Khi nam giới… dư thừa

GD&TĐ - Tạo hóa gần như đã có sự sắp đặt để con người phải tuân thủ theo quy luật tự nhiên mà tồn tại và phát triển. Gia đình này sinh hai con gái, ắt sẽ có một gia đình khác sinh hai con trai.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh” được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và Đại sứ quán Na Uy tổ chức hôm mùng 7/3 tại Hà Nội đã nêu con số đáng giật mình: Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 1,5 triệu nam giới từ 15 - 49 tuổi và đến năm 2059, con số này sẽ là 2,5 triệu. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 ở châu Á về mất cân bằng giới tính.

Sẽ có người cho rằng, thời gian dự báo còn đến hàng chục năm nữa, lo gì chuyện thừa đàn ông; chuyện dịch Covid-19, chuyện giá xăng tăng liên tục, giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng, mới là điều đáng quan tâm.

Quả là chuyện “thừa đàn ông” hãy còn khá xa để phải lo tính toán, song không thể bàng quan trước một dự báo sẽ ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của một quốc gia như thế. Không phải ngẫu nhiên mà nạn buôn bán phụ nữ vẫn liên tục xảy ra hàng chục năm nay ở Việt Nam mà địa chỉ cuối cùng để những người phụ nữ ấy đến không đâu khác ngoài Trung Quốc.

Chính sách “một con” của Trung Quốc kéo dài hàng chục năm nay cộng với quan niệm lỗi thời về chuyện nối dõi tông đường, trọng nam khinh nữ đã dẫn đến hệ lụy dư thừa đàn ông ở quốc gia đông nhất thế giới này.

Không có “nửa còn lại” của mình, nhiều người đàn ông Trung Quốc buộc phải tìm đường cứu nguy mà chuyện “mua” phụ nữ Việt Nam về làm vợ, thậm chí làm nô lệ tình dục như từng được báo chí nêu lâu nay.

Tình trạng mất cân bằng giới tính kéo dài mà không được kiểm soát sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường về mặt xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đó là cảnh báo không phải là không có cơ sở.

Tạo hóa gần như đã có sự sắp đặt để con người phải tuân thủ theo quy luật tự nhiên mà tồn tại và phát triển. Gia đình này sinh hai con gái, ắt sẽ có một gia đình khác sinh hai con trai.

Nhưng tâm lý phải có con trai để nối dõi, ít ra là để khỏi bị chê là… yếu đã ăn sâu vào tiềm thức của một số người. “Khát” con trai bằng mọi giá đã từng xảy ra ở những gia đình người Việt Nam chứ không cứ gì ở nước láng giềng. Nhiều cặp vợ chồng, nhất là vùng nông thôn đã buộc phải ly tán vì sinh con một bề mà lại toàn con gái này.

Có một thực tế là, không ít gia đình tỏ ra hài lòng, thậm chí “tự hào” khi sinh được nhiều con trai. Tuy nhiên, khi cha mẹ đau ốm cần sự chăm sóc của con cái thì thường chỉ thấy con gái chăm cha mẹ còn nhiều đấng nam nhi thì chỉ biết “khóc như mưa” khi cha mẹ qua đời và tỏ ra hiếu để mỗi khi “chém gió” trên mạng xã hội mà thôi. Đó là chưa kể, số người vi phạm pháp luật đa số là đàn ông chứ phụ nữ chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Con cái ngoan ngoãn, sống tử tế với mọi người và lành sạch trước cuộc đời, ấy mới là điều mà mỗi gia đình cần có chứ không nên chỉ chăm chăm vào việc sinh con trai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.