Chống bạo lực học đường:Cần được nghiêm trị bằng luật

GD&TĐ - Bạo lực học đường (BLHĐ) bấy lâu nay đã trở thành vấn nạn nhức nhối làm đau lòng những người làm cha mẹ, thầy cô giáo, gây bức xúc xã hội. Gia đình, nhà trường và xã hội đã có nhiều biện pháp giáo dục để ngăn chặn nạn BLHĐ thế nhưng, dường như các hành vi bạo lực có chiều hướng gia tăng và nghiêm trọng hơn.

Chống bạo lực học đường:Cần được nghiêm trị bằng luật

Ngày càng nhiều vụ nghiêm trọng

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong một năm học toàn quốc đã xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, bình quân khoảng 5 vụ 1 ngày.

Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh có một vụ đánh nhau, cứ trên 11.000 học sinh có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau.

Tình trạng bạo lực này xảy ra ở khắp nơi kể cả ở trong hay ngoài trường học; ở từng cấp học; từng trường từ nông thôn đến thành thị. Phải nói rằng, nó là tình trạng nhức nhối khiến các bậc cha mẹ, thầy cô, cộng đồng xã hội trên khắp cả nước lo lắng bởi hậu quả mà nó để lại là khôn lường.

Với các em là nạn nhân bị hại không chỉ ảnh hưởng đến nỗi đau thể xác mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần. Nhiều em đã bị sang chấn tâm lí, ám ảnh suốt cuộc đời. Còn những em là những người gây hại, cố ý đánh bạn cũng phải chịu tội cố ý gây thương tích. Bởi vì, đó là những hành vi đạo đức, lối sống không thế tha thứ của một bộ phận không nhỏ học sinh.

Phải nói rằng, hàng ngày, hàng giờ trên khắp cả nước vẫn đang xảy ra không ít các vụ BLHĐ. Gần đây trên mạng xã hội đã lan truyền không ít clip bạo lực do chính các em học sinh tung lên. Các vụ phải kể đến như:

Vụ ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An chiều 18-5 vừa qua. Trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh 2 nữ sinh đánh đập dã man 1 nữ sinh khác trước rất nhiều em học sinh. Thấy cảnh tượng đó các em xung quanh đã không hề can ngăn mà còn hô hào, cổ vũ cho việc đánh đập.

Vụ hành hung, bạo lực đó chỉ dừng lại khi một phụ nữ lớn tuổi nhìn thấy chạy đến can ngăn. Sau khi được chia sẻ trên mạng xã hôi, nhiều người đã bức xúc, phẫn nộ trước hành vì đánh hội đồng bạn, cũng như thái độ vô cảm của các em học sinh xung quanh.

Vụ việc thứ hai xảy ra với nữ sinh T. T. P (SN 2003, trú tại xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) ngày 4/5 vừa qua cũng đã gây phẫn nộ và bức xúc dư luận.

Nạn nhân là em T.T.P đã bị hai bạn tên T.D.H (SN 2001) và một bạn tên Th (SN 2001, trú tại xã Hưng Thái, huyện Ninh Giang) đánh hội đồng khiến P bị thương nặng và sang chấn tâm lí. Lí do mà P bị đánh rất bình thường rằng em chặn Facebook không cho H cập nhật vì H thường xuyên vào Fcebook của P lấy ảnh của P và đăng những điều công kích và nói xấu P.

Khi bị chặn Fcebook H đã dọa đánh P bất cứ ở đâu nếu gặp… Biết được H đe dọa nhưng P vẫn không để H vào Facebook của mình nữa và cũng không dám đi đâu một mình. Một hôm sang nhà bạn L hàng xóm chơi, bạn đã rủ P đi đòi tiền nợ ở thôn Phú Mễ (xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện). Trên đường đi thì bị Q và Th ập tới đánh em tới tấp vào người vào đầu, vào mặt… cho đến khi thấy P bị chảy máu mũi mới thôi. Sau đó L đưa P và nhà dân gần đó sơ cứu rồi mới P đưa về nhà.

Từ hôm đưa về nhà P chỉ kêu đau đầu với gia đình và xin mua thuốc uống chứ không nói gì về chuyện bị đánh. Chỉ đến khi bị mẹ nghi ngờ tra hỏi P mới dám nói thật. Gia đình P đã sang nhà Q nói chuyện và cho P đi bệnh viện khám.

Nguyên nhân của vụ việc tưởng chừng như không có gì nhưng đã xảy ra vụ đánh đập đau lòng khiến em P bị sang chấn tâm lý, hoảng loạn và bị chấn thương phần mềm vùng gáy hai bên.

Cũng do mâu thuẫn trên Facebook, mới đây, ngày 29/6, UBND tỉnh Quảng Trị vừa làm việc với UBND TP Đông Hà về vụ nữ sinh T.N.N.Q. (16 tuổi, khu phố 2, phường Đông Lễ, TP Đông Hà) bị đánh đập gây thương tích. Được biết em Q đã học xong lớp 9, trường THCS Phan Đình Phùng trong năm học vừa qua. Trong dịp nghỉ hè vừa rồi em đã bị các bạn đánh hội đồng gây nhiều thương tích, thủng màng nhĩ.

Theo điều tra của công an thành phố Đông Hà cho biết, nguyên nhân gây va vụ bạo lực do có mâu thuẫn trên mạng xã hội với Chung (SN 2001, đã bỏ học). Khi mâu thuẫn chưa được giải quyết, Q đã hẹn Chung đến nhà riêng nói chuyện nhưng khi Chung đến nhà Q đã dẫn theo 10 bạn khác cùng đến và đánh Q tới tấp tại nhà.

Chưa dừng lại ở đó, khoảng 15h chiều cùng ngày, 3 nữ sinh khác tìm đến nhà Q nói chuyện. Sau đó ép Q ra khỏi nhà lên khu vực rừng thông (gần hồ Khe Mây, phường 3, thành phố Đông Hà) rồi cùng nhóm 10 người lúc sáng đã đến nhà Q, đánh hội đồng khiến Q ngất xỉu. Sau đó, cả nhóm buộc Q phải quỳ xuống xin lỗi mới được tha cho về…

Phải nói rằng, những vũ việc BLHĐ đã xảy ra trong thời gian qua thật sự là một điểu đáng buồn, đáng lên án và cần phải được nghiêm trị để kịp thời răn đe và ngăn chặn để tình trạng BLHĐ xày ra ít hơn và ít nghiêm trọng hơn.

Hành vi BLHĐ cần được nghiêm trị

Xem những đoạn clip về BLHĐ trên mạng nhiều người thật sự sốc, có người còn không dám xem hết vì choáng với những hành vi quá côn đồ, quá dã man khi đánh hội đồng bạn.

Chị Hoàng Thanh Huyền (Hoàng Mai – Hà Nội) thắc mắc: Không hiểu sao chuyện này có thể xảy ra với các em mới chỉ đang là học sinh THCS. Các em còn ít tuổi tại sao lại có thể làm những chuyện kinh khủng như vậy. Đánh đập bạn không thương tiếc, nhiều em còn dùng mũ bảo hiểm đánh bạn vào đầu, vào mặt bạn. Nếu rơi vào trường hợp con nhà mình bị đánh hội đồng như thế các mẹ xử lý thế nào? Theo tôi phải có biện pháp phù hợp để ngăn chặn và răn đe các cháu kịp thời.

Những đoạn clip phát tán trên mạng vừa qua và nhiều clip khác về BLHĐ dường như là một nỗi ám ảnh với nhiều bậc phụ huynh đang có con trong độ tuổi đến trường như tôi. Hàng ngày cho con đi học tôi cũng rất lo lắng cho con mình bởi không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra với con khi đến trường. Đơn giản chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, vặt nào đó thôi với bạn cũng có thể xảy ra ẩu đả hay đánh đập như trong clip rồi.

Hỏi về việc đánh nhau trong trường lớp, em N.D.L (học sinh lớp 8, Trường THCS Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Em đã thấy đánh nhau ở trường rồi. Các bạn nữ đánh nhau nhiều hơn. Chỉ cần có chút mâu thuẫn là các bạn ấy nhảy vào túm tóc, cào cấu với xé áo, quần. Còn các bạn nam thường đánh nhau do nghịch dại hay hiểu nhầm về một chuyện gì đó. Khi đánh nhau các bạn nam dùng đấm, đá rất đau vào mặt, vào đầu, vào những chỗ hiểm của bạn mình rất dễ gây thương tích.

Khi được hỏi nếu thấy đánh nhau thế các cháu có vào can ngăn các bạn hay đi gọi thầy cô không, em N.D.L rất thành thật cho biết: Lúc đó bọn em sợ lắm. Chỉ dám đứng nhìn chứ chưa biết chạy đi gọi thầy cô. Chỉ khi sự việc xong rồi các thầy cô mới biết.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ việc bạo lực nêu trên đó là sự thiếu nhận thức và xem thường pháp luật, sự xuống cấp về lối sống, tha hóa đạo đức của nhóm học sinh đánh bạn. Cùng với đó là cách dạy dỗ con, quản lý con của một số gia đình bị buông lỏng. Đồng thời còn có sự thiếu quan tâm, quản lý của nhà trường và các cơ quan đoàn thể đối với trẻ em ở độ tuổi vị thành niên.

Các vụ việc BLHĐ đã xảy ra cho thấy tình hình đáng báo động trong giới học sinh, sinh viên. Các em còn nhỏ nhưng hành động rất côn đồ, đánh bạn không thương tiếc, bất chấp hậu quả. Cùng với đó là những hành vi xé quần, xé áo, lột đồ để lăng nhục bạn trước đám đông đó là những việc làm không thể tha thứ.

Qua những vụ việc nêu trên, thiết nghĩ, cần phải tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường. Đồng thời các biện pháp giáo dục cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương.

Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội Facebook lại bùng nổ như hiện nay khiến các bậc cha mẹ, thầy cô rất khó quản lý. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm ra biện pháp phù hợp trong giáp dục, trong cách quản lý để làm sao luôn kiểm soát được các bạn trẻ; giúp các bạn ấy có cái nhìn đúng đắn, ứng xử văn minh, lịch sự chưa không phải dùng nắm đấm hay lột đồ để lăng mạ, xỉ nhục bạn mình.

Trong một năm học, ở nước ta xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ