Tuy nhiên, giáo dục thường xuyên theo quy định của Luật Giáo dục vẫn còn chưa thực sự đầy đủ và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay của đất nước và thế giới. Tại Hội thảo Góp ý bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định trong Dự thảo sửa đổi về giáo dục thường xuyên (GDTX).
Cần quy định hoạt động của GDTX trong các cơ sở GD
Ông Lê Nam Thanh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tỉnh Hoà Bình cho biết: “Chúng tôi nhất trí cao với Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật GD, đặc biệt là vấn đề tăng lương cho GV, nâng chuẩn GV tiểu học, miễn học phí cho học sinh THCS. Đối với Hòa Bình, chúng tôi đang phổ cập THCS mức độ 2, tuy nhiên chúng tôi băn khoăn về TTGDTX cấp huyện”.
Ông Thanh cho biết, bản thân ông công tác ở Sở GD&ĐT Hòa Bình 15 năm, trực tiếp quản lý công tác này, gắn bó với những trung tâm này từ khi mới thành lập. Khi Thông tư 39 ra đời, việc sáp nhập các TTGDTX cấp huyện thành TTGD hướng nghiệp - dạy nghề, thực tế cho thấy TTGDTX trước đây phát huy rất tốt vai trò chức năng của GDTX.
Lần này điều chỉnh GDTX ở điều khoản 1 khoản 2 Điều 46 rất phù hợp với nội dung và phương pháp, đáp ứng được nhu cầu học đa dạng mọi lúc, mọi nơi, đáp ứng nhu câu học tập suốt đời. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 46, nên duy trì TTGDTX cấp huyện để phát huy tốt hơn nữa vai trò này. Đồng thời khi triển khai cần giao lại cho Sở GD&ĐT quản lý về chuyên môn.
Đồng quan điểm này, ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, tại Điều 46, trong thực tế chúng ta đang thực hiện luật nghề nghiệp, đặc biệt vừa qua chúng ta đang triển khai Thông tư 39 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ,TB&XH, có việc sáp nhập và thành lập TTGD nghề nghiệp và GDTX, nhưng lần này chúng ta thấy chưa đưa vào Dự thảo Luật để sửa đổi. Theo tôi, cần quy định hoạt động của GDTX trong các cơ sở giáo dục này như thế nào cho phù hợp với thực tiễn.
Đồng tình với dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật GD, ông Vũ Đức Lợi, Giám đốc TTGDTX tỉnh Bắc Ninh băn khoăn về sửa đổi khoản 1 Điều 46 là cơ sở giáo dục thường xuyên không còn là TTGDTX cấp huyện.
Ông Lợi đề xuất, để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân và phù hợp với xu hướng hội nhập thì chúng ta nên để TTGDTX cấp huyện tạo nên hệ thống xã hội học tập cấp huyện cao hơn cấp xã. Như vậy sẽ tạo thành hệ thống, tạo nên sự logic trong việc xây dựng xã hội học tập.
Hoàn thiện hệ thống, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời
Đồng thuận và nhất trí cao với Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD với nhiều nội dung khá đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, ông Trần Quang Luận, Trưởng phòng Tổ chức Sở GD&ĐT Lào Cai cũng băn khoăn cơ sở GDTX cấp huyện hiện nay không được đưa vào Luật GD.
Vấn đề đặt ra là hiện nay, vị trí, vai trò của TTGDTX cấp huyện cũng không hề thay đổi, có vai trò quan trọng trong hệ thống GDTX. Nếu không có cơ sở GDTX cấp huyện thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thực tế, khi các cơ sở GDTX cấp huyện sáp nhập với cơ sở dạy nghề thành TTGD nghề nghiệp - GDTX thì tên cơ sở giáo dục này không còn nữa nhưng chức năng và nhiệm vụ giáo dục thường xuyên vẫn tồn tại. Chúng ta nên xem xét cơ sở GDTX cấp huyện được ghép với các cơ sở GD khác thì đảm bảo được chức năng nhiệm vụ của TTGDTX cấp huyện, nếu không chúng ta đánh mất hoàn toàn chức năng của TTGDTX cấp huyện.
Trong quá trình tổ chức quản lý của TTGDTX, hướng nghiệp, dạy nghề hiện nay phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý. Trong thực tế, UBND cấp huyện làm nhiệm vụ quản lý các trung tâm này hết sức khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng nên trả TTGDTX về cho Sở GD&ĐT quản lý chứ không nên để Sở LĐ-TB&XH quản lý cho đúng với chức năng quản lý Nhà nước.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phan Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng GDTX Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc góp ý, cần sửa đổi bổ sung vào Khoản 1 Điều 46, “cơ sở GDTX bao gồm: TTGDTX tổ chức tại cấp tỉnh; trung tâm giáo dục nghề nghiệp tổ chức tại cấp huyện do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập”; cần bổ sung phần C: “Các cơ sở GDTX gồm các trung tâm kỹ năng sống, trung tâm ngoại ngữ tin học, tư vấn du học, ngoài giờ chính khóa…”.
Thực tế ở Vĩnh Phúc, các trung tâm ngoài giờ chính khóa phát triển rất mạnh, có 130 đơn vị được cấp phép các hoạt động ngoài giờ. Ông Tuấn cũng đề nghị nên giữ TTGDTX cấp huyện và cần sửa đổi nội dung điểm a, Khoản 1, Điều 46: “TTGDTX tổ chức tại cấp tỉnh; trung tâm giáo dục nghề nghiệp tổ chức tại cấp huyện do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập”.