Những người tử tế khi nghe đến vụ gian lận điểm này đều bức xúc - dĩ nhiên. Bức xúc vì chính người trong ngành Giáo dục, Công an đã tiếp tay và chỉ đạo cho việc nâng điểm khiến cơ hội vào đại học của nhiều thí sinh khác bị “cướp cạn” một cách trắng trợn. Thế nhưng, điều ngạc nhiên là nhiều vị lãnh đạo ở các địa phương có liên quan đến vụ việc cũng… bức xúc. Danh sách tỏ ra bức xúc này có cả những cán bộ như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La hay ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang… Chức vụ càng to thì “bức xúc” càng mạnh hơn.
Ông Vinh bức xúc những gì? Trước hết, là vì ngay sau khi kỳ thi kết thúc, các cơ quan, đơn vị chức năng ở Hà Giang đều báo cáo với ông về một kì thi “nghiêm túc, an toàn, đúng tinh thần chỉ đạo”. Vậy mà giờ sao bung bét thế? “Bức xúc” được nâng lên mức cao hơn, khi trong số thí sinh ăn gian điểm kia có cả con gái ông! “Con tôi học giỏi, lại học trường chuyên hẳn hoi, thuộc tốp đầu của lớp thì không việc gì phải nâng điểm cả”! Lập luận này ngay lập tức bị vạch trần khi bộ phận phúc khảo chỉ ra rằng, thí sinh M - con gái ông Triệu Tài Vinh được nâng những 5 điểm ở môn Toán và ngoại ngữ.
Cú này như một đòn chí mạng giáng vào thanh danh, ông bèn phản pháo: “Không thể tin được! Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng điểm 2 môn thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”. Ông Vinh lại sử dụng chiếc mũ quen thuộc để chụp lên đầu những ai mà ông cho rằng đã cố tình bôi bẩn thanh danh những vị lãnh đạo như ông, bất luận việc nâng điểm cho con ông là có thật.
Chưa hết “bức xúc”, trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trước các câu hỏi của đại biểu Quốc hội và báo giới chung quanh việc xử lý những người có liên quan đến vụ gian lận điểm đang được phanh phui, ông Vinh một lần nữa trở thành tâm điểm của bao lời đàm tiếu khi đưa ra lý do: “Kỷ luật cán bộ dân bầu là rất khó!”. Bức xúc lần này đã chuyển từ những vị lãnh đạo trót dính tai tiếng như ông Vinh sang người dân. Với lập luận như trên, ta có thể hiểu rằng, một khi đã “đưa lên” được rồi thì rất khó để “hạ xuống”.
Có thể lấy ông Vinh ra làm ví dụ. Bao nhiêu vụ lùm xùm từ việc đưa toàn người nhà vào các vị trí lãnh đạo các cấp trong tỉnh đến chuyện con gái “bị” nâng điểm trong kỳ thi năm 2018 nhưng ông không những không xin lỗi trước nhân dân mà hết đổ vấy cho thuộc cấp sang đổ lỗi cho cơ chế.
Ngày nào báo chí cũng nói đến vụ gian lận điểm và không ngần ngại nêu tên những vị lãnh đạo có liên quan thì quả là “quá bức xúc”! Nhưng trên cả bức xúc, đó là lòng tự trọng của những người được xem như “phụ mẫu chi dân”. Nếu còn một chút liêm sỉ, những người trót nhúng chàm trong vụ gian lận ấy nên xin lỗi trước dân và từ chức. Nên làm điều đó trước khi pháp luật sờ gáy các vị. Đừng nghĩ đã “lên” thì không thể “xuống” được!