- Anh đã có 5 tập sách dịch, và hầu hết là tác phẩm Đức. Anh có thể chia sẻ lý do chọn văn học Đức để giới thiệu với độc giả Việt Nam? Những tác phẩm anh chọn dịch là của các tác giả khác nhau, hay cùng một tác giả?
- Chính xác là tôi đã dịch và xuất bản 6 tập sách cùng hàng trăm truyện ngắn, bài thơ của các tác giả Đức đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương trong cả nước. Tôi chọn văn học Đức để giới thiệu với độc giả Việt Nam vì trước hết đây là một nền văn học lớn của thế giới với 12 nhà văn được nhận Giải Nobel Văn chương, sau đó văn chương Đức có nét đặc thù là đề cao giá trị tư tưởng và mang chứa những giá trị nghệ thuật khá khác biệt.
Những tác phẩm tôi chọn dịch của các các tác giả khác nhau - những người có tư tưởng lớn, có lối tư duy khác biệt và có thủ pháp nghệ thuật đặc sắc (theo quan điểm của cá nhân tôi) được thể hiện trong các tác phẩm văn học của họ.
Chị còn nhớ slogan nổi tiếng của hãng Apple “Think Different” chứ? Tôi rất thích khẩu hiệu này, nên khi tiếp cận với những tác giả trên đây thông qua tác phẩm của họ đã giúp tôi có thêm động lực, luôn hào hứng, kiên trì theo đuổi một lối sống lành mạnh, có nguyên tắc và cố gắng tư duy độc lập, logic, khác biệt.
- Với tiểu thuyết “Bánh xe số phận”, anh đã tiếp cận tác giả, tác phẩm này bằng cách nào?
- Một người bạn văn chương người Đức đã giới thiệu Herrmann Hesse và tác phẩm “Bánh xe số phận” của ông với tôi. Sau khi đọc tôi thấy giá trị tư tưởng của tác phẩm này vẫn còn nguyên đối với xã hội Việt Nam hiện nay ở mặt: Các gia đình thì luôn mong muốn con em mình phải vào được trường chuyên, lớp chọn, mong ước có được những giải thưởng này nọ còn nền giáo dục thì vẫn luôn yêu cầu học sinh phải giỏi toàn diện và cố gắng nhồi nhét thật nhiều những kiến thức hàn lâm, nói ngắn gọn là một nền giáo dục ứng thí.
Và vô hình chung chúng ta cũng đang “cướp” đi những cơ hội vui chơi của trẻ em, cơ hội được tìm hiểu thiên nhiên và cơ hội để học cách sinh tồn. Điều đó khiến trẻ em Việt Nam thiếu kĩ năng sống khi trưởng thành, còn đối với tầng lớp sinh viên sau khi ra trường thì thiếu kĩ năng mềm, kĩ năng làm việc nhóm. Bởi vậy tôi quyết định dịch tác phẩm này ra tiếng Việt, ngõ hầu góp một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ và xã hội trong việc giáo dục trẻ em.
- Có vấn đề gì khó khăn với bản quyền khi chuyển thể tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam?
- Theo Công ước Berne thì bản quyền tác giả được bảo hộ trong suốt cuộc đời sáng tác và 50 năm sau sau khi tác giả mất (trường hợp đặc biệt, nếu có quyền thừa kế bản quyền thì lên tới 70 năm), trong khi đó Herrmann Hesse mất từ năm 1962 (đã trên 50 năm), hơn nữa tôi đã nhượng bản quyền tiếng Việt tác phẩm này cho Công ty Cổ phần sách Tao Đàn cho nên phía công ty phải chịu trách nhiệm liên hệ và thanh toán chi phí bản quyền với cá nhân hoặc tổ chức giữ bản quyền (nếu còn hiệu lực) theo điều khoản của Hợp đồng dịch sách).
- Kể cả với một học trò nhỏ như nhân vật Hans trong tiểu thuyết “Bánh xe số phận”, thì niềm vui sống tự nhiên cũng bị mất đi khi tham vọng của cả cộng đồng ào đến chất lên vai cậu. Và cuối cùng, khi Hans đạt Á khoa trong Kỳ thi quốc gia, cậu nhóc ấy đã lấy thành tích vượt trội trong năng lực học của mình so với chúng bạn để định danh, và tự hào với điều đó. Điều này có thể hiện tính cách Đức điển hình?
- Tôi cho là có, chỉ có điều này ngay nền giáo dục của Đức đã thay đổi hoàn toàn so với thời của Hesse. Người Đức họ luôn tự hào về dòng giống German, mắt xanh, tóc vàng của họ; tự hào về tinh thần Đức, về hệ tư tưởng Đức. Ngày nay các bậc cha mẹ và nhà trường Đức đều chú trọng việc trang bị kĩ năng sống cho trẻ em, rèn khả năng tự lập, chấp nhận thất bại ngay từ lúc đầu, luôn nhớ rằng “không có thất bại, chỉ có tạm thời chưa thành công” và cổ vũ trẻ em đối diện với thử thách.
- Nhà văn Hermann Hesse tả cảnh cậu học trò Hans câu cá thật kỹ lưỡng và đầy ẩn ý – phần thưởng ý nghĩa nhất cho chiến thắng trong học thi của cậu – khi dịch phần này, anh có suy nghĩ như thế nào? Bài học nào có thể rút ra từ việc câu cá của cậu bé?
- Chị nói đến ẩn ý thì là câu hỏi khó với tôi rồi! Vì ẩn ý tùy thuộc và cảm nhận của độc giả và tôi không dám chắc là mọi người có cảm nhận như nhau. Khi dịch phần này, tôi chỉ hiểu là Hesse muốn gửi cho chúng ta một thông điệp: Một đứa trẻ dù thông minh (thần đồng) đến mấy thì nó vẫn là một con người có cảm xúc (không phải robot chứa kiến thức), và đứa trẻ háo hức được chơi những trò chơi con trẻ mà nó đam mê nói chung, với cậu bé Hans là câu cá, để giảm stress sau những giờ học, kì thi căng thẳng, để cân bằng lại cuộc sống.
Qua đó đừng bao giờ người lớn chúng ta “cướp” đi tuổi thơ của trẻ nhỏ ở các trò chơi chỉ để thỏa mãn “căn bệnh thành tích” của cha mẹ và thầy cô.
- Văn phong của Hermann Hesse khúc chiết, tuy đơn giản, nhưng những đoạn tả cảnh tả vật lại vô cùng kỹ lưỡng. Bản thân anh có gặp khó khăn khi dịch tới đoạn tác giả miên man tả kỳ hoa dị thảo đồng quê nước Đức? Anh có thể chia sẻ những câu chuyện bất ngờ, những điều lạ anh gặp trong quá trình dịch tác phẩm của Hermann Hesse?
- Về phương diện khúc chiết thì tôi đồng ý với chị, nhưng nói đơn giản thì tuyệt nhiên không. Ở nguyên bản tiếng Đức Hesse thể hiện một lối viết cầu kì, hoa mĩ, sử dụng nhiều điển cố, điển tích văn học; sử dụng các thành ngữ, tục ngữ một cách tinh tế (trong đó có nhiều thành ngữ tiếng Latinh); ngoài ra ông còn ưa dùng các từ vay mượn của tiếng nước ngoài và thổ ngữ. Cũng phải nói thêm rằng, ngoài tiểu thuyết “Bánh xe số phận” tôi cũng đã dịch vài truyện ngắn của Hesse nữa.
Chị hỏi tôi có gặp khó khăn khi dịch tới đoạn tác giả miên man tả kỳ hoa dị thảo đồng quê nước Đức? Có chứ. Tôi đã mất nhiều công sức để chuyển tải cái đẹp đẽ, cái tinh tế trong câu văn bằng tiếng Đức của Hesse sang tiếng Việt kèm với đó là tên những loại cây cỏ chẳng thấy có trong từ điển khi tả đoạn văn này và cả những đoạn tả cảnh kì thú khác. Khi dịch xong những đoạn khó tôi có cảm tưởng tôi đã có được những giây phút thăng hoa - những cơ duyên hiếm hoi mà Trời Phật đã ban cho!
- Anh có quan tâm tới việc dịch ngược văn học Việt sang tiếng Đức và xuất bản ở Đức?
- Tôi có quan tâm, nhưng chưa dịch (văn học) ngược bao giờ. Dịch ngược khó hơn dịch xuôi là đương nhiên, nhưng không phải là không làm được, nếu tìm được người bản xứ hiệu đính cho, tất nhiên người đó phải tâm đầu ý hợp và phải hết mình cộng tác.
Việc ấn hành các dịch phẩm ở Đức thì nằm ngoài khả năng của dịch giả, hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ (liên kết) xuất bản từ nước Đức mà chỉ có Nhà nước ta đứng ra làm mới được. Tiếp đến là nhuận dịch. Bản thân tôi là một chủ cơ sở dịch thuật lâu năm nên tôi thấy, nếu lấy giá dịch văn bản tư pháp thông thường để áp vào giá dịch (văn học) ngược (ra tiếng Đức) thì không thể làm nổi.
- Vì sao lâu nay anh cũng như nhiều dịch giả Việt Nam khác hầu hết chỉ dịch xuôi?
- Tôi xin khẳng định luôn là không chỉ có các dịch giả Việt Nam mà hầu hết các dịch giả trên thế giới đều dịch xuôi. Thứ nhất, ngôn ngữ đích là tiếng mẹ đẻ nên người dịch hầu như không cần đến người bản xứ (của ngôn ngữ đích) hiệu đính. Người dịch chỉ cần giỏi ngôn ngữ nguồn và tiếng mẹ đẻ (ngôn ngữ đích) là có thể tự lực trong việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học.
Thứ hai, đối với các dịch giả Việt Nam thì việc ấn hành các dịch phẩm ở nước sở tại là họ có thể tự lo liệu được. Thứ ba là, nếu chất lượng bản dịch tốt, chọn được tác phẩm hay phù hợp với gu thẩm mỹ của các nhà sách thì có thể nhượng thẳng bản quyền cho họ. Hoặc nhờ uy tín của mình mà dịch giả nhận được những hợp đồng dịch mà các nhà sách thuê dịch với mức nhuận dịch chấp nhận được.
- Theo anh, để giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, chúng ta cần có giải pháp nào?
- Muốn giới thiệu văn học Việt Nam ra với thế giới theo tôi hướng bền vững nhất và khả thi nhất vẫn là Nhà nước ta khuyến khích các dịch giả của các ngôn ngữ chính trên thế giới dịch xuôi ra ngôn ngữ của họ và họ tự ấn hành như cách các dịch giả Việt Nam đang làm với các ấn phẩm dịch xuôi của mình.
Như thế sẽ đảm bảo được về mặt chất lượng bản dịch và ta cũng không cần lo việc tìm người bản xứ hiệu đính nữa. Theo tôi mỗi ngôn ngữ chính ta chỉ cần khuyến khích được độ mươi người dịch xuôi từ tiếng Việt ra là ổn với số lượng tác phẩm tiêu biểu mà ta muốn giới thiệu với bạn bè năm châu.
- Xin cảm ơn anh!
Hermann Hesse?
Herrmann Hesse (tên đầy đủ là Herrmann Karl Hesse; sinh ngày 2/7/1877 tại Cawl, Đức; mất ngày 9/8/1962 tại Montagnola, Thuỵ Sĩ) là một nhà thơ, nhà văn và họa sĩ người Đức.
Các tác phẩm tiêu biểu: Bánh xe số phận (tiểu thuyết tự truyện, 1906), Gertrud (tiểu thuyết, 1910), Rosshalde (tiểu thuyết, 1914), Demian (tiểu thuyết, 1919), Siddharta (tiểu thuyết, 1922), Kurgast (Khách dưỡng bệnh (tập thơ, 1925)), Die Nuernberger Reise (Chuyến đi Nuernberg (truyện ký, 1927)), Der Steppenwolf (Sói thảo nguyên (tiểu thuyết, 1927)), Narsiβ và Goldmund (Narsiβ và Goldmund (tiểu thuyết, 1930)), Die Morgenlandfahrt (Hành trình về phương Đông (tiểu thuyết, 1932)) và Das Glasperlenspiel (Trò chơi ngọc thủy tinh (tiểu thuyết, 1943)). Hơn một trăm triệu quyển sách của ông đã được bán trên khắp thế giới.
Năm 1946 Herrmann Hesse được trao Giải Nobel Văn học cho toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình và Giải thưởng Goethe của thành phố Frankfurt, sau đó ông còn nhận được Giải thưởng Wilhelm Raabe năm 1950 và Giải thưởng Hòa bình của hội bán sách Đức năm 1955. Để tưởng niệm ông, hai giải thưởng văn chương, Giải thưởng Hermann Hesse và Giải thưởng Văn học Hermann Hesse, đã được đặt theo tên ông.
Tiểu thuyết “Bánh xe số phận” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Hermann Hesse, nổi tiếng trên văn đàn thế giới, đã được xếp vào tốp 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ XX của Trang bán sách trực tuyến hàng đầu AbeBooks.de – một chi nhánh của Amazon.com.