem lợi ích cho ai. Buồn hơn, nhiều sách quý còn đang được nhiều người mua sử dụng như vật trưng bày sang trọng trong tủ kính, không được mở ra và cũng chẳng được đọc bao giờ...”.

Có lẽ vì suy nghĩ đó mà với bất kỳ ai tìm tới đây vì tình yêu với sách báo cũ, hay vì những nguồn tư liệu tham khảo mà bản thân đang tìm kiếm cũng đều được ông Dũng hồ hởi đón chào.

Cuối hành trình tham quan bộ sưu tập báo chí đồ sộ ấy, ngồi trước mặt chúng tôi, ông Dũng nâng niu, cẩn trọng xếp đặt từng chồng sách báo và trải lòng: “Hãy cho sách, báo quý có cuộc sống. Hãy cho nó được mở ra, được có người đọc, nâng niu, kính trọng... bởi đời người rồi cũng sẽ qua đi nhưng đời sách thì vẫn còn dài. Sách, báo phải tiếp tục được mở ra, đem lại lợi ích cho cộng đồng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ