Khi mẹ 'đi làm ăn xa'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hôm 18/7, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Văn Viên (30 tuổi) ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) - người đã nhẫn tâm ném đứa con gái 5 tuổi của mình xuống sông Trường Giang cách đây 5 tháng.

Mức án tử hình dành cho bị cáo này cũng không xoa dịu được cơn phẫn nộ của người dân thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, nơi đã xảy ra vụ việc.

Nguyên nhân được bị cáo khai là do gọi điện thoại cho mẹ cháu bé, tức vợ Viên, mà cô ấy nghe giữa chừng rồi tắt máy! Vợ Viên “đi làm ăn xa” tận miền Nam cách đây ít lâu.

Hôm 16/7, Bệnh viện Nhi tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận cháu bé gần hai năm tuổi trong tình trạng nguy kịch: Nôn mửa, cả người tím tái, suy kiệt hô hấp… Công an đã vào cuộc xác minh thì biết rằng, mẹ cháu bé là Cao Thị T., 20 tuổi, quê ở Đắk Lắk vào Đà Lạt sinh sống hồi đầu năm 2022.

Được một thời gian ngắn, cô T. gửi con mình cho một giáo viên dạy mẫu giáo với giá công chăm nuôi mỗi tháng 7 triệu đồng. Gửi con xong, cô T. có điều kiện để đi làm việc tận Cần Thơ. Bà Đ., người nhận chăm nuôi cháu bé đã giữ đúng cam kết, hằng ngày đưa cháu đến trường, tối về tắm rửa cho cháu và cho ăn uống tử tế.

Nhưng gần đây, bà Đ. sửa nhà nên thuê lại hai người phụ nữ tên Vương Ngọc Thảo Vy (28 tuổi) và Huỳnh Thị Thanh Hằng (27 tuổi - em chồng Vy) chăm cháu với giá … 2 triệu đồng/tháng. Hơn một tháng qua, cháu bé chưa đầy hai năm tuổi ấy đã sống trong nỗi khiếp sợ qua những trận đòn bất kể ngày đêm của hai người đàn bà này. Kết quả cuối cùng là cháu phải nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh.

Hai đứa bé, hai số phận và hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung một cái kết cay đắng: Hoặc bị người lớn ngược đãi, hoặc bị giết hại do chính người đẻ ra mình. Mẹ hai cháu đã không được chứng kiến bi kịch mà con mình đã trải qua vì bận “đi làm ăn xa”.

Bây giờ, chỉ cần gõ từ khóa “trẻ em bị bạo hành”, lập tức bạn sẽ nhận được vô cùng nhiều các trường hợp tương tự như hai cháu bé ở Quảng Nam và Đắk Lắk trên đây.

Thậm chí có trường hợp cả bố lẫn “mẹ kế” thay phiên nhau hành hạ đứa trẻ cho đến chết như vụ tòa xét xử mới đây tại TPHCM. Họ xem việc đánh đập, hành hạ trẻ em như một cách để thỏa mãn thú tính trong người mình hoặc là để “trả thù” bố hoặc mẹ cháu vì sự phản bội của người kia.

Mẹ “đi làm ăn xa”, thoạt nghe có vẻ rất chính đáng. Ở quê không có việc gì làm thì đành tha phương cầu thực thôi. Nhưng vì miếng ăn mà giao con cho lũ quỷ đội lốt người ấy, liệu có nên không? Bây giờ, những người mẹ “đi làm ăn xa” ấy có thể kiếm tiền muôn bạc vạn, song làm sao có thể tìm được đứa con do mình dứt ruột đẻ ra?

“Cần có những bản án thật nghiêm khắc dành cho những kẻ bạo hành trẻ em!”. Có lẽ đó là ý nguyện chung của tất cả những ai biết yêu thương con trẻ trên đời này. Nhưng bản án cũng chỉ là cách xử lý hậu quả mà thôi.

Điều mà xã hội cần nhất để bảo vệ trẻ em là tìm các biện pháp ngăn chặn hiệu quả nhất. Đi đâu cũng gặp khẩu hiệu tràn ngập tình yêu thương con trẻ nhưng bạo hành thì chúng vẫn nấp phía sau những khẩu hiệu đẹp đẽ ấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.