Kết thúc mọi nỗi buồn
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tự tử là một trong ba nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết của thanh thiếu niên ở độ tuổi 15 - 24. Thất bại trong yêu đương, những dằn vặt, giận dỗi, ghen tuông trong tình yêu tuổi học trò là một vấn nạn đẩy các em vào lựa chọn đau khổ, cùng cực này.
Ở tuổi mới lớn, tâm lý các em chưa vững vàng, trước cảnh bị bỏ rơi, bị nghi ngờ khiến các em thấy mất mặt, xấu hổ, cảm thấy mình bất lực, vô vọng và không có khả năng kiểm soát bản thân, muốn tìm đến cái chết để giải tỏa những nỗi ấm ức trong lòng.
Thanh thiếu niên do hiểu biết và kinh nghiệm sống còn hạn chế nên thường khó nhận ra các vấn đề một cách bình tĩnh và toàn diện. Các em thường nghiêm trọng hóa vấn đề, cứ nghĩ rằng vướng mắc trong tình yêu là không có lối thoát.
Trong tình trạng cảm xúc rối loạn, tinh thần hoang mang, tuyệt vọng trẻ luôn cho rằng: “Cả thế giới sẽ chê cười và nhạo báng mình”. Suy nghĩ non nớt này cuối cùng sẽ đẩy trẻ đến chỗ “chết là hết, là kết thúc mọi nỗi đau đớn, buồn phiền”.
Ảnh minh họa |
Lắng nghe con bằng cả trái tim
Sẵn sàng lắng nghe con chia sẻ, không phán xet, cấm đoán. Tránh việc tra hỏi trực tiếp một cách đường đột kiểu tra xét, truy vấn bởi sẽ càng khiến con giấu giếm như một cách bảo vệ sự riêng tư.
Đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ ngay lập tức. Bằng chuyên môn, nghiệp vụ của mình, các chuyên gia sẽ giúp trẻ lấy lại được sự cân bằng và lòng tự tin, tự trong cho trẻ.
Cùng trẻ tham gia các hoạt động mà con mong ước và rất yêu thích để “đánh lạc hướng” đời sống tình cảm cho trẻ. Vận động những người con tin cậy đến nhà chơi với con, giúp cho tâm trí con thoát khỏi nỗi ám ảnh.
Hãy luôn tạo cho con cảm giác gia đình là chỗ dựa tinh thần gần gũi và đáng tin cậy nhất để trẻ không bị vô vọng, cô đơn, lạc lõng khi sự việc không như ý muốn.
Nói với trẻ về những điều đáng quý trong cuộc sống. Nếu có thể hãy cho trẻ đến thăm những hoàn cảnh neo đơn, cùng cực mà có ý chí, nghị lực vươn lên. Thổi vào trẻ một “luồng gió” tích cực rằng: “Nỗi đau khổ đó chỉ là tình trạng tạm thời. Tự tử không giải quyết được vấn đề. Mọi nỗi đau rồi sẽ đi qua và kết thúc. Quan trọng là con phải vượt lên chính mình”.
Không chỉ là chuyện chia tay, có khi chỉ là do giận dỗi, ghen tuông cũng khiến không ít trẻ vị thành niên nghĩ đến chuyện tự tổn thương bản thân hoặc lấy chuyện tự tử ra để “dằn mặt” đối phương. Bởi lứa tuổi này còn trẻ người non dạ cả cơ thể, lẫn tâm hồn đều rất non nớt và mẫn cảm với nhiều biểu hiện trong đời sống cảm xúc.
Nếu nhận thấy có các dấu hiệu sau đây, cha mẹ nên dành thời gian bên trẻ để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa hành vi dại dột của trẻ:
- Trẻ không muốn gặp ai, ngồi một mình trong phòng, ngại đến trường và những nơi đông người.
- Trẻ có thái độ tần ngần, ủ rũ, buồn chán, tức tối… không thích nói chuyện với ai (kể cả người thân). Trẻ sẽ lấy cớ bận việc gì đó để tránh giao tiếp với mọi người.
- Trẻ tỏ ra vâng lời một cách bất thường, người lớn bảo sao làm vậy mà không phản ứng gì hoặc dễ dàng cho đi những món quà, những tài sản riêng quý giá của mình.
- Có thể trẻ bị rối loạn giấc ngủ, ăn uống không ngon miệng, bỏ qua các thói quen luyện tập thể dục thể thao trước đây.
- Trẻ nói những chuyện xa xăm mang tính tiêu cực kiểu như “sau này không có con thì cha mẹ sẽ thế nào” hoặc “nếu con phải đi xa đâu đó một thời gian thì…”. Nếu để ý có thể trẻ sẽ nói cả về vấn đề tự tử và những câu nhắn nhủ cuối cùng.