Mới đây, tập truyện ngắn “Báo thù” của nhà văn Ukraine Roman Ivanytchouk được ông dịch sang tiếng Việt qua bản Pháp ngữ (NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2021), gây được sự chú ý của dư luận.
Tập truyện mang ý nghĩa giáo dục lớn về ứng xử của con người với thiên nhiên, nhất là trong thời đại dịch Covid-19 này.
- Tác giả Roman Ivanytchouk là người như thế nào, thưa ông?
Roman Ivanytchouk sinh ra ở Trach, hiện là Kosiv Raion, Ivano-Frankivsk Oblast Ukraine. Ông học ngôn ngữ tại Đại học Lviv và tốt nghiệp năm 1957. Ông là giáo viên của trường từ năm 1957 đến năm 1963; ông xuất bản truyện ngắn và tiểu thuyết từ năm 1958.
Sau năm 1963, Ivanytchouk làm biên tập viên tạp chí Zhovten cho đến năm 1990. Năm 1995, ông trở thành Giáo sư tại Đại học Lviv và giảng dạy ở đó cho đến khi qua đời năm 2016. Ivanychuk đã viết 15 tiểu thuyết lịch sử và một số tuyển tập truyện ngắn. Một số cuốn sách của ông đã được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Nga.
Ông là người đoạt giải thưởng Shevchenko National Prize năm 1985 - giải thưởng mang tên văn hào dân tộc Ukraine, như Nguyễn Du với Việt Nam hay Mao Thuẫn ở Trung Quốc. Năm 2009, ông nhận được danh hiệu Anh hùng Ukraine. Ông cũng là đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô (cũ) nhiều khóa.
- Trong quá trình dịch tập truyện ngắn “Báo thù”, ông có gặp khó khăn gì?
Tôi khai thác những truyện ngắn này từ khi còn đi dạy tiếng Pháp cho các cơ sở ngoại ngữ. Việc dịch thế nào cho đúng, cho thuần Việt, nghe êm tai đã được tôi chú ý sau mỗi lần lên lớp.
Tôi không bị sức ép từ tác giả, nhà xuất bản, cũng như nghề nghiệp và chỉ khi bắt đầu có ý thức dịch thành văn bản để cho người khác đọc tôi mới ngồi “chạy rốt đa” lại. Vì thế, công việc dịch các truyện ngắn này diễn ra từ từ.
Tôi có thời gian để ngẫm nghĩ sâu về những đoạn văn, những tình tiết, chọn lựa câu văn, lời thoại Việt cho phù hợp với văn cảnh... Còn khó khăn thì không thể kể ra hết được. Có những đoạn văn đối chiếu theo thời thái, ngữ nghĩa, văn cảnh thì dịch đúng, nhưng khi đọc lên nghe rất trúc trắc, không chấp nhận được. Những lúc như vậy mình phải đặt mình vào tình huống văn cảnh rồi xử lý theo cách dịch vòng.
Một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên khi dịch truyện ngắn đầu tay có nhan đề là “Người cha”. Khi dịch xong tôi quyết định gửi một tờ tạp chí ra hàng tháng để đăng.
Mang bản thảo đến cho ông tổng biên tập, sau khi xem xong, ông mỉm cười và nói với tôi bằng giọng nửa nạc nửa mỡ: “Cậu dịch được đấy nhưng đăng báo thì không thể”. Ông chỉ nói vậy còn vì sao thì ông không giải thích. Cầm bản dịch ấy về, tôi quyết định đến hỏi một nhà văn đồng thời là dịch giả.
Xem xong, ông vào đề ngay: “Ông dịch đúng nhưng cứng như sắt, đọc Tây quá. Người Việt không chấp nhận đâu. Ông nên dịch lại”. Rồi như để kết thúc, ông ấy siết chặt tay tôi như lời chào từ biệt và cũng hàm ý muốn nói “đừng đùa với lửa”.
- Có bao giờ ông dịch ngược tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Pháp?
Ý định thì có, là dịch giả thì phải dịch xuôi cũng như dịch ngược và tôi cũng đã dịch thử một số bài thơ của một vài tác giả là người Hải Phòng sang tiếng Pháp. Nhưng dịch xong việc hiệu đính gặp khó khăn vì không ai, tổ chức nào nhận làm.
Công việc xuất bản cũng khó khăn vì không có đầu ra. Khoảng hai năm trước đây, tôi có đặt vấn đề này với một nhà văn người Pháp nhờ ông ta tìm cho một biên tập viên hiệu đính và tìm một nhà xuất bản tiếng Pháp nhưng có lẽ do không đúng chuyên môn của ông nên việc triển khai không có kết quả.
- Những bài học ông rút ra sau khi dịch tập truyện ngắn của tác giả Roman Ivanytchouk là gì? Sau khi tập truyện được phát hành, độc giả có ý kiến phản hồi cho dịch giả không?
Tôi dịch những truyện ngắn của Roman Ivanytchouk không phải vì đơn đặt hàng của nhà xuất bản hay do sức ép của một ai mà đầu tiên là để phục vụ cho công việc giảng dạy. Thứ nữa, tôi có thời gian đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần đọc tác phẩm tôi lại phát hiện ra những chỗ không ổn về lời thoại, cách hành văn, ngắt mạch, chuyển đoạn, cách xưng hô...
Để một văn bản dịch văn học đạt yêu cầu, theo kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy có mấy điểm: Đọc và nghiên cứu kỹ văn bản gốc để cảm thụ và hiểu toàn bộ bản chất linh hồn của văn bản gốc; Tiến hành dịch nháp theo kiểu nghĩ thế nào dịch thế ấy.
Chưa cần cầu toàn, vì sau khi dịch hết truyện ta mới rà soát theo kiểu chạy “rốt đa” để bào mòn những câu chữ không phù hợp với tình tiết, ý nghĩa của đoạn văn, hoặc bố cục toàn truyện.
Khi làm công việc ấy chắc chắn sẽ có những thay đổi, không ít thì nhiều, thậm chí có khi thay đổi hoàn toàn; Đọc bản dịch nhiều lần xem đã thuần Việt chưa; Tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.
Từ khi phát hành tập truyện ngắn “Báo thù” đến nay, tôi nhận được nhiều lời chúc mừng từ bạn hữu. Mục “Đọc truyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam đã sử dụng một số truyện trong cuốn sách này.
Có một công ty truyền thông ký với tôi một hợp đồng bán sách và họ nói sách có thể bán được. Tập sách được khen, có lẽ do những mô típ, văn phong của tác giả là rất lạ so với dạng văn to tát, ồn ào, cuồn cuộn những xung đột hay thuần túy ngôn tình trên thị trường sách hiện nay.
- Hoạt động dịch văn học mang lại cho ông nguồn năng lượng sống như thế nào?
Dịch văn học không thể mang lại lợi nhuận hay danh vọng. Vì như cuốn “Báo thù” này là của Roman Ivanytchouk chứ đâu phải của dịch giả? Nhưng tôi dịch là do đam mê văn chương, do máu nghề nghiệp vì tôi học chuyên ngữ.
Khi dịch xong một truyện được đăng ở một tờ báo nào đó, thậm chí chỉ đưa lên Facebook và được bạn bè chúc mừng hoặc cho một cái “còm” là tôi thấy trong người phấn chấn, khỏe hẳn ra. Tôi nhận ra việc mình làm có ý nghĩa.
- Ông hình dung ra sao về một đời sống tinh thần và thể chất hoàn toàn khỏe mạnh? Có hình tượng, nhân vật thực tế nào khiến ông khâm phục và luôn dõi theo để học tập, phấn đấu?
Người ta quý nhất là sức khỏe, sức khỏe là vàng. Có một nhà thực dưỡng đã từng nói: “Có sức khỏe thì có một trăm điều ước, không có sức khỏe thì chỉ ước có sức khỏe”. Ai sinh ra trên đời cũng đều có riêng cho mình những mục đích sống khác nhau, nhưng dù là mục đích, lý tưởng gì thì chúng ta đều cần có sức khỏe mới thực hiện được. Một cơ thể khỏe mạnh, một đời sống tinh thần vững vàng sẽ chắp cánh cho chúng ta thực hiện được những mục tiêu mà chúng ta mong muốn.
Tôi có một người bạn khiến mình khâm phục. Từ một thương binh sau cuộc chiến trở về, bị mất một tay, sức khỏe loại 3 nhưng anh đã phấn đấu thi đậu đại học và trở thành một thầy giáo.
Rồi khi về hưu anh đã thành lập một trung tâm nhận nuôi dạy trẻ mồ côi và trẻ tự kỷ. Anh cũng luôn tham gia quyên góp ủng hộ giúp đỡ người nghèo. Anh đã xuất bản 2 tập thơ. Tấm gương ấy, người thương binh ấy, là Nguyễn Ngọc Minh.
- Xin cảm ơn ông!