Khi con giấu chuyện ở trường

GD&TĐ - Trẻ bị bạo hành thường có xu hướng thay đổi tính tình, hành vi. Từ đứa trẻ vui vẻ, luôn muốn được cha mẹ yêu thương bỗng lảng tránh sự yêu thương đó, hoặc có thái độ tức giận hay chán nản. 

Trẻ hay giấu chuyện bị bắt nạt vì bị đe dọa. Ảnh minh họa.
Trẻ hay giấu chuyện bị bắt nạt vì bị đe dọa. Ảnh minh họa.

Với những trẻ vốn trầm tính thì hay gây hấn và dễ xung đột. Bởi vậy, người lớn cần quan tâm, theo sát để hiểu những điều mà trẻ chưa dám nói.

Không chủ quan khi con có biểu hiệu lạ

Một người mẹ trên diễn đàn Làm cha mẹ tâm sự: Con trai chị học lớp 4 gần đây có những biểu hiện khác thường. Mỗi khi đi học về, cháu thường chạy ngay lên phòng, hầu như tránh phải giao tiếp với bố mẹ.

Cháu còn thường xuyên mang đồ ăn vặt tới trường. Tuần trước, cháu đã hỏi xin thêm tiền mẹ để đóng quỹ lớp. Tuy nhiên, khi chị liên hệ với cô giáo chủ nhiệm thì được biết không có vấn đề này.

“Ba ngày liên tiếp tôi đã đến đón con sớm hơn để tìm hiểu sự việc. Tôi quan sát khi vừa xuống sân trường, con đã bị bốn, năm trẻ khác quây lại, con trai tôi vội vàng lấy từ cặp ra mấy món đồ chơi rồi đưa cho chúng.

Tôi tiến lại gần yêu cầu những đứa trẻ phải cùng con trai tôi vào văn phòng nhà trường. Tại đây nhóm trẻ đó đã thú nhận con tôi không phải học sinh duy nhất bị bắt nạt… Sau đó trên đường về, tôi có hỏi: Vì sao con không kể với mẹ? Con đã nói rằng, do thường xuyên đi học ở trường nên sợ bị các bạn trả thù”…

Trao đổi về điều này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình, Trung tâm Giáo dục Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: Người lớn thường muốn trẻ phải nói theo những khuôn mẫu định sẵn, ít cho phép trẻ bày tỏ suy nghĩ và chính kiến.

Trong mọi chuyện, những người lớn hay có xu hướng truy vấn thông tin, định hướng câu chuyện của trẻ. Vì thế, trẻ ngại bộc lộ kể về những điều chúng khúc mắc.

Để trẻ chia sẻ và tâm sự những câu chuyện ở trường, người lớn cần tạo niềm tin ở chúng. Nhất là, cần giữ thái độ ôn hòa để lắng nghe khi trẻ kể, dù đó là những câu chuyện kinh khủng.

Cha mẹ hãy cho con hiểu: Dù có bất kỳ điều gì xảy đến, cha mẹ vẫn luôn lắng nghe và đồng hành cùng với con. Bởi, khi người lớn bức xúc, phản ứng ngay lập tức cho dù là để bảo vệ con thì con vẫn hoảng sợ.

Trò chuyện để hiểu con

Từng tư vấn cho nhiều ca học sinh bị bạo hành, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bình cho biết: Với một số giáo viên, những áp lực trong quá trình dạy học cũng khiến họ có những hành xử không đúng. Một học sinh chưa ngoan, học tập chưa chăm chỉ, vì thành tích của lớp một cô giáo đã có biện pháp giáo dục không đúng là đánh học trò.

Tại trường có mắc camera, nên cô giáo đó đã đưa học sinh vào một góc kín để đánh và đe dọa, khiến học sinh rất hoảng sợ. Một thời gian dài gia đình mới phát hiện ra sự việc con bị bạo hành. Cháu bé đó đã luôn hoảng sợ khi phải đi học, tâm trạng bất an cả trong giấc ngủ… Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà phụ huynh đã lựa chọn cách chuyển trường cho con để mong con mau chóng ổn định về tinh thần.

Với những sự việc trẻ dùng bạo lực với nhau cần phải giải quyết mâu thuẫn một cách triệt để cả hai phía. Không chỉ nạn nhân được bảo vệ, mà nhà trường và các bên liên quan nên nhìn nhận thấu đáo từng tình huống cụ thể. Nạn nhân phải biết bảo vệ mình, giữ chừng mực trong lời nói cũng như hành động cư xử, tránh tạo sự kích động với đối phương. Ngược lại, những học sinh dùng bạo lực để cư xử với bạn bè phải nhìn thẳng vào sai trái của mình để sửa chữa, có trách nhiệm với hành động của mình. Tuy nhiên, khi đã nhận ra khuyết điểm, học sinh đó luôn có cơ hội sửa chữa những hành động sai trái của mình.

 
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bình

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bình cũng đưa ra lời khuyên: Muốn hiểu con có bình ổn, an toàn hay không, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện với con mỗi ngày.

Người lớn cần đặt câu hỏi mở, những câu hỏi thiên về cảm xúc để trẻ muốn được chia sẻ những chuyện đã xảy ra với chúng.

Sau cảm giác tin tưởng, trẻ sẽ có những cảm giác an toàn và được bảo vệ. Dù con có đúng hay sai, cha mẹ vẫn là những người luôn ở bên cạnh con.

Trẻ con hay giấu chuyện vì những lý do: Khi trẻ làm sai, trẻ sẽ sợ bị mắng, bị đánh; Khi trẻ bị dọa, bị bạo hành nặng nề trẻ cũng không thể nói ra; Hoặc có thể trẻ đang bị ràng buộc về một điều gì đó.

Ví dụ như trẻ luôn nghĩ mình sẽ phải học tập mãi trong một môi trường và tiếp xúc với những người đã khiến trẻ sợ hãi bị cô lập. Vì thế trẻ không dám nói ra sự thật. Nhưng nếu trẻ không nói ra điều này lại sẽ nguy hiểm hơn, bởi các sự việc sẽ càng bị đẩy đi xa. Với trẻ bị bạo hành, trẻ sẽ không chỉ bị bắt nạt và bạo hành một lần.

Ngoài việc học sinh học cùng trường hay ngoài trường vì một mẫu thuẫn mà xung đột với nhau, đôi khi có những đứa trẻ cậy mình khỏe mà bắt nạt những học sinh khác.

Những đứa trẻ yếu thế hơn thường không dám nói ra điều này vì sợ nếu nói cho người lớn biết thì sẽ bị đánh hội đồng nhiều hơn. Thế nên thay vì nói ra nhờ người lớn can thiệp thì những đứa trẻ này lại âm thầm chịu đựng.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Bình: “Việc thành lập phòng tâm lý học đường là cần thiết. Đây sẽ là nơi tư vấn hỗ trợ cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Trên thực tế, phụ huynh thường xót con và cho những hành vi của con mình là đúng, nên thiếu sự khách quan.

Các thầy cô cũng thường quan tâm đến sự bình ổn của trường cũng như công tác chuyên môn của mình, vì thế việc phân xử đôi khi cũng chưa thấu đáo.

Phòng tư vấn không chỉ giúp học sinh chia sẻ những khúc mắc mà quan trọng nhất là các cán bộ tư vấn tâm lý có thể tư vấn giúp cho phụ huynh và giáo viên có cái nhìn và cách xử lý tình huống phù hợp với từng vụ việc và từng đối tượng mong muốn được tư vấn”.

Để giúp con giảm thiểu việc bị bắt nạt ở trường học, phụ huynh nên hướng dẫn con biết cách kết bạn để có nhóm bạn thân. Vì như vậy, các con sẽ có quyết tâm và động lực phấn đấu trong học tập. Và đặc biệt khi các con biết tập hợp nhau lại, có sự đoàn kết sẽ tránh bị kẻ khác bắt nạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ