Tìm hiểu rõ nguyên nhân sự việc
Ở lứa tuổi hiếu động, trẻ con đôi khi thường thể hiện vai trò của mình trong các trò chơi tập thể. Tuy nhiên nếu con bạn nhiều lần bị các bạn lấn lướt thậm chí dùng tới bạo lực thì ngoài việc nhờ cô giáo làm trọng tài phân xử, bạn cũng nên dạy con biết mạnh mẽ để đối phó thông minh với những tình huống cụ thể.
Chiều qua khi đi học về thấy quần áo con lấm bẩn, chị Nga có con trai học tại Trường Tiểu học Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) đã tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện.
Con trai chị kể: Ở trường cháu có mấy bạn lớn hơn thường cậy khỏe bắt nạt những bạn khác yếu hơn mình. Hôm nay cuối giờ tan học, con chị cùng mấy bạn trai cùng lớp chơi đá cầu thì mấy bạn kia đến phá đám giành cầu của con chị.
Nói chuyện phải trái cũng không xong, do bị ức hiếp nhiều lần lại bị lấy mất đồ chơi nên khi thấy một bạn trong nhóm bị nhóm bạn kia cố tình xô ngã con chị đã kêu các bạn cùng chơi xông lên đáp trả.
Thấy các bạn ở nhóm khác cùng lên tiếng bảo vệ mấy đứa trẻ kia bèn lỉnh sạch. Sau khi phân tích phải trái với con chị cũng định tới trường gặp cô giáo nhờ cô giải quyết tiếp sự việc.
Chị Nga mặc dù không ủng hộ việc con đánh lại bạn nhưng trong trường hợp như thế lại thấy con mình không sai khi biết cùng các bạn bảo vệ lẽ phải.
Hàng ngày chị vẫn dạy con là không bao giờ được phép đánh bạn trước còn nếu bạn đánh thì mách cô. Song chị cũng nghĩ nếu con trai và các bạn cứ nhún nhường mãi cũng không ổn.
Bởi điều này không chỉ khiến nhóm bạn kia được đà ức hiếp các bạn khác như con mà còn vô hình trung tạo sự yếu đuối tự ti khiến trẻ không dám đấu tranh với những điều sai trái xung quanh mình.
Không chỉ riêng chị Nga mà nhiều phụ huynh khác cũng tâm sự về việc khá lúng túng khi dạy con phải hành động như thế nào trước những đứa trẻ hay thích đi bắt nạt những bạn nhỏ yếu thế hơn mình.
Dạy con nên mạnh mẽ
Việc trẻ con đánh nhau tuy không hiếm nhưng ở từng trường hợp cụ thể thì vẫn khác nhau. Nếu chỉ là chuyện nghịch ngợm chơi đùa thì không thể có chuyện bé bị một vài bạn bắt nạt vô cớ.
Song việc bé thường xuyên bị một vài bạn nào đó bắt nạt và bắt đầu cảm thấy mặc cảm thì cha mẹ càng cần tìm hiểu rõ ngọn nguồn.
Cha mẹ cần nói chuyện với cô giáo, nhà trường và cha mẹ của những đứa trẻ đó hoặc cảnh cáo những trẻ hay bắt nạt bé. Đó cũng là để dạy cho bé biết cách tự bảo vệ mình, đấu tranh với những thói xấu.
Có những trẻ nhút nhát nhiều lần bị bạn bắt nạt nhưng cũng không dám thổ lộ với cô giáo, hay cha mẹ. Vì vậy những người thân nên gần gũi để hiểu tâm tư của con trẻ và can thiệp kịp thời.
Bởi vì, nếu để sự việc diễn ra nhiều lần trẻ sẽ càng sợ sệt và tự ti về sự yếu đuối của mình. Khi nhận thấy biểu hiện khác lạ của con, cha mẹ nên chuyện trò với con nhiều hơn để động viên và có cách giúp trẻ xử lý tình huống. Việc này có thể xua tan cảm giác bất an của bé, giúp bé bình tâm lại, trút bỏ hết những ấm ức vừa phải chịu.
Tuy nhiên theo giảng viên Trần Thị Hiền (Học viện Phụ nữ Việt Nam) thì điều cha mẹ nên làm là khuyên con bình tĩnh, cương quyết bày tỏ rõ thái độ không hề sợ sự trêu chọc dọa nạt của những đứa trẻ khác.
Trang bị cho con những cách đối phó với việc này: Cách chọn bạn, tránh xa những bạn không tốt, mở rộng mối quan hệ bạn bè thông qua việc tham gia các hoạt động trường lớp, hoặc cho con học võ để giúp con mạnh dạn hơn. Dạy con đi đâu cũng nên đi đông, tránh đi một mình vào chỗ khuất tầm nhìn của người lớn.