Khi Quốc ca cũng phải im lặng!

GD&TĐ - Quốc ca, Quốc kỳ và Quốc huy là tài sản và diện mạo quốc gia. Chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền, tuyệt đối không một cá nhân hay tổ chức nào có quyền sở hữu dưới mọi hình thức.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Ngoài câu chuyện bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam – Lào vào tối 6/12, thì Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng vì “gậy bản quyền” mới là chuyện lớn – chuyện của quốc thể và niềm tự tôn dân tộc.

Đối với người Việt Nam, Tiến quân ca - Quốc ca được coi như hồn cốt dân tộc, là tác phẩm nằm trong trái tim mỗi người. Khi ca khúc được cất lên trong những trận đấu quốc tế, thì không chỉ khẳng định màu cờ sắc áo, quyết tâm chiến thắng, mà còn thể hiện lòng yêu nước, niềm tự tôn, tự hào dân tộc.

Người ta có thể đổ lỗi cho công ty nọ, đơn vị kia nhận vơ bản quyền Tiến quân ca dẫn tới những hệ lụy khiến cho YouTube phải đánh giá bản quyền hoặc quyền lợi liên quan, để rồi Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng.

Bản thân nhạc sĩ Văn Cao và gia đình đã từ bỏ quyền tác giả với Quốc ca để hiến tặng ca khúc cho Tổ quốc và nhân dân Việt Nam.

Theo Điều 143 Hiến pháp năm 1992 ghi rõ “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến quân ca”. Đó cũng là hình thức công bố với toàn thế giới rằng Quốc ca Việt Nam thuộc quyền sở hữu của nước Việt Nam, của nhân dân Việt Nam.

Hồ Gươm Audio hay bất cứ một đơn vị nào được cấp phép ghi âm, hòa âm phối khí bản Quốc ca – đều tuyệt nhiên không phải được cấp phép ghi âm Quốc ca để làm của riêng, đưa lên YouTube kiếm tiền trục lợi.

YouTube là công ty nước ngoài, có luật chơi riêng nhưng phải tuân thủ luật pháp của mỗi quốc gia. Quốc ca không phải một ca khúc thông thường, để mua đi bán lại như cách mà những kẻ coi thường quốc thể đang cố phá hủy.

Các đơn vị sai phạm có thể dẫn dắt dư luận bằng Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng không thể chối cãi trách nhiệm khi bất chấp luật pháp để nhận vơ bản quyền. Và cần nhắc lại một lần nữa, rằng Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam là sở hữu của Tổ quốc và nhân dân Việt Nam.

Chúng ta hay nói về văn hóa, nhưng văn hóa ở đâu khi Quốc ca cũng phải im lặng!?

Chúng ta nói về việc chấn hưng văn hóa, nhưng chấn hưng thế nào khi quốc thể bị bào mòn, bị chèn ép?

Không chỉ phải xử lý các cá nhân, tổ chức xâm hại quốc thể, xâm phạm tài sản quốc gia, mà còn phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu Quốc ca là tài sản quốc gia, tại sao lại cấp phép cho tổ chức hay cá nhân doanh nghiệp để đến nỗi Quốc ca phải tắt tiếng?

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân – dù là tổ chức nào khiến cho Quốc ca phải im lặng, thì trách nhiệm đầu tiên ở chính cơ quan quản lý Nhà nước. Đơn vị nào được giao quản lý thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân.

Điều đó không cần nghị bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ