Khi nhà văn đi thi... thơ quốc tế

Hỏi chuyện nhà văn Y Ban vừa từ Pháp trở về, sau khi tham dự cuộc thi tranh Cúp Slam thơ quốc tế.

Y Ban và nhà thơ Nam Phi.
Y Ban và nhà thơ Nam Phi.

Slam thơ là gì?

Slam thơ được nhà thơ người Mỹ Marc Smith sáng tạo vào năm 1986 với mục đích mang thơ tới gần khán giả hơn, khiến thơ trở nên sinh động và lôi cuốn. Thể loại trình diễn thơ này gồm những quy tắc tối giản, cho phép nhà thơ tự do biểu diễn tác phẩm của mình một cách mộc mạc mà cuốn hút nhất.

Có thể nói, Slam là kết quả của cuộc hôn phối giữa nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật thơ. Đề cập đến tất cả các chủ đề, từ rộng lớn như xã hội, đời sống, cho tới gần gũi như gia đình, tình bạn, tình yêu, Slam là một sự chia sẻ bằng thơ, là sự gặp gỡ của ngôn từ và cảm xúc một cách chân thành, tự nhiên.

Slam thơ mang tính quần chúng, sân chơi dành cho tất cả người yêu thơ từ bình dân cho đến trí thức. Theo dòng cảm xúc, người viết Slam thơ và biểu diễn chúng trên sân khấu và để khán giả tự do khám phá vũ trụ thu nhỏ của mình. Thậm chí, khán giả có thể ngồi, đứng, nằm ở lối đi, trên bậc thềm, hò hét, khóc, cười cùng thơ và nhà thơ.

Chúng ta hãy thưởng thức thơ của những nhà thơ khi họ đang còn sống. Hãy tôn vinh họ khi họ đang còn khỏe mạnh, đừng để họ chết già trong thư viện. Thông điệp nhân văn này được đưa ra từ các Slam thơ.

Lần đầu tiên, Slam thơ được tổ chức tại Việt Nam

Cuộc Slam thơ đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào cuối tháng 3/2017. Như mọi cuộc Slam trên thế giới, Ban giám khảo tại Việt Nam cũng do chính khán giả tuyển chọn từ những người tham dự đêm đó. Điểm được công bố ngay trên màn hình suốt cuộc thi. Kết quả cũng được công bố ngay sau đó.

Vẫn nhận là “nhà thơ nghiệp dư”, nhà văn của Bức thư gửi mẹ Âu Cơ,  I am đàn bà, Đàn bà xấu thì không có quà, Trò chơi hủy diệt cảm xúc... bung nở trong hạnh phúc trở thành Quán quân Cúp Slam thơ đầu tiên tại Việt Nam. Với việc được Đại sứ quán Pháp tài trợ cho toàn bộ chuyến đi sang Pháp dự thi Cúp Slam thơ quốc tế tại Paris, chị có một niềm vui kép, bởi sẽ được gặp con gái lớn là một kiến trúc sư đang làm việc tại Pháp, sau nhiều tháng ngày xa cách.

Không chỉ là cuộc thi, Slam thơ lần đầu tiên hiện diện tại Việt Nam còn có cả một triển lãm Mê cung thơ trong hơn nửa tháng, tại L’Espace, Hà Nội. Đó là những sắp đặt video khung cảnh nước Pháp trên các tấm voan trắng. Người thưởng lãm vừa chu du qua các khung cảnh, vừa nghe những áng thơ nổi tiếng lẫn bài thơ mới qua điện thoại cầm tay được quét mã vạch.

Khách chơi thơ cũng có thể mang về những bài thơ yêu thích (văn bản được ban tổ chức đính sẵn), để tiếp tục “nhìn thơ” và được “đi chơi” với thơ như cách nói của nhà thơ Pháp Pilote le Hot - người dẫn chương trình cuộc thi Slam thơ.

Quang cảnh cuộc thi Slam thơ quốc tế 2017 tại Paris.

Slam thơ quốc tế, cuộc thi đầy kịch tính

Trong cuộc thi thơ lớn Slam lần thứ 11 (21-29/5/2017) tại Paris có 25 nhà thơ đến từ các quốc gia, đủ các màu da. Họ đều là những quán quân cuộc thi Slam thơ tại nước mình, được Chính phủ hoặc các tổ chức uy tín đài thọ toàn bộ chuyến đi.

Đông nhất, như truyền thống vẫn là các nhà thơ từ châu Âu. Y Ban là người già nhì trong số các thí sinh, nhất là nhà thơ Phần Lan, sinh năm 1952. Còn đa số các nhà thơ thuộc hệ 9X, trẻ nhất là nhà thơ 18 tuổi từ Quebec.

25 nhà thơ được chia thành 4 bảng. Trước đó, theo quy định mỗi người đã gửi cho Ban tổ chức 6 bài thơ. Tại mỗi vòng thi Slam thơ, mỗi thí sinh sẽ đọc 3 bài thơ, cứ 6 người lên đọc 1 bài, xong lại quay vòng 2, vòng 3;  mỗi bài không quá 3 phút. 5 giám khảo được chọn ngẫu nhiên từ những khán giả, chấm điểm trực tiếp. Điểm lập tức hiện lên màn hình.

Để tránh thiên vị, kết quả chỉ được lấy của 3 vị giám khảo có điểm sát nhau nhất. Cách chấm điểm ngay tại trận như vậy khiến cuộc thi trở nên vô cùng kịch tính và khiến khán giả cũng vô cùng hào hứng. Các vòng loại khán giả đông cỡ hơn 500 người - có cả những người ngồi xe lăn, cứ nhân lên với số tiền là 5 euro/ 1 vé. Mỗi tối có 2 bảng thi, hết một bảng nếu muốn xem tiếp, xin mời trả thêm 5 euro nữa.

Tham gia Slam buộc mình phải sáng tạo trên nền thơ. Có thể là đọc rap, hát, sử dụng ngôn ngữ hình thể. Chả hạn bài Thơ viết lúc rửa bát của tôi vẻn vẹn có 6 câu, muốn trình bày trong 3 phút tôi phải thêm nhạc vào. Tôi đến với cuộc thi này do những tình cờ ngẫu hứng, bởi vậy không “nhăm nhăm giành giải”, tâm trạng thoải mái, nhẹ nhõm. Tuy nhiên, khi mình là một thành phần của cuộc chơi quốc tế được tổ chức chuyên nghiệp và tràn ngập không khí thơ, bỗng cảm thấy cũng cần... chiến lược để có thể đi xa hơn. Chả hạn, khi tôi đã được lọt vào vòng thứ hai, vốn liếng đã tung hết rồi thì với Khúc hát ru trên sông Trà Khúc, tôi đổi giọng liên tục. Khán giả vỗ tay ầm ầm, khi ra về nhiều người nắm tay, khen giọng tôi hay. Hình như trước kia chưa có ai khen tôi như vậy (cười).

Với Y Ban, 0,1 là con số định mệnh. Tại cuộc thi Slam thơ ở Việt Nam, chị giành Cúp với điểm sát nút, hơn người về nhì - nhà thơ Đàm Khánh Phương đúng 0,1 điểm. Còn cuộc Slam quốc tế ở Pháp, chị cũng thua sát nút 0,1 điểm nhà thơ Canada để có thể lọt vào chung khảo. Tuy nhiên chị tự hào vì đã gây dấu ấn tại cuộc thi này và được nhiều khán giả bày tỏ sự mến mộ sau mỗi vòng thi. Họ nói chị gây ấn tượng mạnh.

Người viết bài này thì nghĩ điều đó hoàn toàn dễ hiểu, một khi chị ấy là Y Ban, một cá tính không thể trộn lẫn, nhiều người thích và cũng không ít người... ngài ngại. Thậm chí nhà thơ Canada thắng sát nút, cũng ra ôm lấy Y Ban mà bảo: Mày xứng đáng hơn. Cũng có thể vì gây ấn tượng mạnh nên Y Ban là một trong hai nhà thơ được mời đến Đài Phát thanh Nova nổi tiếng ở Paris để phỏng vấn. Nhà thơ nghiệp dư Y Ban được họ cho biết, chị là người Việt Nam thứ hai được mời đến đây phỏng vấn trong lịch sử lâu đời của cơ quan truyền thông này.

Thơ Slam là thơ của ngày hôm nay, khi mà thế giới chúng ta đang sống có rất nhiều những biến động. Tất cả đều có thể thành thơ hết. Ăn chay. Trẻ nhỏ. Đồng tính... Thậm chí chỉ là một lát cắt vặt vãnh trong cuộc sống, như một nhà thơ Pháp viết về tâm sự của một chàng trai, khi thấy một cô gái đánh lông nheo với mình, ngỡ là cô ấy có cảm tình với mình, hóa ra là cô ấy đang nhìn theo một... con chó nhỏ.

Hoặc nhà thơ Scotland viết thơ về chuyện ăn chay. Nhà thơ Nam Phi viết về bài thơ gửi mẹ, kể chuyện con trai bị người tình của mẹ hiếp trên chính chiếc giường của mẹ, đốt thuốc lá vào những chỗ hõm trên thân thể của chàng trai trẻ...

Dẫn chương trình Cúp Slam thơ quốc tế 2017 cũng chính là người đã đích thân sang Việt Nam để tổ chức và kiêm luôn MC cuộc thi Slam thơ hồi tháng 3 -  Pilote le Hot - Quán quân cuộc thi danh tiếng Ottawa Canadian Spoken Wordlympics. Pilote mê Việt Nam. Anh đã đến Việt Nam nhiều lần.

Trong quán cà phê của anh, gần nơi tổ chức cuộc thi có treo ảnh Bác Hồ. Anh cũng chính là Giám đốc công ty tổ chức cuộc thi Slam thơ quốc tế. Sự kiện lớn nhưng được tổ chức hoàn toàn từ nguồn tiền của các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ. Những người tổ chức phải làm hết mọi việc, làm hết mình. Những nhà thơ cũng hết mình như thế.

Thơ ca ra đời từ những nỗi buồn

Việt Nam là đất nước thi ca. Thế nhưng các nhà thơ chỉ có thể công bố tác phẩm của mình chủ yếu trên báo hoặc in thành các tập thơ. Mang tâm trạng hào hứng từ một cuộc thi thơ quốc tế trở về và cũng hiểu những nhà tổ chức hy vọng mình sẽ như một đốm lửa để nhen thêm lên ngọn lửa thi ca ở đất nước mình, Y Ban cũng mong muốn các nhà thơ có thêm diễn đàn nào đó để cất lên tiếng nói, tiếng lòng mình. Chị tự biết mình là nhà tổ chức kém nhưng nếu có người đồng hành, chị rất sẵn lòng làm một điều gì đó tốt lành cho thơ. Dĩ nhiên, đó chỉ là những cú hích nhè nhẹ bởi thơ là câu chuyện của cá nhân, càng đầu tư càng không gặt hái, bởi vì nó như sao băng vụt lóe trên bầu trời. Y Ban nói thế và chị khe khẽ đọc bài thơ mà chị yêu nhất, một bài thơ từ nỗi buồn mà ra:

Sao, chia năm để thành cũ mới.

Sao, chia tháng để tháng mất tháng còn.

Sao, chia giờ để biệt ly vời vợi.

Sao, chia giây để hy vọng mong manh.

Sao, không như mặt trời kia

vẫn tỏa nắng không phải vì trái tim con người đang múa hát

Và bóng đêm bao trùm đâu phải vì nước mắt rơi.

Chỉ đơn giản một vòng quay lặp lại muôn đời.

Và Sao không như cỏ kia

cúi rạp xuống đất để chết từng bầy

Rồi sống lại miên man khi luân hồi đến

Quyển lịch mới ta ơi xin đừng xé

Để hết năm ngày cũ vẫn đong đầy. (Sao)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.