Đáng chú ý, cùng với động thái tắt tiếng Quốc ca là lời xin lỗi của kênh phát sóng: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ”. Quốc ca là tài sản chung của đất nước, cá nhân hay tổ chức nhân nào dám ngộ nhận về mình?
Do công ty nước ngoài?
Dư luận trên mạng xã hội tỏ ra giận dữ vì cho rằng Công ty BH Media “đánh gậy bản quyền” trên YouTube với ca khúc “Tiến quân ca” - là nguyên nhân khiến khán giả không được nghe Quốc ca của đất nước mình.
Bản quyền Quốc ca vốn là một câu chuyện dài và đầy nan giải. Cách đây không lâu, BH Media bị VTV lên án vì lý do nắm giữ bản quyền nhiều ca khúc trái phép, trong đó có “Tiến quân ca”.
VTV cho rằng, ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc, nhưng lại bị BH Media xác nhận sở hữu bản quyền trên YouTube. Trong khi đó, phía BH Media lại cho rằng, họ đăng ký bản quyền với bản ghi bài “Tiến quân ca” do Hồ Gươm Audio thực hiện.
Vì lý do này nên việc Quốc ca bị tắt tiếng trong lễ chào cờ tối 6/12 giữa đội tuyển Việt Nam - Lào tại vòng bảng AFF Suzuki Cup khiến khán giả nghĩ ngay tới BH Media.
Ngày 7/12, BH Media có thông cáo báo chí, khẳng định: “Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến BH Media”.
BH Media cho biết, kênh YouTube của FPT không có lỗi, vì FPT chỉ là đơn vị tiếp sóng. Ban tổ chức sân mới chính là người đã chọn bản ghi “Tiến quân ca” của Hãng đĩa Marco Polo. Đây là bản ghi mà hãng đĩa này bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube. Theo luật, bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất.
BH Media cho biết thêm, trong trận đấu Việt Nam – Lào, không hề có bên nào “đánh bản quyền” “Tiến quân ca”, mà chỉ là do đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng phần “Tiến quân ca” để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT mà thôi. Video các trận đấu của các quốc gia khác trên kênh YouTube của Next Media cũng bị họ tắt tiếng để không bị xác nhận bản quyền âm nhạc.
“Hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi “Tiến quân ca”, cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu bất kì ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kĩ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kì ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất.
Sự việc lần này cho thấy nếu ban tổ chức sân sử dụng bản ghi có bản quyền thì các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng trận đấu đã không bị mất tiền oan” - theo thông cáo báo chí của BH Media.
Quốc ca là tài sản quốc gia
Theo YouTube, bản quyền là một hình thức của Luật Sở hữu trí tuệ giúp bảo vệ các tác phẩm nguyên gốc có quyền tác giả. Bản quyền có vai trò quan trọng trong việc xác định ai có thể sử dụng bản nhạc do bạn hoặc người khác sáng tác, đồng thời xác định cách bạn kiếm tiền từ nhạc của mình trên và ngoài YouTube.
Trong ngành âm nhạc, có 2 loại bản quyền chính: Thứ nhất là bản ghi âm - nội dung ghi lại âm thanh thực. Loại bản quyền này có thể do nghệ sĩ biểu diễn và nhà sản xuất âm nhạc hoặc kỹ sư thu âm cùng sở hữu.
Thứ hai là bản sáng tác nhạc - là nội dung bao gồm bản nhạc và lời bài hát, có thể được viết trên giấy hay được ghi lại bằng thiết bị điện tử. Loại bản quyền này có thể thuộc về một hoặc nhiều nghệ sĩ soạn nhạc và nghệ sĩ viết lời.
Bởi vậy, “Tiến quân ca” sẽ có 2 bản quyền: Bản sáng tác nhạc mà gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao tặng lại nhân dân năm 2016. Bên cạnh đó là bản ghi âm: Nếu một cá nhân, tổ chức nào đó làm một bản ghi “Tiến quân ca”, theo Luật Sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức đó là nhà sản xuất, chủ sở hữu của bản ghi này. Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này, đều phải xin phép chủ sở hữu.
Ví dụ bản ghi “Tiến quân ca” do Hồ Gươm Audio bỏ tiền ra sản xuất và Hồ Gươm Audio ủy quyền cho BH Media quản lý, khai thác bản ghi này trên YouTube. Đồng nghĩa khi BH Media đưa bản ghi “Tiến quân ca” của Hồ Gươm Audio lên YouTube nếu có kênh đăng tải video sử dụng bản ghi này sẽ bị YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền.
Nếu các kênh tự sản xuất bản ghi “Tiến quân ca” của riêng mình sẽ không bị YouTube nhận diện bản quyền.
Trao đổi với báo chí, nhạc sĩ Văn Thao (con trai cố nhạc sĩ Văn Cao) cho biết: “Gia đình thực hiện theo nguyện vọng của cha tôi, cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng ca khúc “Tiến quân ca” cho nhân dân, Nhà nước Việt Nam. Như vậy, bản quyền của tác phẩm thuộc về quốc gia chứ không còn thuộc về gia đình. Khi nghe tác phẩm bị “đánh gậy bản quyền”, tôi thấy hết sức vô lý”.
Vô lý là vậy, nhưng khi Quốc ca bị “đánh gậy bản quyền” thì việc xử lý không hề đơn giản. Ca khúc “Tiến quân ca” là Quốc ca của Việt Nam. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.
Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.
Quốc ca không phải là tác phẩm thông thường, đó là tài sản tinh thần của Tổ quốc. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xử lý các đơn vị ngộ nhận bản quyền Quốc ca, lấy lại sự tôn nghiêm vốn đang bị lợi dụng kẽ hở của luật pháp để ràng buộc và trục lợi.