Khi chất lượng đào tạo trở thành mệnh lệnh với các trường

GD&TĐ - Vài năm trở lại đây, khi cam kết chất lượng đầu ra của các trường ĐH được đẩy mạnh thì số lượng sinh viên bị cảnh cáo học vụ, thậm chí bị dừng học tại các trường tăng dần đều qua mỗi năm. Theo các chuyên gia giáo dục, để hạn chế tình trạng này, bên cạnh việc các trường ĐH cần nêu cao trách nhiệm với sinh viên thì giáo dục phổ thông cũng cần làm tốt hơn công tác hướng nghiệp, hướng trường.

Hướng nghiệp ở trường phổ thông tốt góp phần hạn chế tình trạng sinh viên bị buộc thôi học vì không đáp ứng các quy định về học tập ở đại học
Hướng nghiệp ở trường phổ thông tốt góp phần hạn chế tình trạng sinh viên bị buộc thôi học vì không đáp ứng các quy định về học tập ở đại học

Các trường siết, nhiều sinh viên bị cảnh cáo học vụ

Đây không còn là hiện tượng lạ, mà với nhiều trường đó là chuyện hiển nhiên khi các cam kết chất lượng trong đào tạo, chuẩn đầu ra được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc và có lộ trình.

Trong 3 năm trở lại đây, Trường ĐH Luật TPHCM được xem là trường thực hiện quyết liệt nhất những cam kết của mình. Năm nào cũng vậy, trường đều rà soát và thông báo lên website của trường danh sách những sinh viên bị cảnh cáo học vụ và có nguy cơ phải dừng học vì không đáp ứng được các quy định và tiêu chí trong học tập. 

Mới nhất, trường vừa công bố danh sách hơn 220 sinh viên chính quy và văn bằng hai chính quy dự kiến bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học một năm hoặc buộc thôi học (từ học kỳ 1 năm nay) vì có kết quả học tập yếu kém. Trong đó, 112 sinh viên dự kiến bị buộc thôi học bởi hai lần nhận hình thức cảnh cáo học vụ.

Đại diện Phòng đào tạo nhà trường cho biết: có nhiều lý do khiến số sinh viên này bị cảnh cáo học vụ nhưng phổ biến nhất vẫn là do lơ là học tập, điểm tích lũy quá thấp… Có một số vì lý do bất khả kháng như bệnh tật, tai nạn… sẽ được trường xem xét lại, còn những sinh viên học yếu, điểm quá kém thì buộc phải dừng học. “Đây là điều mà trường bắt buộc phải làm để nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo đúng các cam kết đầu ra”- vị này nói.

Không chỉ có Trường ĐH Luật TPHCM bố cáo công khai danh sách sinh viên bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học tập có thời hạn, buộc thôi học, các trường như ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM… cũng quyết liệt thực hiện việc này.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, trường cũng vừa đưa ra thông báo cảnh cáo học vụ học kỳ II năm học 2016-2017 với hơn 600 sinh viên.

Trong đó có hơn 230 sinh viên các ngành, khoa chất lượng cao. Trường đã buộc thôi học 32 sinh viên có điểm trung bình 3 học kỳ liên tiếp đều dưới 2,5/4,0. Trong số sinh viên dự kiến bị buộc thôi học, khoa Điện điện tử có 14 sinh viên, Khoa Chất lượng cao 7 sinh viên, Khoa Khí động học 6 sinh viên, Khoa Chế tạo máy 4 sinh viên.

Trường ĐH Nông lâm TPHCM hàng năm cảnh cáo học vụ từ hàng trăm đến cả ngàn sinh viên. Riêng năm 2016, trường đã buộc thôi học 946 sinh viên vì không đáp ứng được điểm số học tập. Theo TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng  đào tạo nhà trường:

Tất cả những sinh viên này đều đã bị cảnh cáo học vụ lần thứ 3. Khi đã bị cảnh cáo mà kết quả học tập vẫn không cải thiện thì trường buộc phải cho dừng học tập.

“Chúng tôi xác định mục tiêu chất lượng trong đào tạo nhân lực theo hướng hội nhập và trao đổi, nên nhà trường tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Do đó, nếu sinh viên không đầu tư cho việc học thì sẽ bị cảnh báo lần 3, đồng nghĩa với buộc thôi học” - TS Trần Đình Lý cho biết.

Nguyên nhân và giải pháp

Đánh giá về tình trạng sinh viên “rơi rụng” trong tiến trình học tập, ông Phạm Thái Sơn - Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nhìn nhận: Sinh viên không theo nổi việc học phần lớn do học lực yếu, bản thân không theo nổi chương trình, không cố gắng học tập…, và cả một số không nhỏ trong các em đã chọn sai ngành nghề.

“Thống kê của trường tôi cho một khóa học (4 năm) cho thấy con số sinh viên rơi rụng là từ 15-20% trong tổng số sinh viên nhập học”- ông cho biết.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thẳng thắn cho rằng: Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng trên đến từ “thói quen”… thiếu trách nhiệm của không ít trường trong tuyển sinh và đào tạo.

Thực tế nhiều trường, đặc biệt là trường tư đã thấp, quá trình đào tạo và đầu ra cũng không được siết chặt nếu không muốn nói là “thả nổi”, nên chất lượng học tập của sinh viên thấp là điều không tránh khỏi.

Nhiều trường thậm chí khi mời giảng viên từ các trường công về giảng dạy còn kèm theo điều khoản ngầm là không được đánh rớt sinh viên quá nhiều.

“Thật ra, đây là vấn đề nhạy cảm, nhưng không thể làm mãi vậy được. Việc dung túng cho sinh viên kém chất lượng ra trường về lâu về dài sẽ tiếp tục làm cho chất lượng đào tạo càng thấp.

Tôi từng nghe một câu chuyện tuyển dụng của một tập đoàn lớn. Họ tuyển dụng một sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, bảng điểm gần như tuyệt đối tại một trường ĐH ngoài công lập, nhưng sau một thời gian tiếp nhận, họ buộc phải thải loại và tiếp nhận một sinh viên ở một trường khác có bảng điểm không đẹp bằng.

Kết luận, để hạn chế tỉ lệ sinh viên bị cảnh cáo học vụ, bị đình chỉ học thì các trường cần có trách nhiệm hơn với sinh viên của mình”- PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhìn nhận việc các trường mạnh tay và nghiêm khắc với sinh viên trong việc này (cảnh cáo học vụ) là hoàn toàn hợp lý, dù có đau lòng!

Bởi theo ông, điều gì sẽ xảy ra nếu như để lại những em chây lười không chịu học, những em không đạt chất lượng nhận tấm bằng nhờ sự nương tay của thầy cô và nhà quản lý? Làm vậy là không công bằng đối với các sinh viên có trách nhiệm về việc học đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Bàn về giải pháp hạn chế (chứ không thể xóa bỏ) hiện tượng “đau lòng” trên, ông diễn giải: “Chúng tôi chỉ tiếc, trong số hàng trăm sinh viên phải dừng học, có không ít em đã từng là học sinh giỏi các cấp nhưng lại không thể trụ được do  chủ quan, dẫn đến sự chuyển biến thái độ học tập.

Các em cứ nghĩ và tin rằng “vào được chắc chắn sẽ ra được”. Đó là một sai lầm. Quy chế đào tạo theo tín chỉ vốn có sự thoáng và hướng vào sự tự nguyện chủ động của người học, lẽ ra các em phải tranh thủ phát huy, lượng sức để nếu có thể thì rút ngắn thời gian đào tạo hợp lý, nhưng nhiều em lại chủ quan, ỷ lại để rồi bị buộc thôi học vì vượt quá thời gian đào tạo tối đa.

Trường ĐH Nông Lâm TPHCM có khoảng 11% sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn (3-3,5 năm) với tỉ lệ giỏi, xuất sắc vượt trội các em tốt nghiệp đúng hay trễ hạn. Chứng tỏ các em có năng lực thực sự.

Nhưng năm 2016, có cả ngàn em bị rơi vào danh sách bị buộc thôi học (cả tự nghỉ và bị buộc) trong đó có tỉ lệ khá cao là do vượt quá thời gian đào tạo (8 năm)”- TS Trần Đình Lý chia sẻ. Ông phân tích thêm: Cần xem xét lại công tác định hướng, hướng học, hướng nghiệp cho HS trong các trường phổ thông cũng như các chương trình tiếp cận đại học.

Công tác này cần làm chuyên nghiệp, thường xuyên, ổn định, bám sát diễn biến thực tế đời sống. Như ta thấy, có một số lượng không nhỏ sinh viên chọn ngành học không được như ý khi bước chân vào giảng đường.

Một số khác chưa hiểu và nắm bắt được (hoặc nắm bắt một cách mơ hồ) ngành mình học đang và sẽ phù hợp với ngành/nghề nào, cho đến khi thực hành (trong trường) hoặc trải nghiệm thực tập (tại xí nghiệp, đơn vị) thì thấy… khoảng cách xa vời vợi. Nhưng ông cũng khẳng định nguyên nhân không chỉ từ phía sinh viên mà còn có cả trách nhiệm của các trường. Ông nêu ví dụ:

Năm 2015 và tương ứng với khóa học 2015, con số sinh viên tự nghỉ học và bị buộc thôi học nhiều hơn hẳn so với các khóa khác. Bối cảnh tuyển sinh lúc đó là 1 thí sinh có đến 4 nguyện vọng nhưng phải vào chỉ một trường duy nhất. Điều đó đồng nghĩa “buộc” các em không còn chọn lựa nào khác.

“Như vậy, chẳng khác gì “sân bay quá cảnh”, đậu rồi, thể xác ở đó còn tâm trí lơ lửng ở đâu đâu... Vào đại học ngành này trong khi năng lực, sở trường lại ở lĩnh vực khác thì làm sao mà danh sách bị buộc thôi học không ngày càng dài ra được” - TS Trần Đình Lý trăn trở.

Ông Phạm Thái Sơn- Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng cho rằng việc “mất” sinh viên sau khi vào trường là điều rất đáng tiếc, hao phí tài sức của chính các em và cả nhà trường; vấn đề cần nhìn nhận lại là ở cả hai phía nhà trường và sinh viên.

“Ở góc độ phía nhà trường, đó có thể do nguyện vọng phụ khi sinh viên chọn, khiến các em vì muốn vào đại học mà chọn sai, lúc đó bản thân các trường cần xem lại phương thức tuyển sinh cho phù hợp, có tính cơ cấu ngành nghề tốt hơn. Còn nếu do khâu đánh giá khó và sinh viên thiếu sự chuẩn bị để thích nghi, thì cần xem lại công tác học sinh-sinh viên và quá trình đào tạo, nhằm sớm có các giải pháp can thiệp giúp sinh viên ý thức và thích nghi hơn” - ông Sơn nêu ý kiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ