EU tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt “gây tổn hại” cho Nga

GD&TĐ - Dẫn ra động thái của Moscow trong việc công nhận các nước ly khai vùng Donbass, EU nhắm mục tiêu vào các nhà lập pháp Nga và 27 cá nhân/thực thể khác, nhưng không bao gồm Tổng thống Putin.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell.
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell.

EU đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga để trả đũa quyết định của Moscow về việc công nhận các nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraine.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cho biết, lệnh trừng phạt bao gồm hạn chế quyền tiếp cận thị trường tài chính châu Âu cho tới việc nhắm mục tiêu các quan chức riêng lẻ đứng sau động thái này.

Đại diện cấp cao về Ngoại giao Borrel của EU phát biểu cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian tại Paris rằng các biện pháp trừng phạt sắp tới “sẽ gây tổn hại cho Nga và sẽ gây tổn hại rất nhiều”.

Cáo buộc Moscow có những “vi phạm nghiêm trọng”, ông Borrel cho biết việc công nhận DPR và LPR cũng như các bước tiếp theo của Nga ở Ukraine “sẽ không bị bỏ qua”.

Theo ông Borrel, EU sẽ nhắm mục tiêu vào 27 cá nhân và thực thể được cho là liên quan đến việc phá hoại sự toàn vẹn của Ukraine. Khối cũng sẽ trừng phạt tất cả 351 thành viên của Quốc hội Nga, Duma Quốc gia, những người đã bỏ phiếu ủng hộ việc công nhận 2 nước cộng hòa.

Nhà ngoại giao trên nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không nằm trong danh sách trừng phạt nhưng “chúng tôi sẽ nâng mức trừng phạt tương ứng với hành vi của Nga.”

Ông Borrel cho biết gói trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến tài chính của Nga, hạn chế khả năng của Moscow trong việc tiếp cận thị trường tài chính của EU. Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm chi tiết về điều này.

Quan chức ngoại giao của EU cảnh báo các lệnh trừng phạt thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn tùy thuộc vào hành động của Nga liên quan đến Ukraine.

Trong khi đó Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Le Drian cho biết EU vẫn cởi mở về ngoại giao mặc dù đã chọn áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga mới.

“Lập trường vững chắc này mở ra cánh cửa ngoại giao. Nhưng trong vài tuần qua, công việc ngoại giao khó khăn này đã không đi đến đâu” – nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp khẳng định.

Ông Putin đã công nhận chủ quyền của 2 nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraine vào ngày 21/2 và được cơ quan lập pháp Nga phê chuẩn ngay lập tức.

Ông Putin tuyên bố động thái này là cần thiết để bảo vệ người dân Lugansk và Donetsk. Ông cho rằng Kiev không sẵn sàng giải quyết cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua thông qua đàm phán và thay vào đó đang chuẩn bị cho chiến tranh. Tổng thống Nga khẳng định Kiev đã hoàn toàn từ bỏ các thỏa thuận Minsk, đồng thời cho rằng các thỏa thuận ngừng bắn đã bị “giết chết”.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.