Khi nhà trường lắng nghe sinh viên

GD&TĐ - Hiệu trưởng đối thoại với sinh viên, sinh viên đánh giá, nhận xét giảng viên là hoạt động mà các cơ sở giáo dục đại học ở Cần Thơ đã, đang thực hiện. Điều này không chỉ phát huy dân chủ, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường.

Khi nhà trường lắng nghe sinh viên

Lắng nghe sinh viên

Phạm Thị Huyền Trân, sinh viên ngành Triết học K41, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Hằng năm, trường đều tổ chức buổi Hiệu trưởng tiếp xúc sinh viên, giúp chúng tôi bày tỏ chính kiến một cách cởi mở, giải tỏa được băn khoăn về việc học tập, điều kiện sinh hoạt ở trường”.

Là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên và là thành viên trong Đội An ninh xung kích ở Ký túc xá Trường ĐH Cần Thơ, Huyền Trân nắm khá rõ điều kiện sinh hoạt học tập, ăn ở của sinh viên nội trú. Theo Trân, một số góp ý của sinh viên đúng, trường đã hứa sẽ khắc phục. Những ý kiến chưa sát thực tế, trường cũng giải thích để các bạn rõ hơn.

Định kỳ hằng năm, Trường ĐH Cần Thơ đều tổ chức buổi Hiệu trưởng tiếp xúc sinh viên. Lần tổ chức gần nhất vào tháng 10/2017, với khoảng 1.000 sinh viên đại diện cho hơn 35.000 sinh viên của trường tham dự.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ, qua những ý kiến của sinh viên, giúp trường có hướng chỉ đạo hiệu quả các công tác về quản lý, học tập, nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế… góp phần vào sự phát triển chung của trường. Hoạt động này không chỉ có ở ĐH Cần Thơ mà có cả ở các trường: ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ…

Suốt 5 năm qua, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đã tổ chức buổi Họp mặt Hiệu trưởng với HSSV. Ngoài ra, trường còn tổ chức, phân công viên chức phòng Thanh tra - Pháp chế tiếp cán bộ, giảng viên và học sinh sinh viên. Vào sáng thứ Ba, Hiệu trưởng trường đều trực để lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của cá nhân, tập thể, đoàn thể.

Từ đó, có biện pháp giải quyết đúng theo chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước, theo nội quy, quy chế, điều lệ nhà trường và phù hợp với thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền thì đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Thạc sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ: “Phát huy dân chủ trong trường học là một phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo”.

Tìm tiếng nói chung

Không chỉ lắng nghe ý kiến người học, các cơ sở giáo dục đại học ở TP Cần Thơ đã, đang đẩy mạnh hoạt động sinh viên đánh giá giảng viên. Đây là một trong những nội dung kiểm định chất lượng mà Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường đại học thực hiện từ năm 2008. Hơn 10 năm trước, Trường ĐH Cần Thơ đã thực hiện việc cho sinh viên đánh giá giảng viên khá hiệu quả, thông qua phiếu đánh giá; sau này qua hệ thống website của trường.

Ở các nền giáo dục tiên tiến, việc trò đánh giá thầy là bình thường. Nhưng với các trường ở Việt Nam, vẫn còn ý kiến lo ngại cho rằng, chỉ là hình thức; hay trò đánh giá thầy làm mất tôn nghiêm hình ảnh người thầy, gây khó cho việc giảng dạy. Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Đoàn Trường ĐH Cần Thơ, giảng dạy môn Kỹ năng mềm, cho rằng: “Tôi ủng hộ việc trò đánh giá thầy và không cảm thấy bị áp lực gì khi các em đánh giá, nhận xét về giờ dạy của mình. Dạy xong, tôi phát phiếu đánh giá cho sinh viên; từ đó điều chỉnh cách dạy sao cho phù hợp”.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, những trường hợp giảng viên được sinh viên góp ý không tốt, trường sẽ chấn chỉnh. Đối với giảng viên thỉnh giảng, trường báo cáo đơn vị liên kết đào tạo. Những góp ý của sinh viên đối với giảng viên chỉ lãnh đạo trường biết, đảm bảo truyền thống tôn sư trọng đạo. Bốn năm qua, trường đều duy trì hoạt động này, đã khai thác phần mềm quản lý, yêu cầu sinh viên trả lời một số câu hỏi trên hệ thống mạng về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Sinh viên muốn xem kết quả học tập cuối khóa phải hoàn thành bảng nhận xét.

Tiến sĩ Dương Thái Công - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Ngoài phản hồi từ sinh viên, trường giao Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng theo dõi quá trình dạy và học của giảng viên, sinh viên. Mỗi lớp bố trí một cố vấn học tập có trách nhiệm quản lý, ghi nhận ý kiến phản ánh cụ thể, chính xác để có thể đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho sinh viên, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Chưa thể đánh giá hết hiệu quả từ việc trò đánh giá về thầy, hoặc trò đối thoại, góp ý trực tiếp với lãnh đạo nhà trường; bởi vì vẫn còn ý kiến trái chiều. Nhưng có thể khẳng định, mỗi bước đi mà các trường đang thực hiện đã mở rộng tính dân chủ trong trường học - nền tảng góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ