Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Hoạt động bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý trường THPT đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Để đạt được kết quả như mong muốn, cần lựa chọn các hoạt động thực hành phù hợp với nội dung chương trình, với đặc điểm học viên và điều kiện lớp học. Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng khoa Giáo dục - Học viện Quản lý Giáo dục.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

3 hình thức đổi mới hoạt động thực hành

TS Nguyễn Thị Thanh cho biết, chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý GD được ban hành theo Quyết định 382 ngày 20/1/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Chương trình gồm có 5 modun về các lĩnh vực: Đường lối phát triển GD&ĐT Việt Nam; Lãnh đạo và quản lý; Quản lý Nhà nước về GD&ĐT; Quản lý nhà trường; Các kỹ năng quản lý trường phổ thông.

Nội dung chương trình đã khái quát được những vấn đề cơ bản của công tác quản lý trong trường học, giúp người học nhận biết về những quy định cơ bản của Nhà nước, của ngành về giáo dục.

Chương trình có tổng 360 tiết, trong đó có 315 tiết dành cho việc học tập trên lớp. Vì vậy, khi thiết kế nội dung dạy học bồi dưỡng, các giảng viên nên dành một thời lượng theo tỉ lệ cân đối cho hoạt động thực hành để học viên có cơ hội trải nghiệm những thao tác và những yêu cầu cần thiết của người cán bộ quản lý GD.

Mỗi chuyên đề bồi dưỡng đều có một tỉ lệ thời gian nhất định cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Trên cơ sở nội dung của chương trình bồi dưỡng, dựa vào các nhiệm vụ có thể xác định những hình thức thực hành cơ bản như:

Thứ nhất, thực hành nghiên cứu tài liệu: Trong thực tế, hiệu trưởng thường xuyên phải nghiên cứu tài liệu để tuyên truyền, phổ biến cho người khác; nghiên cứu tài liệu để rút ra những thông tin cơ bản và dữ liệu cần thiết nhằm giải quyết một nhiệm vụ, một tình huống; nghiên cứu tài liệu để xây dựng, ban hành quyết định hoặc thông báo tương ứng với vị trí, chức năng quản lý…

Do vậy việc thực hành theo hình thức này khá hiệu quả, việc nghiên cứu tài liệu có thể để cá nhân hoặc nhóm phân tích nội dung, sau đó trình bày ý kiến cá nhân, ý kiến của nhóm trước lớp.

Thứ hai là thực hành giải quyết các nhiệm vụ: Học viên trong vai của hiệu trưởng thực hiện các thao tác mô phỏng khi triển khai hoạt động của nhà trường; khi kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ; khi xây dựng các mối quan hệ; khi giao tiếp với cấp trên, với phụ huynh; khi tổ chức cuộc họp… Với hình thức thực hành này, những học viên khác sẽ đóng vai đối tác để hiệu trưởng thể hiện năng lực cá nhân trong tình huống giả định.

Thứ ba là thực hành xử lý tình huống trong quản lý giáo dục: Học viên có thể giới thiệu phương án xử lý tình huống; có thể đóng vai nhằm rèn luyện kỹ năng, hình thành phản xạ hành vi cũng như ngôn ngữ với vai trò của người cán bộ quản lý giáo dục.

Những hình thức thực hành trên tương đối phù hợp với mô hình dạy học trên lớp và trong điều kiện số lượng học viên không quá lớn.

Hướng đến năng lực cốt lõi

Theo TS Nguyễn Thị Thanh, mỗi chuyên đề bồi dưỡng đều nhằm hình thành ở người học một hoặc một nhóm năng lực chuyên biệt. Thời gian tổ chức học trên lớp không nhiều, do vậy cần lựa chọn những nội dung thực hành hướng tới hình thành năng lực cốt lõi của người cán bộ quản lý trong bài học.

Việc lựa chọn nội dung hay hình thức nào hoàn toàn do giảng viên quyết định dựa trên đặc điểm học viên, thời gian, số lượng thành viên và điều kiện lớp học. Cách thực hành có thể cá nhân, có thể theo nhóm hoặc có thể làm cả lớp. Điều quan trọng nhất là học viên được trải nghiệm những thao tác, cảm xúc và hành vi ngôn ngữ mô phỏng theo thực tế.

Khi thực hành, học viên phải vận dụng những kiến thức lý thuyết vào giải quyết nhiệm vụ. Muốn việc thực hành của học viên đạt được kết quả như mong muốn và phát triển năng lực quản lý của họ, người giảng viên cần xác định những vấn đề: Mục tiêu thực hành; Nội dung thực hành; Thời điểm thực hành; Hình thức thực hành; Yêu cầu cần đạt về nội dung, về không khí lớp học….

Chẳng hạn, khi dạy học chuyên đề “Kỹ năng đàm phán và tổ chức cuộc họp”, việc thực hiện hiệu quả nhất sẽ là tổ chức cho học viên đóng vai thực hiện các bước đàm phán và tổ chức cuộc họp theo quy trình, áp dụng các nguyên tắc vào thực hiện. Hình thức thực hành đóng vai theo nhóm, mỗi nhóm một nhiệm vụ cụ thể:

Nhóm 1. Đàm phán giữa hiệu trưởng một trường phổ thông với chủ tịch xã/phường trong việc quản lý các cửa hàng Internet xung quanh khu vực trường đóng.

Nhóm 2. Đàm phán giữa hiệu trưởng với chủ một cửa hàng điện tử mới mở cạnh trường thường xuyên mở loa đài ầm ĩ suốt ngày.

Nhóm 3. Đàm phán giữa hiệu trưởng với phụ huynh học sinh của một lớp học bất bình trước thái độ của giáo viên chủ nhiệm vi phạm nhân quyền đối với con em họ.

Nhóm 4. Đàm phán giữa hiệu trưởng với tập thể học sinh một lớp học đồng loạt ký tên vào đơn đề nghị đổi giáo viên trong điều kiện trường đang thiếu giáo viên dạy môn này.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức thực hành trong dạy học đã có ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập của học viên ở cả các lĩnh vực kiến thức, kỹ năng và thái độ. Qua trao đổi trực tiếp, nhiều học viên cho rằng kỹ năng mà họ được rèn luyện tốt nhất là kỹ năng nghiên cứu văn bản để rút ra những vấn đề cốt lõi và vận dụng vào giải quyết các tình huống khác nhau. Còn kỹ năng thực hiện các nhiệm vụ quản lý thì họ mới chỉ có sự định hướng cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình, còn phải rèn luyện thêm trong thực tiễn.

Mặc dù vậy, kết quả đó vẫn cho phép khẳng định nếu tổ chức thực hành trong chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông sẽ rèn luyện những thuộc tính đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo và điều hành các hoạt động trong nhà trường phổ thông của người cán bộ quản lý giáo dục.

“Việc tổ chức thực hành khi dạy học theo chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông là một phương pháp dạy học tích cực. Việc thực hành sẽ giúp học viên được trải nghiệm những nhiệm vụ và cảm xúc của người cán bộ quản lý GD. Qua khảo nghiệm ý kiến của học viên sau khi được thực hành trong một số chuyên đề, các ý kiến cho thấy việc tổ chức thực hành trong dạy học bước đầu giúp nâng cao năng lực quản lý của họ” - TS Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ