Vua triều Nguyễn sưu tầm sách quý

GD&TĐ - Vua Minh Mạng, khi mới lên ngôi, đã xuống chiếu cho nhân dân cả nước tìm sách cũ dâng lên.

Sách vở nước ta thời Lý, Trần về trước, khi quân Minh xâm lược nước ta đã tịch thu hoặc tiêu hủy gần hết. Thời Lê sơ, nước ta cũng có một thời kỳ văn hiến rực rỡ, nhưng sau chiến tranh Lê - Mạc, chiến tranh Trịnh - Tây Sơn, Tây Sơn đánh quân Thanh… lại bị mất mát một lần nữa. Vì vậy, triều Nguyễn đã nhiều lần kêu gọi quan lại, sĩ phu và nhân dân sưu tầm, dâng sách cũ.

Sách quý được triều đình thu thập từ nhiều nguồn. Như vào năm Gia Long thứ 3 (1804), viên quản tàu Long Phi là Nguyễn Văn Thắng đã dâng lên nhà vua các cuốn sách “Thái tây toán pháp” (Sách toán của phương Tây) và sách “Thiên chỉ minh yếu luận” (sách cơ sở về thiên văn học), mỗi thứ một quyển.

Nguyễn Văn Thắng vốn tên là Jean-Baptiste Chaigneau (1769 - 1832), là một sĩ quan và nhà thám hiểm người Pháp từng trợ giúp vua Gia Long rất đắc lực trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Các quyển sách ông này dâng vua đều có ý nghĩa quan trọng trong việc tính toán và nghiên cứu thiên văn. Nguyễn Văn Thắng cũng từng dịch nhiều sách vở, tài liệu phương Tây theo lệnh vua Gia Long.

Năm Gia Long thứ 9 (1810), Nguyễn Hữu Thận từ Thanh trở về, đem dâng sách “Đại Thanh lịch tượng khảo thành”, nói: “Lịch vạn toàn của nước ta cùng với sách ‘Đại Thanh thời hiến’, từ trước đều dùng phép lịch Đại thống của nhà Minh, hơn ba trăm năm, chưa có sửa đổi, càng lâu càng sai.

Khoảng năm Khang Hy nhà Thanh mới tham hợp phép lịch của Tây Dương mà chép thành sách này. Sách suy tính tinh tường, so với lịch Đại thống kỹ hơn, mà phép tam tuyến bát giác lại rất là diệu. Xin giao cho Khâm Thiên giám, sai thiên văn sinh học lấy phương pháp ấy, thì thiên độ mới đều, mà thời tiết được đúng”. Vua khen phải.

Theo lời kêu gọi sưu tầm sách cũ của nhà vua, mùa Thu năm Gia Long thứ 10 (1811), có người Diên Khánh là Mạc Văn Diên dâng sách “Hồng Đức luật lệ” đời Lê; Tri huyện Thủy Đường là Nhữ Công Quý dâng sách “Hoàng Việt thống chí”; người Sơn Nam thượng là Hoàng Quý Chi, người Sơn Tây là Cao Văn Tình, người Kinh Bắc là Lê Doãn Khản dâng các sách quan chế và điều luật triều Lê trước. Tất cả đều được nhà vua thưởng tiền khác nhau.

Ảnh bìa sách “Hổ trướng khu cơ” in năm 1974.

Ảnh bìa sách “Hổ trướng khu cơ” in năm 1974.

Cũng năm đó, nhà vua sai Nguyễn Văn Thành sung chức Tổng tài, Phạm Như Đăng làm Phó Tổng tài soạn bộ quốc sử triều Nguyễn. Nguyễn Văn Thành mới dâng lên nhà vua sách “Võ bị chí” và sách “Tứ di loại chí”, vua sai Thị thư viện thu cất.

Năm 1813, có hai viên quan là Trần Chấn và Nguyễn Hiệu từ Quảng Đông về, dâng sách Mã Cao và lịch Tây Dương, vua Gia Long sai Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau) dịch ra để tiến lên vua.

Sau khi lên nối ngôi vua cha, ngay trong năm Minh Mạng thứ nhất (1820), vua Minh Mạng đã xuống chiếu tìm sách cũ. Chiếu rằng: “Trẫm nghĩ đế vương các đời dấy lên, tất có sách sử mỗi đời để chép lời nói việc làm và công việc chính trị mà để lại đời sau.

Nhà nước ta, từ Triệu tổ hoàng đế (chúa Nguyễn Hoàng) mở đất dựng nước, Thái tổ hoàng đế chịu mệnh nối ngôi, các thánh nối nhau rỡ ràng sáng rạng hơn hai trăm năm, trong khoảng ấy đều có sự tích. Duy vương chế chưa đủ, sử cục chưa có sự biên chép của quan Trụ Hạ (quan ở đời Chu Tần, tức là Ngự sử, đứng hầu ở dưới cột điện) hãy còn thiếu sót.

Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta (tức vua Gia Long), trung hưng nghiệp đế, dựng nên thái bình, nhớ lại công xưa, nghĩ tìm thực lục, nhưng muôn việc nên không kịp làm, sử chức vẫn còn bỏ thiếu.

Trẫm để ý điển xưa, noi theo chí trước, ngửa nghĩ rằng nhờ công đức các đời mở đắp mới có ngày nay, càng muốn làm cho rõ rệt dấu xưa, giao cho sử quan soạn thuật. Nhưng từ lúc dấy quân về sau, kho sách không có bằng chứng, duy các nhà nhiều học thức hoặc còn ghi chép được chăng.

Vậy chuẩn cho quan dân trong ngoài, phàm nhà nào cất được những bản biên chép điển cũ của triều trước, thì không kể tường hay lược, đem nguyên bản tiến nộp hoặc đưa cho nhà nước sao chép, đều có khen thưởng”.

Tuân theo lời chiếu, quan dân trong kinh ngoài trấn đều đem các bản biên chép đến dâng.

Thượng thư Trịnh Hoài Đức dâng sách “Gia Định thông chí” (3 quyển) và sách “Minh Bột di ngư văn thảo”, Chiêm hậu Hoàng Công Tài dâng sách “Bản triều ngọc phả” (2 bản) và sách “Kỷ sự” (2 bản), người Quảng Đức (Thừa Thiên) là Cung Văn Hi dâng sách “Khai quốc công nghiệp diễn chí” (7 quyển), người Thanh Hóa là Nguyễn Đình Chính dâng sách “Minh lương khải cáo lục” (34 điều), người Quảng Ngãi là Võ Nguyên Biều dâng sách “Cố sự biên lục” (1 quyển). Vua khen, thưởng cho vàng lụa theo các bậc khác nhau.

Vào các năm tiếp theo dưới thời vua Minh Mạng, tiếp tục có nhiều người dâng sách, như năm 1826, người Quảng Trị là Lê Phước Bảo dâng sách “Nam Việt diễn chí” gồm 5 quyển, được vua thưởng cho 20 lạng bạc. Năm 1827, người Thừa Thiên là Hồ Quang dâng sách “Thiên nguyên bảo lịch”, vua thưởng cho 10 lạng bạc.

Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), Thự Tế tửu Quốc Tử Giám hưu dưỡng là Phạm Đình Hổ dâng lên nhà vua sách “Hổ trướng khu cơ” (sách có một quyển), do Lộc Khê hầu Đào Duy Từ soạn. Đây chính là tác phẩm quân sự duy nhất của Việt Nam mà đời sau có thể đọc nguyên vẹn toàn bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.