Đặt cược
Hãng Sky News dẫn tuyên bố của đại diện của Hamas tại Lebanon Ahmed Abdel Hadi cho biết: "Chúng tôi sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào thứ năm".
Khi các quốc gia trên khắp thế giới đang kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Gaza, thì tình hình hiện tại vào đêm trước cuộc đàm phán vẫn rất căng thẳng.
Hamas đã thẳng thừng từ chối tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn, ông Hadi nói: "Thay vào đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang lừa dối và trốn tránh, muốn kéo dài chiến tranh, thậm chí mở rộng chiến tranh ở cấp độ khu vực.
Và do đó, ông ấy sử dụng các cuộc đàm phán như một vỏ bọc để tiếp tục hành vi xâm lược chống lại người dân của chúng tôi và gây ra nhiều vụ thảm sát hơn nữa đối với họ".
Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu cũng đã cứng rắn hơn trong lập trường đàm phán. Israel đã đưa ra năm yêu cầu mới đối với Mỹ, Qatar và Ai Cập, trong đó có yêu cầu gây tranh cãi nhất là giữ quyền kiểm soát biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập, mặc dù vào tháng 5, Tel Aviv đã có kế hoạch rút quân.
Trong khi đó, Mỹ liên tục bày tỏ hy vọng rằng Israel và Hamas sẽ quay lại đàm phán. Tuy nhiên, vào hôm 13 tháng 8, Mỹ đã chấp thuận một hợp đồng bán vũ khí mới trị giá 20 tỷ đô la cho Israel, bao gồm đạn xe tăng, đạn cối, tên lửa không đối không và máy bay chiến đấu F-15.
Trước tình hình trên, Iran cảnh báo vào thứ Ba rằng chỉ có lệnh ngừng bắn ở Gaza, đạt được sau các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong tuần này, mới có thể ngăn chặn nước này trả đũa vụ ám sát có chủ đích một quan chức cấp cao của Hamas trên đất Iran do lực lượng Israel thực hiện.
Chiến thuật ám sát
Đánh giá về chiến thuật ám sát của Israel nhằm vào các thủ lĩnh của những lực lượng bị coi là kẻ thù của Tel Aviv, hãng thông tấn Reuters cho rằng, việc hạ sát thủ lĩnh một nhóm vũ trang chỉ làm tăng nguy cơ bị lên án về mặt ngoại giao và có thể vi phạm luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, chiến thuật ám sát đôi khi cũng có thể làm gián đoạn hoạt động của một nhóm, buộc thủ lĩnh của họ phải rút vào hoạt động bí mật.
Matthew Waxman, giáo sư tại Trường Luật Columbia và từng là quan chức an ninh quốc gia Mỹ, nói: "Nhiều nhóm đã thay thế thủ lĩnh, song các vụ hạ sát vẫn có thể làm đình trệ hoạt động bình thường của nhóm và có thể dẫn tới những tác động mang tính biểu tượng quan trọng".
Vụ ám sát ông Ahmed Yassin, người sáng lập Hamas năm 2004 vẫn được xem là một trong những hành động mang tính biểu tượng nhất của cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.
Một trong những quan chức Israel từng ủng hộ hạ sát Yassin năm 2004 là cựu thủ tướng Ehud Okmert, người lúc đó là bộ trưởng công nghiệp. Dù không cho rằng các vụ ám sát luôn hiệu quả, ông tin việc hạ Yassin giúp giảm mối đe dọa của Hamas.
"Ông ta là thủ lĩnh tối cao của Hamas và việc loại bỏ ông ta sẽ rất quan trọng để tạo ra cơn khủng hoảng trong giới lãnh đạo Hamas một thời gian", Olmert nói.
Cái chết của ông Yassin, một trong số nhiều vụ ám sát các thủ lĩnh Hamas thời điểm đó, đã thúc đẩy nhóm chấm dứt các hành động thù địch trong phong trào nổi dậy chống Israel (intifada) lần thứ hai. Tuy nhiên, tác động này thường chỉ mang tính ngắn hạn.
Hai năm sau, Hamas tham gia đường đua chính trị và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine. Năm 2007, Hamas giành quyền kiểm soát toàn bộ Dải Gaza, tạo nền tảng để nhóm thực hiện cuộc tấn công Israel hồi tháng 10/2023.
Giới quan sát cho rằng dự đoán cách đây 20 năm của ông Netanyahu phần nào đó đã sai, khi tác dụng răn đe từ việc ám sát các thủ lĩnh Hamas không thể mang hiệu quả về dài hạn.
Cuộc chiến chống Hamas của Israel vẫn tiếp tục với các cuộc xung đột ngắn ở Gaza năm 2008, 2011, 2014, 2021 và xung đột kéo dài 10 tháng và vẫn đang tiếp tục diễn ra.