Khi "quỷ lửa" tỉnh giấc

GD&TĐ - Chúng ta đều biết những vụ phun trào núi lửa lớn có thể đe dọa đến tính mạng và sinh kế của người dân xung quanh, thậm chí gây ra những biến đổi khí hậu với quy mô toàn cầu. Những ngọn núi lửa dưới đây vẫn đang hoạt động, và bất kỳ vụ phun trào nào xảy ra cũng gây thiệt hại cực kỳ lớn.

Khi "quỷ lửa" tỉnh giấc

Mauna Loa

Bang Hawaii của Mỹ là nơi được tạo nên bởi những đảo núi lửa và nó cũng là nơi có Mauna Loa, ngọn núi lửa lớn nhất thế giới. Mauna Loa (nghĩa là Núi dài) trong ngôn ngữ của thổ dân Hawaii) nằm trên đảo Big Island, bang Hawaii. Ngoài danh hiệu “núi lửa lớn nhất thế giới”, nó còn có đỉnh cao gần 4.175 m. Mauna Loa cũng là núi lửa hoạt động thường xuyên nhất thế giới. Kể từ năm 1843 tới nay nó phun trào 33 lần, trong đó lần cuối cùng xảy ra vào năm 1984. Với chiều dài 60 km và chiều rộng 48 km, Mauna Loa chiếm khoảng một nửa diện tích của đảo Big Island. Khối lượng của nó bằng khoảng 85% khối lượng của tất cả đảo tại Hawaii.

Tambora

8 là mức tối đa trong chỉ số phun trào núi lửa. Vào năm 1815 núi lửa Tambora hoạt động với chỉ số phun trào là 7. Vụ phun trào xảy ra trên đảo Sumbawa thuộc lãnh thổ Indonesia ngày nay và khiến cả một vùng chìm vào bóng tối. Đó là lần phun trào núi lửa mạnh nhất trong lịch sử hiện đại. Những dòng sông nham thạch nóng thoát ra khỏi miệng núi cao khoảng 4.000 m, giết chết ngay lập tức khoảng 10.000 người. Núi lửa phun ra một lượng tro, bụi, nham thạch và khí có tổng thể tích vào khoảng 50 tỷ m khối. Một lượng khí sulphur dioxide (SO2) khổng lồ cũng bay vào khí quyển. Vài chục nghìn người chết bởi dung nham, tro bụi, sóng thần, bệnh tật và đói.

St. Helen

Núi lửa St.Helen ở Mỹ ngủ yên hơn 120 năm trước khi phun trào vào năm 1980. Thời gian chuẩn bị cho sự phun trào này lên tới hai tháng. Vào lúc 8h32 sáng 18/5/1980, một trận động đất có cường độ 5,1 độ Richter gây nên vụ nổ ở sườn núi lửa St. Helen. Vụ nổ khiến mặt phía bắc của núi sạt lở. Tro bụi nóng và dung nham phụt lên với tốc độ ít nhất 480 km/h và lan xa khoảng 24 km. Cùng lúc đó một cột khói hình nấm có chiều cao gần 26 km bay lên không trung, phủ kín ba bang gần đó. Spokane, một thành phố cách núi lửa chừng 400 km về phía đông bắc, chìm trong bóng tối. Khi mưa rơi xuống những người dân ở bang Washington, Idaho và Montana nhìn thấy những giọt nước đen và bụi mịn. 57 người và vài nghìn động vật chết vùi bụi, còn tổng diện tích những khu rừng bị hủy diệt vào khoảng 320 km2. Vào năm 1982, quốc hội Mỹ và Tổng thống Ronald Reagan quyết định thành lập Đài tưởng niệm núi lửa quốc gia St. Helen xung quanh núi lửa này.

Krakatoa

Krakatoa là hòn đảo núi lửa nằm giữa đảo Java và đảo Sumatra của Indonesia. Vào năm 1883, một ngọn núi lửa trên đảo Krakatoa tỉnh giấc với sức mạnh gấp 13.000 lần một quả bom nguyên tử. Âm thanh phun trào của khói và dung nham bay xa tới vài nghìn km, tức là tới tận những hòn đảo nằm ở bờ biển phía đông châu Phi. Vài trăm người trong một thị trấn trên đảo Sumatra gần đó chết gần như ngay lập tức khi những đám tro đỏ rực đốt cháy nhà của họ. Hoạt động của núi lửa Krakatoa gây nên những cơn siêu sóng thần và chúng cuốn người dân ra biển. Khoảng 36.000 người thiệt mạng vì thảm họa, còn đảo Krakatoa chìm xuống đáy đại dương.

Vesuvius

Là tên một ngọn núi lửa tầng nằm ở vịnh Naples ở phía nam Italy. Nó phun trào hơn 30 lần kể từ khi người ta biết tới sự tồn tại của nó. Lần phun trào khủng khiếp nhất xảy ra vào năm 79. Tro bụi và dung nham phun ra khỏi miệng núi trong nhiều ngày. Lượng tro mà Vesuvius phun ra đủ lớn để bao phủ hoàn toàn hai thành phố Pompeii và Stabiae. Nhiệt độ môi trường lên tới 500 độ C. Sức ép của hơi nóng khủng khiếp đã khiến các cơ quan nội tạng của cơ thể ngừng hoạt động trong một khoảnh khắc cực ngắn, không đầy một tích tắc. Nhiều người dân ở quanh núi lửa chết mà không kịp có phản xạ tự vệ hoặc tỏ ra đau đớn. Đó là kết luận của các nhà khảo cổ Italy, sau khi nghiên cứu 80 bộ xương bị vùi trong tro bụi ở những ngôi mộ thuyền quanh chân núi Vesuvius.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ