Khi nhà trường chủ động tìm người học

GD&TĐ - Trong khuôn khổ của Kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018 đang diễn ra tại Hà Nội, hoạt động trải nghiệm cho học sinh THPT là một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại tại Hội đồng thi số 4 - Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội. 

Khi nhà trường chủ động tìm người học

Mục tiêu của buổi trải nghiệm đã được định hình rõ ràng là định hướng nghề nghiệp và giúp học sinh phổ thông có cơ hội tiếp cận công nghệ mới trong đào tạo nghề. Đây được xem là một hoạt động hiệu quả nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông trong tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp được định hướng từ nhiều năm nay.

Hướng tới sự lựa chọn học nghề

Thầy giáo Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội cho biết: Đối với trường cao đẳng nghề nói chung và Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội nói riêng, tuyển sinh luôn là một công tác trọng tâm. Chương trình trải nghiệm chính là một hoạt động hỗ trợ hiệu quả cho công tác tuyển sinh, làm thay đổi nhận thức về học nghề của các em học sinh. Thông qua hoạt động này, các em học sinh sẽ có được góc nhìn cụ thể và sinh động về giáo dục nghề nghiệp, ấn tượng tốt đẹp về học nghề, qua đó hướng tới sự lựa chọn học nghề.

Tham dự chương trình, các em học sinh đã được cán bộ, giáo viên Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội, giới thiệu cụ thể về các ngành nghề mà nhà trường đang đào tạo, được trực tiếp thực hành những thao tác kỹ thuật của mỗi nghề... Cũng trong buổi trải nghiệm này, các chuyên gia tư vấn đã chia sẻ, giải đáp những câu hỏi thắc mắc về hướng nghiệp, qua đó góp phần giúp các em học sinh định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp trong tương lai.

Thầy Trần Thanh Bình, Trưởng khoa Trung cấp cho biết: Trong hoạt động trải nghiệm, các em học sinh đã được tham quan một số xưởng công nghệ cao của trường như robot hàn, robot công nghiệp, sửa chữa điện thoại di động... Các em rất hứng thú quan sát và trải nghiệm các nghề mà nhà trường đang đào tạo. Phần thực hành thi nghề công nghề ô tô của kỳ thi tay nghề quốc gia cũng gây được ấn tượng mạnh cho nhiều em học sinh. Trong phần tư vấn, số đông các em quan tâm đến nội dung của các nghề, tìm hiểu nơi làm việc, thu nhập của nghề, học phí, việc làm sau đào tạo... Những vấn đề này cũng đã được các chuyên gia của nhà trường tư vấn cụ thể cho các em”.

Cảm nhận giá trị nghề nghiệp

Nguyễn Ngọc Thụ, học sinh lớp 12A Trường THPT Lê Thánh Tông chia sẻ: “Buổi trải nghiệm đã giúp cho em có thêm những kiến thức thực tế về các ngành nghề, qua đây em có thể quyết định lựa chọn được nghề nghiệp mà mình mong muốn trong tương lai. Theo quan sát, môi trường học tập tại trường rộng rãi và sạch sẽ, ngăn nắp. Khi đến đây, em đã hiểu rõ hơn về sự vận hành của các loại máy móc cơ khí, máy hàn, cơ chế hoạt động của động cơ ô tô... Em thấy các ngành sửa chữa ô tô, cơ khí đang là các ngành thu hút nhân lực. Các nghề này rất phù hợp với các bạn học sinh nam và em cảm giác hiệu quả đối với bản thân, đây rất có thể sẽ là sự lựa chọn nghề nghiệp của em”.

Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh là một nội dung trong công tác hướng nghiệp của trường THPT. Chuẩn bị cho chương trình này, trước đó thầy cô giáo các trường đã tìm hiểu nguyện vọng của các em học sinh, có xu hướng muốn đi vào học các nghề mà Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đang đào tạo.

Thầy Đào Đình Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Dân lập Lý Thánh Tông cho biết: Các em học sinh của trường rất hào hứng với chương trình này, tuy nhiên do điều kiện có hạn, nên nhà trường chỉ có thể đưa được hơn 30 em tham dự. Thông qua hoạt động này, các em đã có được một cái nhìn thực tế tất cả quá trình đào tạo nghề, các trang thiết bị đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của các ngành nghề.

Đặc biệt, các em được tận mắt nhìn thấy những diễn biến sinh động của cuộc thi tay nghề quốc gia năm 2018, tận mắt nhìn thấy các thí sinh nghề công nghệ ô tô đang thực hành bài thi. Đây là một cơ hội giúp cho các em cảm nhận được giá trị nghề nghiệp. Khi trở về, tôi tin rằng, các em sẽ có những định hướng học nghề rõ ràng và phù hợp hơn.

“Xu hướng học nghề hiện đã có những chuyển biến tích cực hơn. Thực tế, nhiều sinh viên đại học ra trường cũng rất khó tìm việc làm, rồi lại phải quay ra học nghề. Chính vì thế trong những năm gần đây, nhà trường đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, qua đó, các em học sinh đã quan tâm và tìm hiểu nhiều hơn về giáo dục nghề nghiệp” - thầy Đào Đình Thăng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.