(GD&TĐ) - Nửa thế kỷ trước, ngày 1/5/1960, bộ đội tên lửa Liên Xô đã hạ gục chiếc máy bay do thám đầu tiên U-2 của Mỹ trên dãy Ural, bắt sống phi công Mỹ Francis Gary Powers. Chiến công này góp phần bảo vệ bí mật tuyệt đối chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Moscow.
Phi công Shelton Powers và mô hình U-2 |
Đòn duy nhất thu thập thông tin của NATO
Trong không khí cuộc “chiến tranh lạnh” ngày một lên cao, vào ngày 5/3/1946 Thủ tướng Anh Winston Churchill đã có một bài phát biểu nổi tiếng và được xem là một trong những điểm chiến lược của NATO trong cuộc Chiến tranh lạnh.
Trong đó, Churchill cho rằng: Để chiến thắng Moscow, Mỹ và phương Tây phải biết tỏ tường những gì đang xảy ra trong “bức màn sắt” (Thuật ngữ của Churchill ám chỉ lãnh thổ Liên Xô nằm dưới “Chính quyền Xô viết”). Để làm việc này, tốt nhất là sử dụng máy bay do thám trên không. “Ai chiến thắng độ cao trên không, người đó sẽ thống trị thế giới”- Churchill khẳng định.
Vào thời điểm đó, không quân Mỹ đã có một lợi thế vô cùng lớn, bởi các thế hệ máy bay ném bom chiến lược và máy bay trinh sát bay ở độ cao mà không có một loại vũ khí nào cho dù là máy bay hiện đại hay hệ thống phòng không tối tân của Liên Xô với tới được. Và NATO đã sử dụng triệt để ưu điểm này như là biện pháp duy nhất, khả thi nhất và hiệu quả nhất để thu thập thông tin về quân đội và nền công nghiệp quốc phòng Liên Xô từ trên không.
Trên thực tế vào thập niên 50 và 60 không phận của Liên Xô được ví như là “chợ trời”, nơi các phi công Mỹ cảm thấy tự do bay lượn và “ngắm” lãnh thổ Liên Xô như “xem lòng bàn tay”, ví dụ những bức ảnh thám không có thể cho phép CIA đọc được các con số ghi trên máy bay chiến đấu của Liên Xô. Thậm chí máy bay gián điệp thế hệ mới của Mỹ còn hoạt động ngay trên bầu trới thành phố dầu lửa Baku.
Hệ thống tên lửa chống máy bay S-75 có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 43 km với tốc độ lên đến 2.300 km / h |
Sự xuất hiện của "Nữ chúa rồng đen"
Ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, Moscow đã huy động nhân tài vật lực nhằm sở hữu một cách nhanh nhất vũ khí nguyên tử nhằm “cân bằng cán cân quân sự” với Mỹ trong cuộc chiến “Đông - Tây”. Để thu thập thông tin về chương trình này, Mỹ không có con đường nào hiệu quả hơn là sử dụng biện pháp trinh sát hàng không.
Ngày 10/7/1956, Tổng thống Mỹ Dwight David Eisenhower phê duyệt chiến dịch mang mật danh “Order 10-10” nhằm sử dụng thế hệ máy bay chiến lược mới U-2 để xâm nhập sâu vào không phận phần châu Âu của Liên Xô ở độ cao 20 km với thời gian lưu không tại đó từ 2 tới 4 giờ.
U-2 được bắt đầu nghiên cứu và chế tạo bởi công ty “Lockheed” vào năm 1954, theo đơn đặt hàng của CIA và theo lệnh của Tổng thống Eisenhower. U-2 là máy bay phản lực siêu âm. Ở độ cao 18.300m bay với tốc độ 855 km/h, bay với tốc độ trung bình 740 km/h ở độ cao hơn 20 km.
Ở độ cao này, máy bay trinh sát vũ trang tiên tiến nào mà thế giới đang sở hữu chỉ có thể bay dưới nó mà thôi. Với động cơ phản lực J-57-P-7 có sức đẩy 4763 kg và sải cánh dài tới 24,38m khi chiều dài máy bay chỉ là 15,11 m loại máy bay này có thể ví là “tàu lượn” trong tầng đối lưu.
Ngoài 2.970 lít nhiên liệu chính, U-2 còn chở hai thùng nhiên liệu phụ ở dưới cánh (mỗi thùng chứa 395 lít) nên nó có thể thực hiện một hành trình lên tới 6435 km. Do toàn thân của U-2 được phủ một màu đen nên nó được mệnh danh “Nữ chúa rồng đen”.
Tháng 8/1956, Tony Vejer đã trở thành phi công thử nghiệm trên chiếc U-2 nguyên mẫu đầu tiên. Thành công vang dội của chuyến bay này đã khiến chính phủ Mỹ quyết định sản xuất hàng loạt. Chỉ một năm sau, Mỹ đã có 25 chiếc U-2 loạt đầu và chúng được phân chia cho lực lượng Không quân Mỹ, CIA và NASA.
Máy bay hiện đại nhất của Liên Xô thời đó- Миг-19 |
Xâm nhập "chợ trời"
CIA chiêu mộ các phi công tương lai cho U-2 từ phi công xuất sắc từng lái máy bay chiến trong Không quân Hoa Kỳ và ưu tiên đặc biệt cho những “kỵ binh” đã bay trên máy bay chiến đấu F-84g “Thunderjet”. Họ được NASA huấn luyện và cấp chứng chỉ để trở thành “gián điệp bay”. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo đặc biệt, họ trở thành nhân lực của chiến dịch mang mật danh “Order 10-10” và được trả lương 2.500 USD một tháng.
Máy bay do thám U-2 của “Order 10-10” trên văn bản công khai là phi đội do thám thời tiết WRS- (P) 2 và do NASA quản lý, nhưng trên thực tế, U-2 chịu sự quản lý của Bộ Quốc phòng Mỹ, CIA và NASA.
Chuyến do thám đầu tiên do U-2 thực hiện có mật danh “Nhiệm vụ 2003” thực hiện bởi phi công Carl Overstreet được tổ chức ngày 20 tháng 6 năm 1956. Trong lần này, U-2 đã bay trên lãnh thổ của Đông Đức, Ba Lan và Tiệp Khắc nhiều giờ để thăm dò hệ thống phòng không của các nước trên và nó đã chứng minh đây là loại máy bay do thám bất khả xâm phạm.
Thành công này đã khích lệ CIA thực hiện “Nhiệm vụ 2013” vào ngày 4/7/1956. Lần này, U-2 “nhởn nhơ” trên bầu trời từ Minsk tới Leningrad, còn lực lượng phòng không Liên Xô chỉ có thể “nuốt hận” và “bó tay, ngồi nhìn”. Mỹ đã tiến hành rất thành công không dưới 20 lần thâm nhập vào không phận Liên Xô để có những thông tin vô giá khiến cho an ninh quốc gia của Liên Xô như “nằm dưới lưỡi gươm treo trên sợi tóc”.
Thế trận bố trí C-75 theo phương trình toán học "Xác suất chính” |
Không thể để ai cười mũi!
Nikititch Khrushchev - nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô vào thời đó - đã đau đớn thốt lên rằng, “Tôi biết người Mỹ đang cười vào mũi chúng ta".
Khrushche dành mọi ưu tiên để phát triển lực lượng phòng không như là nhiệm vụ then chốt của nền quốc phòng Liên Xô. Để tiêu diệt ngay cả những máy bay do thám thế hệ mới nhất của Mỹ, Khrushche yêu cầu các nhà khoa học phải cải tiến liên tục hệ thống tên lửa đất đối không và càng sớm càng tốt tái vũ trang các loại máy bay mới.
Khrushchev thậm chí hứa phi công hạ gục được một máy bay U-2 sẽ được thăng cấp và trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Ngoài ra, về mặt vật chất, Đảng sẽ chấp nhận “bất cứ điều gì anh ta muốn”.
Có được lời hứa về Ngôi sao vàng Anh hùng và phần thưởng vật chất từ Tổng Bí thư Đảng, rất nhiều phi công cảm tử đã cố gắng đưa máy tiêm kích của mình lên gần sát tầm cao mà U-2 đang bay nhằm tiếp cận và tiêu diệt nó, song tất cả mọi cố gắng đều thất bại.
Nguyên nhân? Lực bất tòng tâm vì kỹ thuật hàng không của Liên Xô còn thua Mỹ nhiều bước. Vào thời điểm này, tuy Liên Xô đã có những máy bay hiện đại như MiG-17P, MiG-19…có thể không chiến ở độ cao 17.500 mét, nhưng vẩn không bắn hạ được đối phương vì U-2 còn bay cao hơn máy bay MiG lên đến 3-4 km. Vì vậy tất cả hy vọng hạ gục U-2 chỉ còn trông chờ vào hệ thống tên lửa chống máy bay mới C-75.
Ngày 20/11/1953, Hội đồng Bộ trưởng của Liên Xô đã thông qua một nghị quyết đặc biệt về việc tạo ra các hệ thống tên lửa phòng không chưa từng có trong lịch sử quân sự thế giới - “Hệ thống 75”( C-75).
C-75 là một tổ hợp tên lửa gồm 6 bệ phóng với trung tâm radar có nhiều kênh nhằm phát hiện mục tiêu, dẫn đường cho tên lửa phá hủy mục tiêu từ bất kỳ hướng nào và ở bất kỳ góc độ nào. Sử dụng một mô hình toán học dựa trên các dữ liệu về các mục tiêu do radar thu thập, các chuyên gia ngay lập tức lập trình một mạng tọa độ để các tên lửa thuộc nhóm trung gian và trung tâm sau khi phóng lên sẽ phát nổ và tạo ra một ma trận khiến mục tiêu một khi đã lọt vào “lưới tọa độ tính toán” chỉ còn việc “bốc cháy”.
Để có được “Hệ thống 75”, Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã huy động toàn bộ các Viện nghiên cứu, các nhà máy thuộc tất cả các bộ vào cuộc để bắt đầu phát triển một hệ thống radar 6-cm với mục đích lựa chọn các mục tiêu di động (MTI) cũng như phát triển các loại tên lửa dẫn OKB-2 có 2 tầng dùng nhiên liệu rắn và lỏng…
Xác chiếc U-2 tại triển lãm ở Moscow |
Tưởng chừng vô vọng
Sự xuất hiện của hệ thống C 75 và máy bay chiến đấu đánh chặn đã khiến cho nhiều chuyên gia của CIA đề nghị chấm dứt việc dùng U-2 để do thám Liên Xô, nhưng Washington hết sức khẩn trương yêu cầu có thông tin về một trung tâm nghiên cứu hạt nhân ở Plesetsk và một nhà máy làm giàu uranium gần Sverdlovsk (Yekaterinburg) nên CIA không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho máy bay do thám U- 2 lên đường.
Ngày 27/4/1960, theo lệnh của Washington, đại tá Shelton Powers và một nhóm khá lớn các kỹ thuật viên bay đến sân bay quân sự Peshawar của Mỹ tại Pakistan.
Shelton Powers cho U-2 thâm nhập qua biên giới Liên Xô vào 5h36 (giờ Moscow) từ hướng Đông Nam của thành phố Kirovabad thuộc Tajikistan và ngay lập tức bị hệ thống radar phòng không giám sát chặt chẽ. Tại trung tâm chỉ huy có mặt đầy đủ các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao, dẫn đầu là Nguyên soái Liên Xô Sergei Semenovich Turquoise - Tư lệnh Bộ đội Phòng không.
Nhưng trong suốt thời gian 3 tiếng sau khi U 2 xuất hiện trên màn radar, mọi cố gắng để đánh chặn U-2 đã kết thúc trong thất bại. Bay theo lộ trình đó, U-2 không bị máy bay Liên Xô tấn công vì không có khả năng đạt được độ cao để không chiến hoặc tại không phận U-2 đi qua không có hệ thống tên lửa chống máy bay trên mặt đất. Điều này đã khiến Tổng Bí thư Khrushchev giận đến tím mặt.
Ông hét lên trong điện thoại: “Thật là nhục nhã! Các anh yêu cầu Đảng và Nhà nước cung cấp vũ khí hiện đại. Nay trong tay các anh có hệ thống phòng không độc nhất vô nhị trên thế giới với các tên lửa C-75 có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 43 km và bay với tốc độ lên đến 2.300 km/h thế mà vẩn không hạ được U-2, về mà đuổi gà cho vợ đi”.
Nghe Khrushchev của trách, Nguyên soái Turquoise xấu hổ vô cùng và ông khát khao: Nếu tôi có thể biến thành quả tên lửa sống thì tôi đã lao ngay vào U-2 rồi.
Chiến thắng và cái giá phải trả
Khi Shelton Powers cho U-2 tiếp cận khu vực Sverdlovsk gần sân bay Koltsovo để chụp ảnh nhà máy hóa chất “Mayak”- nơi đang thực hiện việc làm giàu uranium, plutonium và là địa điểm mà theo CIA Liên Xô chưa kịp bố trí hệ thống tên lửa hiện đại - thì vô tình gặp một máy bay tiêm kích đánh chặn Su-9 do trung úy Igor Mentyukov điều khiển.
Tuy không được giao nhiệm vụ chiến đấu, không có quần áo bay phù hợp với áp lực và nhất là không được trang bị vũ khí, Mentyukov đã đưa máy bay lên độ cao với hy vọng đâm thẳng vào U-2. Nỗ lực này bất thành và sau này chiếc Su-9 trên bị tên lửa của mình phá hủy.
Tuy nhiên ngay sau đó chiếc U-2 của Shelton Powers đã bất ngờ bị hạ gục bởi 3 quả tên lửa nổ cùng một lúc tại không phận mà CIA cam kết là “tuyệt đối an toàn” vào 8h55.
CIA đã không ngờ rằng, Quân chủng Phòng không ngay trong sáng 1/5 đã điều động Tiểu đoàn 2 của đoàn S-75 để bảo vệ nhà máy hóa chất “Mayak”. Do thời gian quá gấp gáp nên phiên chế của Tiểu đoàn 2 không đầy đủ. Khi U-2 xuất hiện trên bầu trời Sverdlovsk, Bộ tư lệnh Phòng không đã ra lệnh cho 2 máy bay tiêm kích MIG 19 lên khóa đầu và chặn đuôi U-2. Và ra lệnh cho Tiểu đoàn 2 bằng bất cứ giá nào củng phải bắn tan xác máy bay do thám này.
Khi sỹ quan chỉ huy Tiểu đoàn 2 đang trù trừ chưa dám nhấn nút phóng tên lửa vì sợ sẽ xóa sổ luôn 2 chiếc MIG 19 và 1 Su 9, thì Thiếu tướng Ivan Solodovnikov giật lấy micro từ sỹ quan chỉ huy và ra lệnh ngay lập tức phóng hết số tên lửa đang nằm trên bệ phóng. Kết quả: U-2 bị hạ gục, phi công bị bắt sống. Chiến thắng này cũng phải trả một cái giá quá đắt - một chiếc Su và 1 chiếc MIG bị “dính” tên lửa của nhà.
Ngay sau khi xác chiếc U-2 được đưa đi triển lãm và phi công Shelton Powers bị kết án 10 năm tù, Tổng thống mới của Mỹ, John Fitzgerald Kennedy, đã ra lệnh chấm dứt chiến dịch dùng máy bay do thám Liên bang Xô viết và giao nhiệm vụ này cho NASA với việc sử dụng các vệ tinh quang học.
Phương án hạ gục U-2 bằng C-75 đã trở thành giáo án trong các học viện quân sự của Liên Xô. Sau này, C-75 đã có mặt rất sớm tại chiến trường Việt Nam khi Mỹ dùng B-52 rải thảm trên chiến trường. Qua từng trận đánh tại đây, Liên Xô cải tiến C-75 thành các thế hệ СА-75М, С-75Д, С-75М “Волхов”, С-75 “Волга”…cũng như hệ thống radar chống nhiễu. |
Nguyễn Thành Lộc
( Theo”Quân sử Xô Viết”)