Để bạo lực tránh xa học đường

GD&TĐ - Bạo lực học đường (BLHĐ) xảy ra ngày càng trầm trọng với những vũ khí gây thương tích và hành động côn đồ, làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý, thậm chí tính mạng của các em học sinh khiến nhiều người lo lắng. 

Môi trường giáo dục tốt, kỷ luật tốt sẽ giúp trẻ nói không với bạo lực
Môi trường giáo dục tốt, kỷ luật tốt sẽ giúp trẻ nói không với bạo lực

Phải chăng, đây là hồi chuông cảnh báo sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận không nhỏ học sinh (HS)? Để định hướng, giáo dục đạo đức, lối sống cho các em HS, giúp các em có những nhận thức đúng đắn về hành vi BLHĐ rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội.

Cha mẹ phải là tấm gương giúp trẻ hình thành nhân cách

Trong mỗi gia đình vai trò của bố mẹ có vị trí quan trọng, ảnh hưởng đến việc hình thành, phát triển nhân các của con cái. Theo truyền thống Việt Nam, người cha thường là chủ của gia đình. Đồng thời người cha còn là tấm gương lớn, biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp để con cái học tập và noi theo.

Còn người mẹ thường biểu hiện sự yêu thương, chia sẻ, che chở, đùm bọc; là nơi các con có thể giãi bày mọi chuyện ở trường, ở lớp, trong cuộc sống hàng ngày... Bởi thế mới nói: Gia đình là nền tảng để các em hình thành và phát triển nhân cách. Cha mẹ phải là những tấm gương để con soi vào đó học tập.

Tuy vậy, quá trình trưởng thành và hình thành nhân cách của mỗi người là khác nhau bởi sự nhận thức khác nhau và môi trường sống gia đình khác nhau. Có nhiều hoàn cảnh gia đình: Cha mẹ ly hôn; một trong hai bố mẹ mất sớm hoặc gia đình bố mẹ luôn xảy mâu thuẫn, bạo lực... Trong những gia đình này các em là nạn nhân phải chứng kiến, hứng chịu cảnh bạo lực của bố mẹ và nhiều em đã học luôn những hành vi đó.

Và khi đến trường trong tâm trạng u uất, chán nản chuyện gia đình, rồi không may có bạn nào đó trêu đùa quá trớn rất dễ khiến các em nóng giận. Nếu không kiềm chế được bản thân lúc này các em sẽ có những hành vi bạo lực.

Bên cạnh đó cũng có những gia đình quá nuông chiều, bao bọc mọi việc khiến trẻ hình thành tính ỷ lại, dựa dẫm, sống ích kỷ, lười nhác, không ý thức về trách nhiệm, quen được phục vụ, hưởng thụ. Chính cách giáo dục này cũng làm trẻ sinh hư. Nếu bị bạn xấu lôi kéo nữa các con sẽ chán học, đến trường rất dễ gây bạo lực với bạn khi có bất cứ chuyện gì xảy ra.

Từ những phân tích trên có thế khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho con cái là không hề nhỏ. Đúng như các cụ ta đã đúc kết: “Rau nào sâu nấy” hay “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Điều nay cho thấy rất đúng với trẻ khi lối sống của cha mẹ và những người trong gia đình ảnh hưởng đến các em.

Trở thành một người có nhân cách tốt khi trưởng thành là rất khó nếu trong môi trường sống của các em không tìm thấy những tấm gương.

Nhà trường là nơi để các em học tập và có cách sống đẹp

Bên cạnh sự giáo dục của gia đình thì nhà trường là môi trường quan trọng thứ hai trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS. Nhà trường là nơi không chỉ để HS được học tập, nâng cao trình độ, nhận thức mà còn là môi trường lớn thứ hai để các em hình thành nhân cách, sống đẹp, cư xử đẹp.

Tuy nhiên chương trình học hiện nay, đáng tiếc, chỉ mới quan tâm đầu tư nhiều đến giáo dục kiến thức khoa học, chưa đầu tư nhiều cho việc giáo dục lối sống, nếp sống, kỹ năng sống... cho HS. Ở cấp tiểu học môn đạo đức cũng mới chỉ dạy một cách chung chung.

Lên cấp THCS thì lồng ghép vào môn giáo dục công dân, mỗi tuần chỉ được học 1 tiết và giáo viên thường là kiêm nhiệm cho nên GV cũng chưa chịu đầu tư nghiên cứu giảng dạy và học sinh thì xem nhẹ, coi đó là môn phụ, không chú trọng học hành.

Lên cấp THPT môn học Giáo dục công dân càng không thu hút được việc học tập của HS nếu như GV không tâm huyết, không có phương pháp dạy để các em có sự cuốn hút. Hơn nữa số tiết học cũng không nhiều. Tâm lý học sinh và phụ huynh cũng xem nhẹ môn giáo dục công dân. Coi nó là một trong những môn phụ. Gia đình chỉ tập trung đầu tư cho con học các môn liên quan đến thi cử và đại học.

Môi trường lớn thứ hai để các em học cách sống đẹp, ứng xử đep lại chưa được chú trọng đúng mức, do đó đã tạo thành những lỗ hổng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho các em. Vì thế, một số HS có nhận thức chưa thấu đáo, hay quậy phá và khi bị kích động các em rất dễ có hành vi bạo lực với bạn mình.

Cần sự phối hợp giáo dục của gia đình, nhà trường và cộng đồng

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Mai – Nguyên trưởng phòng Giáo dục Đạo đức, Giáo dục Công dân và Hoạt động Giáo dục – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Giúp trẻ kiểm soát được hành vi BLHĐ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.

Trước hết về phía gia đình phải quan tâm thật sát sao con cái mình. Hàng ngày để mắt theo dõi các hoạt động của con. Khi con đi học về thì gần gũi hỏi han, tâm sự, chia sẻ cùng con những việc diễn ra trên lớp. Làm sao trở thành một người bạn đáng tin cậy của con là điều tốt nhất.

Về phía nhà trường cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục đạo đức, pháp luật, lối sống, kỹ năng sống cho HS; công tác giáo viên chủ nhiệm cần được đổi mới. GV chủ nhiệm làm sao phải thật sự gần gũi, thân thiết với HS. Các em có thể tin tưởng cô, thổ lộ mọi việc của lớp trong tiết sinh hoạt lớp. Có như thế mới sớm ngăn chặn được BLHĐ; các tiết sinh hoạt đoàn đội cần lồng ghép việc giáo dục lối sống.

Về phía cộng đồng, các đoàn thể, Hội cần tổ chức các chuyên đề về giáo dục lối sống, kỹ năng sống cho HS; tăng cường sự quản lý của nhà nước với việc phòng chống BLHĐ; Đồng thời nhà nước cũng cần mạnh tay hơn nữa trong công tác quản lý đối với các văn hóa phẩm gây bạo lực như games bạo lực; văn hóa phẩm bạo lực.

Với biện pháp nên trên, theo tôi đó là cách tốt nhất giúp HS biết làm chủ, kiềm chế và kiểm soát được bản thân trước những mâu thuẫn, xung đột với bạn bè.

Do vậy, gia đình phải là nền tảng đạo đức để các em phát triển và hình thành nhân cách; nhà trường là nơi các em được học tập, hòa nhập với môi trường bè bạn, thầy cô; xã hội là nơi các em được trải nghiệm, giao lưu học hỏi những hành vi, ứng xử và cách giải quyết các tình huống xảy ra trong cuộc sống... Đây là thế chân kiềng vững chắc giúp các em có môi trường tốt để hình thành nhân cách đạo đức, lối sống đẹp.

Theo nghiên cứu điều tra của Viện Khoa học Giáo dục về hành vi BLHĐ cho biết nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực học đường là do:

- HS có khả năng kiềm chế cáu giận: 82,5%

- HS dễ bị kích động 81,3%

- Hay vi phạm nội quy:74,31%

- Hay xem phim bạo lực 72.22%

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ