Tam giác Rồng có thật sự bí ẩn?

GD&TĐ - Biển Quỷ, còn được biết với tên Tam giác Rồng, là một khu vực ở Thái Bình Dương nổi tiếng vì có liên quan đến những vụ biến mất bí ẩn của tàu thủy, máy bay, sự xuất hiện những con tàu ma, đảo ma, cùng thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, những nhiễu loạn điện từ và các tài liệu lịch sử về các hiện tượng lạ lùng được ghi nhận khoảng 3000 năm nay. Các nhà khoa học đã giải thích như thế nào về những bí ẩn quanh khu vực này?

Vị trí của Tam giác Rồng
Vị trí của Tam giác Rồng

Truyền thuyết về con rồng hung dữ và những vụ mất tích bí ẩn

Biển Quỷ (tiếng Nhật là Ma No Umi) nằm khoảng giữa bờ biển Nhật Bản, (khu vực cách Tokyo chừng 100km về hướng Nam), bờ biển phía Tây của Philippines và bờ biển phía Tây đảo Guam, lãnh thổ của Hoa Kỳ.

Vùng Biển Quỷ nổi tiếng là một trong 12 “cơn lốc xoáy ghê gớm” nhất trên hành tinh, thuật ngữ được đặt ra bởi nhà sinh vật học Scotland, Ivan T. Sanderson. Ông đã xếp chúng thuộc về những địa điểm bị nhiễu loạn từ trường cao. 12 cơn lốc xoáy này được định vị trong một mô hình quanh Trái đất, ở cùng vĩ độ Bắc và Nam xích đạo, nổi tiếng nhất là Tam giác Bermuda.

Sanderson thừa nhận hiện tượng nhiễu loạn điện từ ở những nơi này gây ra bởi những dòng hải lưu lạnh và nóng có thể ảnh hưởng đến các phương tiện hải hành và được cho là thủ phạm gây ra những vụ mất tích của tàu thuyền, máy bay cùng các hiện tượng bí ẩn khác.

Khu vực thảm họa trên đã được biết đến bởi những người Trung Hoa cổ, với nhiều truyền thuyết xưa có từ khoảng năm 1000 trước Công nguyên. Theo các ghi chép liên quan đến thần thoại, có một con rồng sống ở khu vực biển này nằm chờ đợi những con tàu đi ngang qua. Với sự háu ăn dữ tợn, nó sẽ kéo các phương tiện thủy này xuống biển sâu và không ai thấy dấu vết của chúng nữa.

 

Vào thế kỷ 13, đoàn quân Mông Cổ do Kubali Khan (Hốt Tất Liệt), cháu nội của Genghis Khan, (Thành Cát Tư Hãn) chỉ huy, tiến hành 2 cuộc xâm lược đất nước Nhật Bản vào năm 1274 và 1281. Tuy nhiên, cả hai lần, đoàn chiến thuyền của Mông Cổ khi băng qua vùng Biển Quỷ đều gặp phải thời tiết cực kỳ xấu bị nhận chìm phần lớn, số còn lại phải rút về. Nhờ vậy mà Nhật Bản tránh được hai cuộc chiến tranh với một đế quốc hùng mạnh và hung hãn nhất lúc bấy giờ.

Người Nhật tin rằng các trận cuồng phong đã được những vị thần tạo ra nhấn chìm tàu giặc để bảo vệ sự an toàn cho họ. Ngày nay, các thợ lặn vẫn đang thu thập những tàn tích từ các chiến thuyền Mông Cổ bị đắm trong chuyến vượt qua Biển Quỷ. Tuy nhiên, thi thể của hàng ngàn chiến binh bỏ mạng đã biến mất không còn để lại dấu vết gì.

Tường trình đáng kể nhất về Tam giác Rồng là việc những người đi biển nhìn thấy một phụ nữ bí ẩn đi lại trên boong một con tàu ngang qua khu vực nguy hiểm này vào những năm 1800. Con tàu từ đâu tới và định đi đến đâu, người đàn bà là ai, làm gì đơn độc ở Biển Quỷ đến nay vẫn còn là điều bí ẩn,

Vào những năm 1940 và 1950, có nhiều tàu thuyền đánh cá bị mất tích ở Biển Quỷ, khoảng giữa đảo Miyake và Iwo Jima. Cho đến năm 1952, chính phủ Nhật đã phái một chiếc tàu có tên Kaio Maru số 5 đi tìm kiếm một chiếc tàu mất tích trước đó. Nhưng cuối cùng chiếc tàu lại có kết cục bi thảm ở Tam giác Rồng. Những mảnh vỡ của nó được phát hiện sau đó, còn 31 thành viên của thủy thủ đoàn thì không tìm thấy. Từ vụ mất tích này, chính phủ Nhật cho rằng, vùng Biển Quỷ không an toàn đối với những chuyến hải hành và vận tải hàng hóa.

Năm 1980, con tàu Derbyshire - tàu thủy lớn nhất của hàng hải Anh, thậm chí còn được mệnh danh là “chiếc tàu không thể chìm” vì sở hữu những tính chất ưu việt: Nặng tới 91,655 tấn (lớn gấp 3 lần tàu Titanic huyền thoại), dài 289m và rộng 43,5m, cùng với thủy thủ đoàn gồm 42 thành viên dày dạn kinh nghiệm. Thế nhưng nó đã biến mất vào ngày 9/9/1980 tại khu vực Tam giác Rồng mà không hề phát tín hiệu cấp cứu.

Điều này thật lạ, bởi tàu Derbyshire được trang bị hệ thống báo động điện tử tiên tiến nhất thời bấy giờ. Chỉ có thảm họa thật khủng khiếp ập đến quá nhanh mới ngăn cản được thuyền trưởng và các thuyền viên dày dạn kinh nghiệm ấn nút cầu cứu.

Với những trang bị hệ thống báo động điện tử tiên tiến nhất thời bấy giờ, tàu Derbyshire cùng với kinh nghiệm dày dạn của các thuyền viên thì việc con tàu mất tích là điều hết sức kỳ lạ.

Sáu tuần sau khi tàu Derbyshire mất tích, máy bay trinh sát Nhật Bản phát hiện ra vết dầu loang dài 2km, rộng 1km cách nơi tàu chìm 40km.

Theo thống kê của phòng an ninh hàng hải thuộc Ban an ninh biển Nhật Bản, chỉ trong vòng 9 năm từ 1963 đến 1972, đã có 161 chiếc tàu thuyền lớn nhỏ bị mất tích ở vùng biển này.

Cũng giống như Tam giác quỷ Bermuda, khi tàu thuyền và máy bay vào vùng biển Tam giác Rồng, thường có hiện tượng la bàn bị tê liệt, thông tin liên lạc vô tuyến bị sự cố và mất liên lạc.

Ngoài ra, họ cũng thường gặp phải những cơn sóng lớn, mù biển, gió lốc xoáy và bỗng bị sương mù dày đặc vây lấy.

 

Các lý giải khoa học

Có người cho rằng, bên dưới vùng biển này là cơ sở của người ngoài hành tinh, với những thiết bị tiên tiến đến mức không tưởng khiến cho máy móc của con người bị nhiễu loạn, dẫn đến mất tích, đắm chìm các phương tiện đi ngang qua. Và liệu dưới đáy Tam giác Rồng có ẩn chứa một nền văn minh nào đó?

Các truyền thuyết và những tường trình mang màu sắc bí ẩn có liên quan đến Biển Chết rộ lên vào cuối những năm 1980, sau khi Charles Berlitz xuất bản một quyển sách có nhan đề là Tam giác Rồng. Theo Berlitz, Biển Quỷ cũng nguy hiểm và bí ẩn như Tam giác Bermuda, với trên 700 người mất mạng ở đây vào giữa năm 1952-1954.

Tuy nhiên, năm 1995, Larry Kusche xuất bản quyển sách tên là Bí ẩn tam giác Bermuda đã được giải mã, trong đó phê phán gay gắt nghiên cứu của Berlitz. Theo Kusche, một số tàu đánh cá biến mất bên ngoài Tam giác Rồng và số khác thật sự không có gì bí ẩn, đánh cá biển sâu là một nghề vô cùng nguy hiểm và tàu cá bị chìm không phải là chuyện lạ.

Ông cũng cho biết rằng, các sự kiện được cho là bí ẩn quanh tàu Kaio Maru số 5 có thể dễ dàng giải thích. Đó là con tàu bị tàn phá bởi hoạt động gây ra từ núi lửa dưới đáy biển. Khu vực trong và quanh Biển Chết là một vùng hoạt động của núi lửa… Nơi đây đã từng biến mất các đảo nhỏ đồng thời xuất hiện các đảo mới như là kết quả của hoạt động địa chấn.

Theo Kusche và các nhà điều tra khác, những núi lửa và các sự kiện địa chấn có thể là nguyên nhân của nhiều hiện tượng kỳ lạ xảy ra ở Biển Quỷ bao gồm thời tiết khắc nghiệt, tàu thuyền mất tích, nhìn thấy “đảo ma” và nhiễu loạn điện từ. Những con quái vật thở ra lửa trong truyền thuyết có thể là hình ảnh về sự phun trào của núi lửa từ đáy biển.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khám phá những sự thay đổi môi trường tự nhiên như là nguyên nhân gây ra những hiện tượng bất thường gây tranh cãi ở Tam giác Rồng. Một trong những giải thích này là ở đáy biển khu vực này có sự hiện diện mỏ methane hydrates. Methane clathrates (khí methane hydrates) sẽ “bùng nổ” khi nhiệt độ trong nó tăng đến 18 độ C. Khí Methane hydrates được mô tả như các trầm tích băng từ đáy biển vỡ ra và bốc hơi lên, hình thành những bọt khí trên bề mặt nước.

Sự phun khí này có thể nhấn chìm những con tàu ngang qua và phá hủy mọi thứ mà không để lại dấu vết gì. Người ta cũng lưu ý rằng do vị trí của Tam giác Rồng không được xác định trên bất cứ bản đồ thế giới chính thức nào, kích cỡ và chu vi thay đổi từ tài liệu này đến tài liệu khác.

Tuy nhiên, một số người vẫn khẳng định rằng có nhiều bí ẩn bên trong Tam giác Rồng và những quan niệm mê tín ở địa phương đã ngăn chặn một số nhà khoa học xâm nhập vùng này. Tiếng đồn về nó như là một địa điểm nguy hiểm đầy bí ẩn đã tồn tại hàng ngàn năm và vẫn còn cho đến ngày hôm nay.

Theo Tài Hoa Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ