Các hợp chất hydrocarbons đa vòng gây tổn hại lên các tế bào da và hệ tự miễn của cơ thể.
Đề xuất thu phí kiểm soát khí thải
Theo đề xuất phương án kiểm soát khí thải xe máy tại TPHCM của ông Đinh Trọng Khang - Phó Giám đốc Viện Môi trường (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) - ban đầu thực hiện ở khu trung tâm, sau đó mở rộng toàn thành phố.
Giai đoạn 2021 - 2022, thành phố cần xây dựng các khung chính sách, pháp lý liên quan, tổ chức tuyên truyền... Hai năm 2023 - 2024, thành phố sẽ kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy để xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư 88 trạm kiểm định. Phí kiểm định mỗi xe được đề xuất 50.000 đồng trong một năm, người nghèo được miễn phí. Thời gian này, xe chạy ở quận 1, 3, 5 chưa đạt chuẩn bị phạt tiền.
Giai đoạn 2025 - 2026, xe máy sau khi xuất xưởng, bán ra phải được dán tem khí thải. Lúc này, 78 trạm kiểm định được đầu tư, mở rộng kiểm soát tại quận 1, 3, 5, 10 và Tân Bình. Những xe dưới 5 năm sử dụng không phải kiểm tra khí thải. Từ năm 2027 - 2030, khu vực cần đạt chuẩn khí thải mở rộng ở 13 quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp.
Theo đơn vị nghiên cứu, đề án kiểm soát khí thải cần kinh phí hơn 553 tỷ đồng để đầu tư hệ thống, nhân lực... Dự kiến giai đoạn 2023 - 2024, mỗi năm có gần 7 triệu xe máy cần kiểm tra và mức thu ước tính khoảng 348 tỷ đồng. Từ năm 2025 - 2030, mỗi năm kiểm định gần 6 triệu xe, tương ứng nguồn thu khoảng 300 tỷ đồng. “Tổng nguồn thu đến năm 2030 dự kiến gần 2.200 tỷ đồng, sau khi trừ 553 tỷ đồng vốn đầu tư sẽ được nộp về ngân sách”, ông Khang nói.
TPHCM hiện có hơn 7,4 triệu xe máy, trong đó xe sử dụng trên 10 năm chiếm gần 68%, cao hơn Hà Nội. Khí CO (cacbon monoxit) và HC (hydrocarbon) có hại cho sức khỏe, phát ra từ xe máy chiếm 90% tổng các loại xe cơ giới tại thành phố. Đề án kiểm soát khí thải xe máy tính toán khi áp dụng, TPHCM có thể giảm 13% khí CO và gần 14% khí HC thải ra môi trường.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, ông rất ủng hộ việc kiểm tra khí thải xe máy. Việc này phải có lộ trình và phải được xã hội hóa để làm sao thuận lợi cho người đi kiểm tra, phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Đề xuất 50 nghìn đồng/lần/năm là rất hợp lý.
Tuy nhiên lại cần 553 tỉ đồng để đầu tư từ ngân sách cho các trạm kiểm định thì rất nên suy nghĩ, tính toán. Nếu có chính sách, cơ chế hợp lý huy động sự tham gia của tư nhân thì Nhà nước đâu cần phải đầu tư cho các khoản này. Như thế vừa hiệu quả, tránh lãng phí, vừa tiện cho dân. Đây cũng là cách mà nhiều nước đã làm.
Siết chặt kiểm soát nguồn khí thải
GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường - Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, đối với xe cũ, khi đốt cháy nhiên liệu là xăng dầu, nhiên liệu không cháy hết sẽ xả thải vào không khí. Ngoài chất độc của các khí thông thường còn là muội than rất độc hại.
Đặc biệt là ở những khu vực đèn xanh, đèn đỏ, khi xe đỗ dừng ở chế độ chạy cầm chừng thì đào thải ra một lượng khí thải rất lớn. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện “quá đát” thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp 2 - 4 lần các loại xe mới, được bảo dưỡng định kỳ.
Chất gây ô nhiễm từ khí thải xe máy xâm nhập vào phổi, thậm chí vào máu của con người sẽ gây ra các vấn đề về mắt và hệ thống hô hấp. Những thành phần độc hại có trong khí thải xe máy có thể kể đến là carbon dioxide.
Ngoài ra còn có các phần tử cực nhỏ là những thành phần lạ có trong khí thải xe máy, chúng sẽ gây hại mô phổi và phát triển một số dạng ung thư. Các hợp chất hydrocarbons đa vòng gây tổn hại lên các tế bào da và hệ tự miễn của cơ thể.
Đây là một trong những thành phần khí thải xe máy phổ biến nhất gây ra ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khỏe con người.
Hiện, rất nhiều xe máy không bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn. Đáng nói, tình trạng xe máy cũ nát, thải khói đen kịt trên các tuyến đường trở thành nỗi ám ảnh.
Khi kiểm soát khí thải, cái lợi chung ai cũng thấy là không khí đỡ ô nhiễm. Nếu kiểm soát khí thải định kỳ, chủ xe sẽ bảo dưỡng, sửa chữa xe bảo đảm tiêu chuẩn khí thải thì xe cũng bền hơn, an toàn hơn, ít tiêu tốn nhiên liệu hơn.
“Để kiểm soát khí thải xe máy, Bộ GTVT không nên ôm hết về mình rồi giao Cục Đăng kiểm thực hiện mà cần có sự tham gia nhiều bộ ngành khác. Ngay cả Bộ Y tế tưởng không liên quan cũng có thể tham gia nếu công bố được khu vực người dân mắc nhiều bệnh hô hấp do khí thải để có chính sách thực hiện phù hợp.
Thêm nữa, cần phải xã hội hóa việc kiểm định chứ Nhà nước không có đủ điều kiện kinh phí để thực hiện kiểm soát khí thải xe máy”, GS.TSKH Lê Huy Bá cho hay.
Phân tích về sự độc hại của khí thải giao thông, Hội Hô hấp TPHCM cho hay, khí CO (carbon monoxit) có trong không khí ô nhiễm là khí không mùi, không vị, có độc tính cao với sức khỏe con người và cực kỳ nguy hiểm. Nếu hít phải một lượng lớn sẽ dẫn tới thương tổn do giảm ôxy trong máu hay tổn thương hệ thần kinh, có thể là nguy cơ gây tử vong.
Mặt khác, ô nhiễm môi trường không khí tác động lên hệ hô hấp gây ra một số bệnh như: tắc nghẽn phổi mãn tính, viêm phế quản, ung thư phổi. Với tình hình ô nhiễm không khí tại TPHCM như hiện nay, người dân hằng ngày phải tiếp xúc với nhiều loại khí độc hại nên số người mắc bệnh ngày càng nhiều với mức độ nặng.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, về lâu dài để không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải xem xét nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kiểm soát khí thải ô-tô lên ngang bằng với các nước trên thế giới. Đồng thời, kiểm soát khí thải bắt buộc đối với môtô, xe máy; tập trung siết chặt việc kiểm tra, xử lý đối với ô-tô cũ, xe buýt xả thải khói đen trên đường phố.
Mặt khác, phải đầu tư hạ tầng, điều tiết giao thông để hạn chế kẹt xe. Các sở, ngành liên quan cần tuyên truyền khuyến khích người dân tắt máy xe khi chờ đèn đỏ hay lúc kẹt xe để tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm môi trường.