Khi hoạt động thể chất trở thành một phần của bài học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trường học được coi là nơi đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thể chất của trẻ. Phần lớn trẻ em và thanh thiếu niên dành hầu hết thời gian trong ngày ở trường.

Trẻ được khuyến nghị dành 60 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất.
Trẻ được khuyến nghị dành 60 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất.

Vì vậy, điều cần thiết là học sinh phải được tạo cơ hội để hoạt động thể chất, với khuyến nghị là 60 phút/ngày. 

Chú trọng hoạt động thể chất

Những năm ngồi trên ghế nhà trường là khoảng thời gian trẻ được học về các kỹ năng, kiến thức và hành vi. Từ đó, hình thành thói quen suốt đời ở người học. Hoạt động thể chất không chỉ có lợi cho sức khỏe và góp phần vào sự phát triển thể chất, tinh thần và cảm xúc của trẻ, mà còn mang lại lợi ích xã hội và học tập.

Thời gian hoạt động thể chất trong trường học có thể tăng, nhờ một số phương pháp khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là giáo dục thể chất. Đây là một phần của chương trình giảng dạy tại trường học ở tất cả các quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, số giờ giáo dục thể chất được cung cấp và chất lượng là khác nhau giữa các quốc gia.

Để cung cấp chất lượng tốt, giáo dục thể chất thường xuyên và thúc đẩy hoạt động thể chất an toàn cho tất cả thanh thiếu niên trong trường học, giáo viên phải được đào tạo đầy đủ. Trong đó, bao gồm việc thúc đẩy các hoạt động thể chất nâng cao sức khỏe, ngoài các môn thể thao truyền thống. Các hoạt động đa dạng, bao trùm hơn nên được cung cấp. Trong khi đó, các môn thể thao đối kháng thường không phù hợp với tất cả trẻ.

Giáo dục thể chất ở trường học góp phần vào mức độ hoạt động của thanh thiếu niên. Tuy nhiên, môn học này thường chỉ được cung cấp vài lần mỗi tuần. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu khuyến cáo, trẻ nên có thêm các cơ hội để hoạt động thể chất trước, trong và sau ngày học.

Những cơ hội như vậy bao gồm giải lao trong và giữa các bài học ở trường, cũng như các chương trình sau giờ học. Đi lại cũng là một cách quan trọng khác để tăng cường hoạt động thể chất, đặc biệt là đi bộ và đạp xe.

Tất cả các quốc gia thành viên châu Âu đều cung cấp lớp giáo dục thể chất trong trường học. Hầu hết các nước này đều đưa giáo dục thể chất vào chương trình học 2 giờ/tuần. Trong nhiều trường hợp, số giờ học phụ thuộc vào chính sách của trường hoặc địa phương. 20 quốc gia báo cáo rằng, số giờ giáo dục thể chất là bắt buộc ở các trường tiểu học.

Trong khi đó, 21 quốc gia báo cáo tương tự đối với các trường trung học. Việc giám sát chất lượng giáo dục thể chất được thực hiện theo nhiều cách khác nhau ở các quốc gia thành viên, bao gồm: Thanh tra trường học, sàng lọc, đánh giá chất lượng, nghiên cứu định tính và định lượng với sinh viên, giáo viên.

Các hoạt động sau giờ học là chương trình phổ biến nhất. Cụ thể, có 19 nước thành viên cung cấp chương trình này ở cấp quốc gia. Ngoài ra, 14 quốc gia đã có các chương trình về đi lại tích cực đến trường. Trong khi đó, có 11 quốc gia đưa ra các chương trình giải lao tích cực trong giờ học ở trường.

Ngoài ra, 12 quốc gia (43%) báo cáo rằng, hoạt động thể chất trong lĩnh vực giáo dục đã được theo dõi hoặc khảo sát. 18 quốc gia (75%) báo cáo, kinh phí đã được phân bổ đặc biệt cho hoạt động thể chất nâng cao sức khỏe; 26 quốc gia (93%) có ít nhất một chính sách hoặc kế hoạch hành động để thúc đẩy hoạt động thể chất trong ngành giáo dục.

Dưới đây là cách một số quốc gia châu Âu nâng cao sức khoẻ thể chất của người học:

Anh: Đi bộ đến trường

Các học sinh tại Anh đi bộ tới trường.
Các học sinh tại Anh đi bộ tới trường.

“Đi bộ đến trường” được thiết lập vào năm 1997 bởi tổ chức từ thiện Living Streets. Chương trình trên toàn nước Anh này khuyến khích học sinh đi bộ đến trường, nhằm tăng cường hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, cách làm này cũng giúp giảm ô nhiễm không khí và lượng khí thải carbon, thông qua giảm ùn tắc giao thông.

Chương trình cũng sử dụng các tác động có lợi của hoạt động thể chất để tăng khả năng học tập và tập trung của trẻ. Năm 2017, một triệu trẻ em tại 4.000 trường học đã tham gia “WOW”. Đây là một thử thách đi bộ quanh năm đến trường, như một phần của “Đi bộ đến trường”.

Một thách thức tương tự đối với học sinh trung học là chương trình “Giải phóng đôi chân của bạn”. Qua đó, nhằm thúc đẩy học sinh đi bộ hoặc ít nhất một phần của con đường đến trường trong một tuần.

Theo giám sát từ Quỹ Giao thông Bền vững của chương trình “Đi bộ đến trường”, có thêm 23% trẻ em đi bộ đến trường sau khi tham gia chương trình được 1 năm. Trong khi đó, số lượng ô tô ở cổng trường giảm 30%.

Thụy Điển: Nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường ngoài trời đối với vui chơi, học tập và sức khỏe trẻ em

Các trường học Thụy Điển được khuyến khích cung cấp cho tất cả học sinh hoạt động thể chất trong suốt ngày học. Ngoài ra, học sinh nên phát triển năng lực vận động toàn diện và thích hoạt động thể chất, cũng như dành thời gian ngoài trời. Môi trường tại trường học được coi là quan trọng đối với vui chơi, học tập và sức khỏe của trẻ em. Thụy Điển quy định, các trường phải có một không gian mở đủ rộng cho người học.

Ủy ban Nhà ở, Xây dựng và Quy hoạch Quốc gia đã đưa ra khuyến nghị chung về các quy định, hướng dẫn. Qua đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian mở đối với vui chơi, học tập và sức khỏe của trẻ. Kể từ khi khuyến nghị được đưa ra, đã có sự gia tăng trong các hướng dẫn địa phương nhằm cung cấp đủ không gian ngoài trời cho các trường học.

Trong năm 2016 - 2018, các cơ sở giáo dục có thể xin tài trợ của nhà nước để cải thiện và phát triển môi trường ngoài trời. Từ đó, tăng cường hoạt động thể chất trong nhà trường.

Ba Lan: Câu lạc bộ thể thao trường học

Chương trình “Câu lạc bộ thể thao học đường” (Szkolny klub sportowy) được cung cấp cho trường tiểu học và trung học, nhằm thúc đẩy hoạt động thể chất. Chương trình này đặc biệt chú trọng tới trẻ em và thanh thiếu niên có thể chất kém, cũng như ít hoạt động. Chương trình cung cấp hoạt động thể chất tùy chọn, dưới sự giám sát của giáo viên.

Đồng thời, tài trợ cho các trường học để trả lương cho giáo viên thể dục tổ chức môn thể thao ngoại khóa. Những môn thể thao này được tiến hành một cách có hệ thống dưới nhiều hình thức hiện đại, hấp dẫn. Các lớp học được tổ chức hai lần một tuần, trong mỗi phiên 60 phút, với sự tham gia của tối thiểu 15 học sinh.

Năm 2017, có 26.344 học sinh tham gia vào các hoạt động của chương trình này. Chương trình được dẫn dắt bởi 14.542 giáo viên, với 639.321 giờ học được tổ chức ở tất cả các khu vực của Ba Lan, cũng như tất cả trường học ở mọi cấp.

Đức: Khuyến nghị quốc gia và thúc đẩy hoạt động thể chất

Các khuyến nghị được đưa ra trong bối cảnh kế hoạch hành động quốc gia mang tên “In form”. Đây là sáng kiến quốc gia nhằm thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất.

Từ năm 2008, “In form” đã trở thành cơ sở quan trọng cho các hoạt động khác nhau, nhằm phát triển bền vững, cải thiện chế độ ăn uống và hoạt động thể chất của mọi người. Các khuyến nghị quốc gia đã được giới thiệu vào năm 2014 bởi một nhóm công tác liên ngành tại Bộ Y tế Liên bang về khuyến khích hoạt động thể chất trong cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, được thực hiện bằng nguồn tài trợ của dự án từ Bộ.

Khuyến nghị về hoạt động thể chất dành cho các bên liên quan và tổ chức chuyên nghiệp. Trong đó, bao gồm tất cả chuyên gia và tổ chức trong lĩnh vực thể thao (ví dụ: Câu lạc bộ thể thao), giáo dục (ví dụ: Cơ sở chăm sóc trẻ em và trường học), sức khỏe hệ thống (ví dụ: Các công ty bảo hiểm y tế), chính quyền địa phương (ví dụ: Trong phát triển đô thị và không gian), chính trị (ví dụ: Chính sách y tế hoặc giáo dục) và các lĩnh vực xã hội có liên quan khác ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc xây dựng, thực hiện biện pháp. Từ đó, thúc đẩy hoạt động thể chất hoặc tăng cường sức khỏe.

Khuyến nghị được coi là một hướng dẫn khoa học cho các bên liên quan trong công việc hằng ngày của họ, cũng như phát triển chiến lược cho những hoạt động tương lai để thúc đẩy hoạt động thể chất. Khuyến nghị quốc gia về hoạt động thể chất đã được đưa ra vào năm 2016. Khuyến nghị áp dụng đối với tất cả các nhóm tuổi, cũng như người trưởng thành mắc bệnh mãn tính. 

Đan Mạch: 45 phút hoạt động thể chất ở trường hằng ngày

Đan Mạch yêu cầu học sinh tập thể dục 45 phút mỗi ngày.
Đan Mạch yêu cầu học sinh tập thể dục 45 phút mỗi ngày.

Tập thể dục hằng ngày được giới thiệu như một phần của cuộc cải cách trường học vào năm 2013. Học sinh ở các trường tiểu học và trung học công lập của Đan Mạch được yêu cầu tập thể dục 45 phút mỗi ngày. Qua đó, nhằm đảm bảo việc học, sức khỏe và hạnh phúc được ổn định hoặc cải thiện.

Nhà trường chịu trách nhiệm về phương pháp tập thể dục 45 phút này. Các hoạt động có thể được tích hợp với chương trình học tập. Hoặc, được tiến hành trong thời gian dành riêng cho tập thể dục. Đan Mạch đồng thời cung cấp tài liệu truyền cảm hứng trực tuyến và mời chuyên gia chia sẻ về cách thực hiện bài tập thể dục trong lớp học.

Các trường học và thành phố được hỗ trợ trong việc lên kế hoạch có hệ thống. Động lực, sự đa dạng và tham gia của học sinh là điều được chú trọng nhất. Các hoạt động này có thể được liên kết với câu lạc bộ hoặc công ty thể thao địa phương.

Đồng thời, có thể diễn ra trong thời gian dài. Hoạt động thể chất có thể diễn ra trong lớp học, sân thể thao và sân chơi hoặc môi trường xung quanh trường. Đan Mạch cũng lên kế hoạch lồng ghép hoạt động thể chất vào các bài học và chương trình giảng dạy tại trường tiểu học cũng như trung học cơ sở.

Đánh giá về sáng kiến cho thấy, việc tăng cường hoạt động thể chất giúp cải thiện tình trạng học tập và sức khỏe của học sinh. Năm 2018, thống kê tại nước này chỉ ra rằng, có 14% giáo viên kết hợp hoạt động thể chất vào giảng dạy hằng ngày.

Trong khi đó, 74% giáo viên làm như vậy ít nhất một lần một tuần. 2% không bao giờ đưa hoạt động thể chất vào các bài học. Các học sinh cho biết, lớp học yên tĩnh, khả năng tập trung và học tập tốt hơn khi hoạt động thể chất trở thành một phần của bài học.

Theo Euro.who

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.