Có nhiều phụ huynh đang rất băn khoăn lo lắng cho con em mình. Tuy nhiên, học trung cấp nghề ngay sau lớp 9 đang trở thành sự lựa chọn tốt, thay vì mất 3 năm học THPT, các em đã có tay nghề để tham gia vào thị trường lao động từ năm 18 tuổi.
82% học sinh có việc làm sau tốt nghiệp
Theo báo cáo của Trường CĐN Công nghiệp Thanh Hóa, năm 2017 nhà trường đã tuyển sinh đạt 101% so với chỉ tiêu kế hoạch được giao, với tổng số tuyển sinh là trên 1.700 học sinh, sinh viên, trong đó hệ trung cấp nghề là trên 1.000 học sinh. Đáng chú ý, trong số này có gần 240 em tốt nghiệp THCS đã tham gia học nghề. Tỷ lệ học sinh trung cấp có việc làm đúng nghề bình quân đạt gần 95%, các ngành nghề nhà trường đào tạo gồm: Công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí... Mức thu nhập khởi điểm của học sinh sinh, viên khi ra trường đạt từ 4,5 – 8 triệu đồng/tháng.
Báo cáo cho thấy, công tác tuyển sinh và giải quyết việc làm cho số đông học sinh trung cấp nghề của nhà trường đã được giải quyết tốt, điều này cũng đồng thời khẳng định, các em học sinh hoàn toàn có thể vững tin vào hướng nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp bậc học THCS.
Được biết, năm 2017, đã có khá nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt được kết quả khả quan như Trường CĐN Công nghiệp Thanh Hóa. Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Năm 2017, tỷ lệ học sinh trình độ trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 82%. Những trường có uy tín về chất lượng đào tạo thì tỷ lệ này là 100%. Mức lương khởi điểm của học sinh tốt nghiệp trung cấp là 4,6 triệu đồng/tháng. Một số ngành nghề có mức lương khá cao từ 7 – 10 triệu đồng/tháng như: Điều khiển phương tiện đường thủy nội địa, vận hành cầu trục...
Như vậy có thể thấy đối với các em học sinh sau tốt nghiệp THCS, việc chuyển sang học nghề đang là một hướng đi khá vững chắc. Giải pháp này đồng thời giải quyết được những băn khoăn lo lắng của các bậc phụ huynh, trong khi đó các em học sinh cũng tự lựa chọn được hướng nghề nghiệp theo sở thích và khả năng của mình.
Học nghề sớm được ưu tiên
Lộ trình học tập của học sinh sau tốt nghiệp THCS hiện nay có hai hướng cơ bản: Thứ nhất là học THPT hoặc bổ túc văn hóa, đây là hướng thường được ưu tiên lựa chọn hơn; Hướng thứ hai là học nghề, với hướng lựa chọn này các em học sinh sẽ có việc làm ổn định sớm hơn so với các bạn cùng lứa tuổi, các em cũng vẫn có thể học tiếp lên trình độ cao hơn nếu có nguyện vọng. Tuy nhiên, hướng lựa chọn học nghề sau THCS vẫn rất ít được phụ huynh và học sinh quan tâm. Phần lớn cho rằng, đây chỉ là lựa chọn khi không đỗ vào THPT.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng, đây là suy nghĩ chưa đúng. Ở các nước phát triển như Đức, Nhật..., theo học nghề sớm là lựa chọn được nhiều ưu tiên và cho phép đào tạo ra nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước. Ở nước ta, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã có những giải pháp để phân luồng người học bằng chính sách hấp dẫn người học như: Miễn học phí 100% cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp; miễn học phí trình độ trung cấp, cao đẳng cho các đối tượng chính sách xã hội, học theo chế độ cử tuyển, người học học các nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu, nghề đặc thù... cùng các chính sách khác cho các đối tượng cụ thể.
Học trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS đã được quy định trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Học nghề để trở thành kỹ thuật viên, lao động có tay nghề, có thu nhập tốt và ổn định. Người theo học nghề thường có việc làm ngay khi tốt nghiệp và được phép học tiếp lên cao đẳng, đại học nếu có nhu cầu.