(GD&TĐ) - Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, một trong những giải pháp hữu hiệu để kiểm soát, hạn chế tham nhũng trong trường học là có sự giám sát cộng đồng.
TS Nguyễn Tùng Lâm |
Ông có thể cho biết ngành GD&ĐT đã có những giải pháp chống biểu hiện tiêu cực trong nhà trường ra sao?
Bộ GD&ĐT đã đưa ra một số giải pháp đối phó với tình trạng tiêu cực của ngành như: Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng; rà soát và ban hành các văn bản chỉ đạo của ngành về phòng, chống những biểu hiện tiêu cực ở một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tiêu cực cao như: tuyển sinh, tuyển dụng nhà giáo, cán bộ quản lý, thành lập cơ sở giáo dục, cấp phép mở mã ngành đào tạo, phân bố kinh phí, quản lý các nguồn thu, dạy thêm học thêm...;
Tăng cường khung hình phạt tiền để đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm trong giáo dục; triển khai các cuộc vận động lớn trong ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về những biểu hiện tiêu cực; thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị nhà trường.
Đồng thời, thực hiện 4 kiểm tra: kiểm tra mức chi cho giáo dục từ ngân sách địa phương; kiểm tra việc thu và sử dụng học phí; kiểm tra sử dụng ngân sách cho giáo dục; kiểm tra việc thực hiên kiên cố hóa trường, lớp và xây dựng nhà công vụ...
Chúng ta đã triển khai khá nhiều giải pháp, song theo ông, vì sao những biểu hiện tiêu cực trong trường học hiện nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm?
Gần như người dân nào cũng có con đi học. Tổng số tiền của mọi người phải đóng góp rất lớn nhưng của mỗi người lại không phải là nhiều nên không thể hình sự hóa vấn đề. Sự mất cân đối giữa cung và cầu trong hoạt động giáo dục dẫn đến tiêu cực trong giáo dục là không thể xóa được, đặc biệt trong tình hình giáo dục còn những hạn chế nhất định.
Cùng đó, các văn bản pháp lý trong giáo dục để chống biểu hiện tiêu cực hiện nay mới chỉ quy định trách nhiệm của nhà trường, những việc mà nhà trường phải công khai; trách nhiệm của hiệu trưởng và những việc mà hiệu trưởng phải lấy ý kiến tham gia đóng góp xây dựng của các cá nhân hoặc các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường; trách nhiệm của nhà giáo, cán bộ, công chức, và những việc mà nhà giáo, cán bộ, công chức trong nhà trường được biết, tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra;
Hoặc việc mà người học được biết và tham gia ý kiến; trách nhiệm của các đơn vị, các đoàn thể, tổ chức trong nhà trường và của cha mẹ học sinh... chứ chưa quy định rõ nội dung, hình thức mà nhà giáo, cán bộ, công chức trong nhà trường, người học, cha mẹ học sinh và người dân được bàn và quyết định trực tiếp...
Do đó, khi có xung đột quyền lợi, trong mọi trường hợp nhà giáo, cán bộ, công chức trong nhà trường, người học, cha mẹ học sinh và người dân chỉ được quyền kiến nghị lên cấp có thẩm quyền. Vì vậy, việc chống tham nhũng, tiêu cực chưa mang lại hiệu quả cao.
Mặt khác, nhiều hoạt động của ngành Giáo dục phải sử dụng một phần không nhỏ kinh phí từ xã hội hóa giáo dục, sự huy động đóng góp của người dân có con đi học. Tuy nhiên, người dân chỉ biết đóng góp mà chưa có quyền quyết định trực tiếp về các khoản cần phải đóng góp, mức đóng góp của từng khoản và giám sát việc chi tiêu số tiền mình đã đóng góp cho nhà trường.
Vì vậy, tôi cho rằng, bên cạnh các giải pháp chống tiêu cực, tham nhũng mà ngành Giáo dục đã có thì sự giám sát của cộng đồng ở các trường học hiện nay là vô cùng cần thiết.
Sự giám sát của cộng đồng trong các trường học hiện nay được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề tham nhũng, tiêu cực. Vậy ông có thể giúp mọi người hình dung rõ hơn về hội đồng giám sát cộng đồng ở trường học ra sao?
Hội đồng giám sát cộng đồng ở trường học sẽ có vai trò của cha mẹ học sinh, giáo viên và các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương. Những đại diện này do Mặt trận Tổ quốc của mỗi xã, phường chọn, cử người tham gia nên chắc chắn họ sẽ làm tốt vai trò của mình. Quy chế hội đồng giám sát cộng đồng ở trường học cũng cần phải thống nhất ngay từ đầu những nguyên tắc để giải quyết xung đột về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mỗi phía...
Hội đồng giám sát cộng đồng ở trường học sẽ tập trung giải quyết các vấn đề gì, thưa ông?
Theo quan điểm của tôi, hội đồng giám sát cộng đồng ở trường học sẽ giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ và chủ trương của Nhà nước về việc huy động và sử dụng nguồn lực do cha mẹ học sinh, do xã hội đóng góp cho nhà trường.
Cùng đó, căn cứ vào tình hình thực tế của trường, có thể phối hợp với nhà trường thông qua toàn thể cha mẹ học sinh để quyết định kinh phí cần phải huy động cha mẹ học sinh đóng góp cho nhà trường nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của trường.
Bên cạnh đó, hội đồng tham gia cùng với nhà trường huy động các nguồn lực của xã hội đóng góp cho hoạt động giáo dục của trường; Tham gia xây dựng quy chế chi tiêu phần kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp và kinh phí do hội đồng huy động được từ các nguồn lực khác cho nhà trường nhằm phục vụ cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của trường. Việc ban hành Quy chế phải được sự nhất trí thông qua toàn thể cha mẹ học sinh của trường trước khi thực hiện.
Mặt khác, có thể giám sát việc sử dụng kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp và kinh phí do hội đồng huy động được từ các nguồn lực khác cho nhà trường; Được quyền chủ động kiến nghị với các cấp có thẩm quyền về việc chăm lo đời sống giáo viên, cán bộ, nhân viên của trường để đảm bảo giáo viên được chăm lo đời sống sẽ không tổ chức dạy thêm tràn lan hay lạm thu các khoản thu trái quy định của nhà trường...
Xin cám ơn ông!
Trong bối cảnh hiện nay, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình không chỉ là một yêu cầu cấp thiết để thực hành dân chủ, bảo đảm quyền của dân trong tham gia quản lý đất nước và xã hội, mà quan trọng hơn nữa, chính là một giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống tệ nạn tham nhũng. Minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng là công cụ xây dựng tổ chức vững mạnh, phát triển bền vững. Đây đang là xu thế, cũng là đòi hỏi cấp bách mà các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội phải thực hiện. Quản lý hệ thống giáo dục của Việt Nam cũng không nằm ngoài những quy luật này. |
Sông La (Thực hiện)