Khi đại biểu Quốc hội là nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những đại biểu Quốc hội công tác trong ngành GD chia sẻ bí quyết để hoàn thành trọng trách nhà giáo và người đại biểu của nhân dân...

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

*Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Lương Tài (Lương Tài, Bắc Ninh), đại biểu Quốc hội khóa XV: Quốc hội với tôi như một trường học lớn

Cô Nguyễn Thị Hà.

Cô Nguyễn Thị Hà.

Tuy đã bước sang Kỳ họp thứ 4 nhưng tôi vẫn nhớ rõ cảm xúc của những ngày đầu tiên trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV. Dù đã được tham gia một số cuộc tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội, tôi vẫn thấy bỡ ngỡ, hồi hộp khi bước những bước chân đầu tiên vào nghị trường.

Với vốn sống, kinh nghiệm, kiến thức được tích lũy từ quá trình học tập, giảng dạy và công tác đoàn thể, tôi vẫn chưa tự tin khi đảm nhiệm một nhiệm vụ mới song hành cùng công tác giảng dạy. Tôi lúc ấy đã tự hỏi bản thân nhiều lần: Cần làm gì để hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu dân cử?

Rất may mắn, khi vào nghị trường tôi đã được lãnh đạo đoàn Đại biểu Quốc hội, cũng như các đại biểu khác trong đoàn - những người có vị trí xã hội, có kinh nghiệm làm việc - chỉ bảo tôi trong cách tiếp cận các vấn đề, tham gia các hoạt động của Quốc hội. Chính từ đó, tôi đã biết cách tiếp cận các tài liệu, văn bản luật, phân tích các vấn đề đang được cử tri và xã hội quan tâm, thu thập, xử lý thông tin phục vụ cho các hoạt động của Quốc hội.

Ngoài sự mới mẻ trong hoạt động của Quốc hội, tôi còn cần làm quen với việc xa học sinh trong thời gian tương đối dài. Trước đây, tôi chưa có chuyến công tác nào xa học sinh quá một tuần nên ban đầu cũng có chút hụt hẫng, lo lắng đến tâm lý của học sinh, chất lượng học tập của các em. Thêm may mắn nữa, vì có lãnh đạo nhà trường tạo điều kiện sắp xếp giáo viên dạy thay tôi rất hợp lý và chuyên nghiệp. Đặc biệt giáo viên dạy giúp tôi rất trách nhiệm và chúng tôi thường xuyên cập nhật, trao đổi với nhau tình hình của học sinh trong lớp nên công tác giảng dạy cũng được đảm bảo.

Trải nghiệm đáng nhớ đầu tiên khi là đại biểu Quốc hội, với không ít người, trong đó có tôi, là phát biểu ở các phiên thảo luận, đóng góp xây dựng luật ở hội trường. Tôi nhớ bài phát biểu thảo luận đầu tiên của tôi liên quan đến việc dạy và học online trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp.

Tôi đã đọc nhiều báo cáo, ý kiến của các chuyên gia trong ngành, tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, kinh nghiệm thực tế trong công tác giảng dạy của bản thân để đưa ra những phân tích sâu, kiến nghị xác đáng cho vấn đề thảo luận. Sau khi phát biểu, rất nhiều đồng nghiệp đã nhắn tin chia sẻ quan điểm đồng tình với ý kiến của tôi. Trong giờ giải lao có nhiều đại biểu mà tôi chưa quen biết đã ra trao đổi thêm về vấn đề cấp bách, đang dành được sự quan tâm của toàn xã hội. Tôi đã tự tin hơn, trưởng thành hơn sau mỗi phát biểu và trao đổi như vậy.

Tôi vừa tự hào vừa lo lắng khi cùng lúc vừa được là giáo viên với nhiệm vụ “trồng người”, vừa là đại biểu Quốc hội - đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Là giáo viên, bên cạnh các cử tri là nhân dân, tôi có đối tượng cử tri rất đặc biệt, đó là phụ huynh và học sinh. Vì vậy, tôi đang cố gắng trao đổi online với học sinh hoặc phụ huynh về những vấn đề họ còn băn khoăn, vướng mắc.

Là đại biểu Quốc hội, tôi có cơ hội để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước. Quốc hội với tôi như một trường học lớn mà mỗi người đã là người thầy của chính mình cùng với sự học hỏi từ các đại biểu khác. Tôi luôn tự nhủ cần phải cố gắng nhiều, nỗ lực học hỏi nhiều để không phụ sự tin tưởng của cử tri. Tôi tự nghiên cứu thêm về các chuyên ngành khác ngoài lĩnh vực giáo dục để có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về những vấn đề của xã hội, đất nước và đặt nhân dân lên trước trong mỗi suy nghĩ và ý kiến của mình. Bên cạnh đó, tôi vẫn rất cần tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ từ gia đình để có thể chuyên tâm với cả 2 công tác và hoàn thành tốt cả 2 nhiệm vụ quan trọng này.

*Bà Vũ Thị Liên Hương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi - đại biểu Quốc hội khóa XV: Hoạt động Quốc hội giúp tôi có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn

Bà Vũ Thị Liên Hương.

Bà Vũ Thị Liên Hương.

Với tôi, Quốc hội là trường học lớn; các chương trình công tác, các hoạt động, những trải nghiệm đều là những bài học lớn giúp bản thân có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về những vấn đề của xã hội, của đất nước. Các hoạt động, kỳ họp của Quốc hội, đặc biệt là các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các phiên chất vấn đều thể hiện rõ, kịp thời các vấn đề nóng của đời sống xã hội mà người dân, toàn xã hội quan tâm.

Những vấn đề này được chuyển tải đến nghị trường. Những phản biện, tranh luận sôi nổi, có những lúc khá gay gắt không ngoài mục đích cuối cùng là tìm ra và xác định đúng nguyên nhân chính, cơ bản để từ đó đưa giải pháp, quyết sách đúng đắn, hợp lí, kịp thời. Những giờ giải lao hay những cuộc trao đổi sôi nổi nhưng rất chân tình, thẳng thắn bên ngoài nghị trường, những cuộc hội thảo giúp bản thân tôi hiểu rõ, sâu sắc hơn nhiều vấn đề, trưởng thành, dày dặn hơn trong công việc và cuộc sống.

Là đại biểu Quốc hội, ngoài chuyên môn gốc của mình, nhiệm vụ đòi hỏi phải hiểu biết về nhiều lĩnh vực và sát thực tế của xã hội. Bản thân tôi cũng không là ngoại lệ. Nhờ kinh nghiệm có được trong thời gian khá dài làm công tác quản lý giáo dục nên tôi có những thuận lợi trong nghiên cứu, tiếp cận công việc mới. Hoàn thành được nhiệm vụ đại biểu Quốc hội - đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân trao quyền lực để thực hiện nhiệm vụ của mình - là cả một quá trình tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi và tự trau dồi; với tất cả tinh thần trách nhiệm, thận trọng khi tham gia biểu quyết một vấn đề nào đó.

Với tôi, để hoàn thành được cả hai nhiệm vụ quan trọng: Cán bộ quản lý giáo dục và người đại biểu của nhân dân, trước hết đó là ý thức, trách nhiệm của bản thân trước cử tri, trước nhân dân. Xác định hai nhiệm vụ có tầm quan trọng như nhau, luôn song hành, thường xuyên. Cùng với đó là sắp xếp thời gian khoa học, hợp lí.

Dựa vào chương trình công tác hàng năm của Quốc hội, của ngành để xây dựng kế hoạch công tác năm của bản thân, nội dung công tác chuyên môn mình phụ trách. Lưu ý sắp xếp nội dung, công việc theo thứ tự ưu tiên và trình tự thời gian thực hiện để hạn chế tối đa sự chồng chéo. Tôi cũng luôn dành thời gian để nghiên cứu tài liệu, nắm bắt các thông tin thông qua các phương tiện truyền thông như báo, đài; lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, quần chúng qua các giao tiếp hàng ngày, qua các cuộc tiếp xúc cử tri…; đồng thời tranh thủ sự góp ý, giúp đỡ của các thế hệ đi trước.

Có thể nói, để thực hiện tốt được cả hai nhiệm vụ, đó là cả một quá trình tích lũy của bản thân. Bên cạnh sự tự cố gắng, nỗ lực, không thể không kể đến sự tạo điều kiện của lãnh đạo đơn vị, sự phối hợp, giúp đỡ của đồng nghiệp, cộng sự và gia đình.

*Bà Đinh Thị Bình, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Sơn (Phú Thọ), đại biểu Quốc hội khóa XIV: Thấm thía khó khăn, áp lực của người đại biểu

Bà Đinh Thị Bình.

Bà Đinh Thị Bình.

Với mỗi đại biểu Quốc hội công tác trong ngành Giáo dục, cứ mỗi dịp 20/11 là một dịp đặc biệt!

Khi được các cấp lãnh đạo giới thiệu ứng cử làm đại biểu Quốc hội, mỗi thầy, cô giáo như chúng tôi đều cảm thấy vinh dự lớn lao mà chưa hình dung hết những trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân mình trước cử tri, trước nhân dân. Thế nhưng, khi đã trọn một nhiệm kì, giáo viên chúng tôi mới vỡ lẽ, mới thấm thía những khó khăn, áp lực mà người đại biểu nhân dân cần gánh vác.

Giáo viên chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, từ việc tiếp cận các kiến thức đến rèn luyện các kỹ năng để hoạt động đại biểu, bởi trước đây, chúng tôi thuần túy hoạt động chuyên môn. Khó khăn lớn hơn là làm sao có mối liên hệ thật tốt với cử tri, nắm bắt và phản ánh được đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng của cử tri tới Quốc hội.

Tuy nhiên, với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, sự quan tâm bồi dưỡng do các cơ quan của Quốc hội cùng các cơ quan thông tấn tổ chức; đặc biệt là nhờ sự ủng hộ của cử tri và nhân dân mà chúng tôi đã từng bước hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Trong những nguồn động viên mà chúng tôi nhận được có sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, của anh em đồng nghiệp và chính những học sinh mà mình giảng dạy. Làm học sinh của đại biểu Quốc hội, các em phải chịu nhiều thiệt thòi do thầy cô thường xuyên đi vắng, có những điều muốn chia sẻ cũng không được kịp thời, có khó khăn cũng không nhờ thầy cô giải quyết ngay được. Bởi thế, chính sự chịu thương chịu khó, sự quyết tâm, sự ủng hộ của các em học sinh đã trở thành động lực to lớn cho giáo viên chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu để xứng đáng với sự cố gắng của chính những học trò thân yêu.

Ngày 20/11 thường lệ, chúng tôi sẽ được nhìn thấy sự hân hoan của học trò, sẽ được cùng các em chia sẻ những niềm vui hay những câu chuyện thật thú vị mà chỉ tuổi học trò mới có được. Điều đó khiến chúng tôi như được trẻ lại, được “sạc điện” để tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình. Thế nhưng, nếu là đại biểu Quốc hội, những niềm vui nho nhỏ ấy lại trở thành thứ xa xỉ bởi ngày 20/11 là ngày khai mạc các kì họp. Chúng tôi sẽ lại chắt chiu những tình cảm của các em để tự nhủ với bản thân hãy hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của đại biểu để xứng đáng với niềm tin mà cử tri gửi gắm, cũng là niềm tin mà các học trò dành cho thầy, cô giáo của mình!

*Cô Trần Thị Quỳnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP Nam Định, tỉnh Nam Định: Niềm vinh dự, cũng là trách nhiệm lớn lao

Cô Trần Thị Quỳnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến trong tiết Hội giảng thi giáo viên giỏi tỉnh Nam Định năm 2020.

Cô Trần Thị Quỳnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến trong tiết Hội giảng thi giáo viên giỏi tỉnh Nam Định năm 2020.

Mùa hè năm 2021, tôi trúng cử và trở thành một trong những đại biểu nữ trẻ tuổi của Quốc hội khóa XV, khi ở tuổi 29. Đây là một niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao đối với tôi, một giáo viên trung học phổ thông, khiến tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Bản thân tôi luôn cố gắng để cân bằng giữa công tác chuyên môn và các hoạt động của Quốc hội. Cùng với việc bảo đảm tốt công tác chuyên môn và các công tác khác trong nhà trường, trong vai trò là đại biểu Quốc hội, tôi luôn tích cực học hỏi để trở thành cầu nối mang tiếng nói của người dân tới nghị trường Quốc hội. Theo đó, phản ánh, chuyển tải nguyện vọng chính đáng và cả những vấn đề mà cử tri quan tâm tới Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước, giúp việc xây dựng các cơ chế, ban hành chính sách, pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước bảo đảm tính khả thi, phù hợp thực tiễn và đạt được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Cô Nguyễn Thị Lan Phương - Giáo viên Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm -Hà Nội) cho biết: Hơn 20 năm trong nghề, đã quen với dạy học trực tiếp khi chuyển sang dạy học trực tuyến khá lo lắng vì phương thức dạy học khác nhau đòi hỏi việc soạn giáo án, cách truyền tải thay đổi. Với sự hỗ trợ trách nhiệm và bài bản của tổ hỗ trợ, kết hợp với tự nghiên cứu và ứng dụng CNTT vào dạy học, các bài giảng trực tuyến của tôi được học sinh đón nhận tích cực. Đặc biệt, khi kĩ năng ứng dụng CNTT tốt hơn cũng giúp giáo viên tự tin sáng tạo giáo án và khai thác học liệu điện tử trong quá trình dạy học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ