Khi thế giới không có dầu Nga

GD&TĐ - Ngay khi Mỹ thông báo cấm nhập khẩu dầu Nga, lập tức giá dầu thô thế giới có thời điểm tăng vọt lên mốc gần 140 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008 đến nay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây chỉ là một phần trong rất nhiều tác động tiêu cực đối với thế giới khi nguồn cung dầu của Nga bị ngắt với thế giới.

Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, Nga đang là nhà xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu hàng đầu thế giới với mức cung khoảng 7 triệu thùng/ngày.

Do đó, loạt các lệnh trừng phạt kinh tế dữ dội của Mỹ và các đồng minh phương Tây nhằm vào Nga như hiện nay là chưa từng thấy và có khả năng lớn sẽ làm tăng giá năng lượng vốn dĩ đã cao ngất ngưởng trên toàn cầu.

Giá năng lượng leo thang cũng có khả năng gây ra cú sốc lạm phát cho cả thế giới. Chính do hệ quả này mà ngoài Mỹ, hiện các đồng minh phương Tây vẫn chưa trực tiếp trừng phạt ngành năng lượng của Nga, do quốc gia này đang là nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu trên thế giới.

Tuy nhiên, để tránh vướng vào những rắc rối sau này, một số doanh nghiệp đã chủ động tránh xa nguồn dầu của Nga.

Theo dự đoán của Ngân hàng JP Morgan, giá dầu thế giới có thể đạt kỷ lục lên tới 185 USD/thùng vào cuối năm 2022 nếu sự gián đoạn đối với xuất khẩu dầu của Nga ra thế giới tiếp diễn.

Mức giá đỉnh lịch sử của thế giới là 147 USD/thùng được xác lập trong giai đoạn khủng hoảng tài chính tháng 7/2008. Còn lần gần đây nhất giá dầu thế giới vượt qua mốc 100 USD/thùng là năm 2014.

Các số liệu trên cho thấy, việc giá dầu lập mốc gần 140 USD/thùng hôm 9/3, ngay sau khi Mỹ ra lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, đã cho thấy rõ ảnh hưởng của nguồn cung năng lượng Nga đối với thế giới như thế nào.

Điều này càng đặc biệt hơn là mới chỉ cách đây 2 năm, nhu cầu dầu giảm do Covid-19 đã khiến giá dầu thô tại Mỹ từng có thời điểm xuống dưới mức 0 USD/thùng, nghĩa là người bán còn phải trả tiền cho người mua để loại bỏ dầu.

Việc nguồn cung năng lượng của Nga bị cắt đứt với thế giới do các lệnh trừng phạt cũng sẽ đẩy giá khí đốt tự nhiên nhảy vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, dẫn đến lạm phát tại cả hai bờ Đại Tây Dương dự kiến bị đẩy lên trên 7% trong những tháng tới. Điều này sẽ khiến nhiều hộ gia đình trên khắp thế giới gặp khó khăn trong việc sử dụng năng lượng và chi tiêu mua sắm.

Đặc biệt, lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga sẽ càng làm chậm quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch vẫn còn đang trong giai đoạn đầu của thế giới. Theo tính toán sơ bộ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine có thể làm giảm mức tăng trưởng của khu vực đồng Euro từ 0,3 đến 0,4 điểm phần trăm trong năm nay theo kịch bản trung bình.

Trong trường hợp xảy ra cú sốc nghiêm trọng, tăng trưởng của khu vực này có thể giảm tới 1 điểm phần trăm.

Trong bối cảnh trên, các nước phương Tây, đặc biệt là châu Âu, đang tìm cách thay thế nguồn năng lượng từ Nga mà họ đang phải phụ thuộc nhất là trong mùa đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì nguồn cung thay thế cho năng lượng Nga không thể xuất hiện ngay lập tức hoặc trong trung hạn, mà sẽ tốn nhiều thời gian.

Do đó, việc ngắt nguồn cung năng lượng Nga sẽ trở thành tác nhân gây ra lạm phát giá nguyên liệu đầu vào cùng các sản phẩm phụ thuộc vào chúng trên phạm vi toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.
Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...