Khi "đạo diễn" nhí làm Fim

Khi "đạo diễn" nhí làm Fim

Liên hoan phim điện ảnh học đường ( ĐAHĐ) diễn ra tại TP.HCM từ ngày 26 đến 28-8 đã thật sự cuốn hút khán giả bởi những góc nhìn trong trẻo của các “đạo diễn” nhí. Dù chỉ với 36 bộ phim và giải thưởng chỉ mang tính khích lệ, nhưng liên hoan phim lần này vẫn mang đến cho khán giả và ban giám khảo sự hứng khởi bởi những cảm xúc rất thật mà các diễn viên, “đạo diễn” nhí đang khoác áo học trò mang lại.

Không chỉ  đơn thuần là sân chơi 

Đó là đánh giá và nhận xét của TS. Ngô Phương Lan (Trưởng phòng Nghệ thuật - Cục Điện ảnh) tại Liên hoan phim. Bà Lan cho rằng ngoài khả năng cung cấp cho các em kiến thức điện ảnh, bồi dưỡng thẩm mỹ điện ảnh (thông qua việc chiếu phim thường xuyên và trao đổi tại các CLB điện ảnh trong nhà trường), kích thích tính năng động, sáng tạo của trẻ… ĐAHĐ còn góp phần hình thành văn hoá điện ảnh, bao gồm: kiến thức nhất định về điện ảnh, trình độ cảm thụ tác phẩm và một cái nền thẩm mỹ điện ảnh cơ bản. Chính vì thế việc điện ảnh đến với học đường cũng có thể coi như những bước đầu tiên nhen nhóm, góp phần tạo dựng một nền văn hoá điện ảnh cho nước nhà.

Khi "đạo diễn" nhí làm Fim ảnh 1
HS trường tiểu học Minh Đạo làm diễn viên

Một loạt hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm làm phim về chủ đề này trong khuôn khổ dự án ĐAHĐ do Viện phim Thuỵ Điển và Viện phim Việt Nam, Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) hợp tác đã cho thấy rõ điều đó. Cô Cao Thị Ngân, hiệu trưởng trường tiểu học Lê Văn Tám (Hà Nội) chia sẻ tại hội thảo: “ Các em đã rất háo hức, có nhiều ý tưởng sáng tạo, có em còn nói: từ khi được cầm máy quay, tự mình ghi lại được những clip đầu tiên, các em cảm thấy vui sướng vô cùng và thấy cảnh vật xung quanh như đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Từ những buổi xem các em làm phim, quay hình tôi nhận thấy tính giáo dục mà dự án ĐAHĐ mang lại là rất lớn, các em không chỉ gần gũi thân thiện với nhau nhiều hơn mà còn biết chia sẻ, nhìn cuộc sống dưới góc nhìn nhân văn, sâu sắc hơn”.

Hầu hết phim góp mặt tại liên hoan có độ dài chỉ từ 1 phút đến 15 phút (mức tối đa do ban tổ chức quy định), nên ngoài sự giản dị về nội dung, thông điệp gửi đến người xem, các “nhà làm phim” nhí, (dưới sự hướng dẫn của thầy cô) còn phải… vắt óc để kể một câu chuyện bằng hình ảnh một cách “kiệm lời” nhất. Chưa kể, phải tập diễn xuất sao cho khán giả hài lòng. Phim truyện ngắn Chia sẻ của trường tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) là một ví dụ. Sau khi “năn nỉ” cô bán kem ở góc phố gần trường cho mượn bối cảnh để làm phim, cô giáo trẻ Hoàng Yến và học sinh phải chạy đua với thời gian để quay và diễn xuất một câu chuyện không lời do một học sinh trong trường viết. Chuyện kể về hai cô bé nghèo vì không có tiền mua kem nên đành buồn bã đứng nhìn cửa hàng kem. Một cậu bé vào mua cây kem ốc quế, nhìn thấy hai chị em và cậu quyết định đổi cây kem ốc quế của mình thành 3 que kem để mời hai bạn cùng. Rất giản đơn, nhưng vô cùng sâu sắc.

Trao đổi với đại biểu tại liên hoan phim, bà Bitte Eskilson- Giám đốc phụ trách thanh thiếu niên, Viện phim Thuỵ Điển cho biết: Chương trình điện ảnh học đường đã triển khai được 20 năm và hiện có mặt ở 179 trên tổng số 290 địa phương của Thuỵ Điển. Tuy nhiên điện ảnh không phải là môn học trong nhà trường ở Thuỵ Điển. Điện ảnh là công cụ, là phương tiện biểu cảm cho học sinh để trẻ tham gia vào xã hội khi chúng trưởng thành và giúp các em có được những góc nhìn cuộc sống nhân văn hơn. Hiện nay, tham gia dự án ĐAHĐ có tổng cộng 8 trường tiểu học ( 4 trường ở Hà Nội và 4 trường ở TP.HCM) với 36 tác phẩm dự thi tham gia tranh giải ở 3 hạng mục: phim hoạt hình (13 phim), phim tài liệu (10 phim), phim truyện ngắn (13 phim). Có thể nói, Liên hoan phim Điện ảnh học đường lần này đặc biệt theo nhiều cách: nhân vật chính không phải các ngôi sao điện ảnh hay những nhà làm phim chuyên nghiệp, mà là những học trò nhỏ từ 6 đến 10 tuổi. Tiêu chí chấm giải không nặng về những chuẩn mực nghề nghiệp mà ưu tiên những ý tưởng sáng tạo, thể hiện cảm xúc, cái nhìn, sở thích và những điều mà các em quan tâm…Nên ít nhiều gây sự chú ý lớn từ khán giả và giới phê bình. 

Trưởng thành hơn từ chính những cảnh quay

Tại buổi giao lưu giữa các “đoàn làm phim” học trò  tham gia liên hoan phim, mọi con mắt đổ dồn về  phía màn hình nhỏ đang chiếu bộ phim hoạt hình tạo hình bằng đất nặn có tựa Chú vịt con của một nhóm học trò lớp 4 trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP HCM. Phim bắt đầu bằng âm thanh của một cơn mưa lớn. Giữa khu vườn đầy hoa, vịt con vừa đi vừa khóc vì không tìm thấy đường về nhà. Ai cũng bận rộn nên không một ai chịu giúp vịt. Vịt con hối hận vì ham chơi mà đi quá xa, để bị lạc đàn. Chuyện phim chỉ có vậy, gói gọn trong 3 phút 6 giây, quay bằng máy quay video kỹ thuật số nhỏ, nhưng khiến những người lớn theo dõi rất đỗi ngạc nhiên và thích thú khi lần đầu chứng kiến trẻ nhỏ làm phim cho chính trẻ nhỏ xem. Đơn giản và đầy ý nghĩa- đó là đánh giá của không ít khán giả khi ngồi xem. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, tạo nên cái hồn, thành công cho bộ phim chính là ở cái nhìn đầy trong trẻo, giản dị như tâm hồn của chính các em. Kiều Khanh, cô học trò nhỏ phụ trách quay phim kể: “Ban đầu trong phim không có mưa. Nhưng khi chúng em quay phim gần cửa sổ lớp học, ánh sáng rất chập chờn, nên chúng em cho trời mưa nhằm tạo góc quay đẹp hơn, bớt nhòe hình. Không ngờ chính từ việc khắc phục khó khăn ấy lại giúp phim của tụi em hay hơn dưới cảnh quay dưới mưa”. Bộ phim hoàn thành, đã mang lại tiếng vang rất lớn trong khuôn khổ nhà trường, khi tính giáo dục trực tiếp của phim rất cao, giúp nhiều học sinh ý thức hơn trước mỗi hành động của mình, trưởng thành hơn.

Khi "đạo diễn" nhí làm Fim ảnh 2
HS Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm nghe hướng dẫn quay phim.

Là một người trong cuộc, cô Yến Linh ở trường tiểu học Lê Văn Tám (Hà Nội) chia sẻ: “Việc làm phim đã đem lại cho cô trò chúng tôi một trải nghiệm rất thú vị. Tôi nghĩ những bộ phim do chính các em làm có thể trở thành tài liệu dạy học rất sinh động. Nó cũng mang tính giáo dục rất cao”. Kinh nghiệm từ Thuỵ Điển cho thấy, điện ảnh học đường đã góp phần đẩy lùi những ảnh hưởng xấu từ phong trào xem video từng gây đau đầu ở Thuỵ Điển cách đây 20 năm. Nhà phê bình Ngô Phương Lan cũng cho rằng: Khi các em có vốn kiến thức điện ảnh thì ít nhiều sẽ biết chọn phim mà xem, không đắm đuối vào những phim độc hại. Bên cạnh đó, việc thực hành làm phim giúp các em hiểu rõ quy trình làm ra một tác phẩm điện ảnh, từ đó hình thành sức đề kháng, tránh ngộ nhận hay lẫn lộn giữa phim và đời có thể dẫn đến những hành vi đáng tiếc. Đánh giá về tính hữu dụng của dự án ĐAHĐ trong việc giáo dục và phát triển nhân cách nơi các em, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho rằng, việc đưa điện ảnh và các bộ môn nghệ thuật khác vào học đường là bước đi rất quan trọng để chuẩn bị một thế hệ nghệ sĩ điện ảnh đẳng cấp sau này, đồng thời giúp hình thành và phát triển nơi các em những đức tính, phẩm chất tốt nhất của một con người. Đạo diễn Vinh Sơn nói: “Tôi giảng dạy tại nhiều trường điện ảnh và nhận thấy nhiều sinh viên thi đậu mà chẳng hiểu gì về điện ảnh. Việc được tham gia làm phim ngay từ tiểu học sẽ giúp các em hiểu được thế nào xây dựng ý tưởng kịch bản, tổ chức dàn dựng, đạo diễn và dựng phim…Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là giúp các em hiểu hơn về các giá trị sống ”. 

Ông Lê Tiến Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GD&ĐT cho rằng: Điện ảnh là công cụ, phương tiện biểu cảm cho học sinh, giúp các em độc lập sáng tạo, phát triển tư duy, biết ý thức cộng đồng và chung sức tham gia vào xã hội. ĐAHĐ có kết quả tốt, giúp giáo viên, học sinh có thêm các tư liệu giảng dạy, học tập và biến những điều ẩn chứa trong cuộc sống thường ngày thành những phương tiện giáo dục nhân cách hữu hiệu. Đây là lý do, năm 2008, Bộ GD-ĐT đã chính thức đưa chương trình này ứng dụng rộng hơn trong ngành giáo dục bằng cách xây dựng kế hoạch phát triển, hỗ trợ máy quay, phần mềm dựng phim... Viện phim Việt Nam hiện cũng dự kiến xây dựng chương trình phim về khoa học, lịch sử giúp các em tiếp cận sâu và bài bản các kiến thức xã hội; tổ chức chiếu phim về thanh thiếu niên miễn phí, hỗ trợ các CLB điện ảnh ở các trường học xây dựng thư viện phim tạo cơ hội để học sinh tiếp cận điện ảnh với những góc nhìn khác, để các em tự nhìn nhận, đánh giá cuộc sống bằng những điều trong sáng nhất, bất ngờ nhất.

                                                                                                                              Anh Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ