Học nghề - rộng mở con đường lập nghiệp

GD&TĐ - Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng đào tạo của giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong thời gian qua đã được nâng lên đáng kể. Với những ưu thế riêng có của đào tạo nghề, người lựa chọn học nghề hoàn toàn có thể nhanh chóng tạo dựng sự nghiệp tương lai của mình.

Học nghề - rộng mở con đường lập nghiệp

Chương trình và chính sách hấp dẫn

Theo Tổng cục GDNN, kỹ năng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên; lao động qua đào tạo tại các cơ sở GDNN đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện như các lĩnh vực viễn thông, dầu khí, cầu đường...

Hiện nay, tại các trường chất lượng cao đang triển khai nhiều chương trình đào tạo được chuyển giao từ các nước phát triển như Úc, Đức, Pháp, Hàn Quốc… với cơ sở vật chất, thiết bị đầy đủ, hiện đại; người học được học bằng tiếng Anh, tốt nghiệp được cấp bằng quốc tế để có thể tham gia vào các thị trường lao động ngoài nước với thu nhập cao.

Những ưu thế của GDNN như: Chính sách học tập hấp dẫn, đó là các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập, chính sách tôn vinh, sử dụng...; GDNN có sự đa dạng, phong phú nhất về các ngành nghề đào tạo, trong hệ thống giáo dục quốc dân, với khoảng hơn 800 ngành, nghề trình độ trung cấp, hơn 500 ngành, nghề trình độ cao đẳng ở 90 nhóm ngành, nghề đào tạo, bao phủ mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, chưa kể đến hàng nghìn các nghề trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo ngắn hạn khác.

Thời gian học nghề ngắn, người học nghề có thể nhanh chóng tìm kiếm được việc làm ổn định hoặc tự lập nghiệp. Học sơ cấp chỉ từ 3 tháng đến dưới 1 năm; học trình độ trung cấp chỉ từ 1 đến 2 năm, học cao đẳng là từ 2 đến 3 năm tùy theo ngành nghề đào tạo. Chương trình đào tạo thực hành chiếm từ 70 - 75% thời lượng và gắn với doanh nghiệp, do đó người học sẽ nhanh chóng nắm bắt được những kỹ năng sản xuất thực tế.

Cơ hội lập nghiệp

Tăng cường gắn kết với thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội, Tổng cục GDNN đã ký kết các chương trình phối hợp, hợp tác với nhiều tổ chức đại diện doanh nghiệp, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức GIZ (Đức), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Vingroup… tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN trong đào tạo, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau đào tạo.

Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục GDNN, năm 2017 tỷ lệ học sinh, sinh viên CĐ, TC nghề có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 80%. Những trường có uy tín về chất lượng đào tạo, có quan hệ tốt với doanh nghiệp thì tỷ lệ này là 100%. Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên sau khi tốt nghiệp CĐ đạt 5,2 triệu đồng/tháng, học sinh tốt nghiệp TC đạt 4,6 triệu đồng/tháng. Một số ngành có mức lương cao như: Điều khiển phương tiện thủy nội địa (7 triệu đồng); Vận hành cần, cẩu trục (6 - 8 triệu đồng/tháng).

Với kỹ năng nghề cao, nhiều học sinh, sinh viên không chỉ dễ dàng tìm được việc làm, mà còn có thu nhập cao. Nhiều nghề, mức lương khởi điểm của sinh viên sau tốt nghiệp là 10 đến 15 triệu đồng, thậm chí ở một số nghề, mức thu nhập còn rất cao. Ngoài việc làm trong nước, xu thế xuất khẩu lao động có chuyên môn, kỹ thuật càng tạo nhiều cơ hội việc làm ở nước ngoài cho các bạn trẻ.

Chất lượng đào tạo của GDNN ngày càng được nâng lên, thể hiện thông qua việc Việt Nam 3 lần đạt giải Nhất toàn đoàn trong tổng số 8 lần tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN; HSSV Việt Nam đã giành được nhiều huy chương, chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề khu vực ASEAN và thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ