Giải pháp căn bản nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc

GD&TĐ - Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, miền núi, trong thời gian qua, Quảng Nam đã tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, mở rộng mô hình trường học bán trú, nội trú; bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên và dành nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ cho học sinh, giáo viên. 

Giải pháp căn bản nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc

Chính vì vậy, chất lượng giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn đào tạo nhân lực cho địa phương.

Phát triển mô hình trường học bán trú, nội trú

Trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, thời gian qua, Quảng Nam tiếp tục mở rộng loại hình trường nội trú ở các địa phương miền núi.Đến thời điểm này, cả tỉnh Quảng Nam có 8 trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT).

Ngoài Trường phổ thông DTNT tỉnh Quảng Nam, thì các huyện miền núi còn lại (trừ huyện Tiên Phước và Nông Sơn) đều có trường phổ thông DTNT. Đáng chú ý, nếu như trước đây mô hình trường phổ thông DTNT cấp huyện chỉ dành cho học sinh cấp trung học cơ sở (THCS) thì từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định cho 3 trường nâng cấp lên thành trường phổ thông DTNT có cả cấp THCS và THPT tại các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Bắc Trà My. Hiện tại, loại hình trường phổ thông DTNT đang giảng dạy cho gần 3.000 em.

Đây được coi là những “hạt giống đỏ” cho công tác tạo nguồn nhân lực chất lượng của miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song song với các trường PTDTNT, loại hình trường trung học phổ thông (THPT) ở các huyện miền núi cũng đẩy mạnh tổ chức nội trú cho con em học sinh.

Các trường THPT được quan tâm đầu tư xây dựng khu ký túc xá, nên việc tổ chức ăn ở nội trú cho học sinh hiện nay ở các trường THPT khá tốt, tạo điều kiện thuận lơi cho học sinh đến trường, giúp giáo viên, học sinh đổi mới phương pháp day học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Ở các địa phương miền núi, vùng dân tộc, do địa bàn rộng lớn, giao thông cách trở nên việc đến trường của học trò rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ.

Nhiều em nhà cách trường cả chục cây số, mất rất nhiều thời gian, thậm chí cả nửa ngày cho việc đi lại nên ảnh hưởng lớn đến việc học tập.

Vì vậy, song song với loại hình nội trú, thời gian qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh Quảng Nam, chính quyền các huyện miền núi đãđẩy mạnh đầu tư, mở rộng mạng lưới trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em học sinh đi học.

Thầy Hồ Văn Hưng – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết: Tính đến năm học 2017-2018, toàn tỉnh Quảng Nam đã có 53 trường phổ thông DTBT; trong đó có 21 trường tiểu học, 4 trường tiểu học & THCS, 28 trường THCS.

Bên cạnh 8 trường phổ thông dân tộc nội trú và 53 trường phổ thông dân tộc bán trú, các địa phương miền núi chưa đủ điều kiện thành lập loại hình trường bán trú vẫn cố gắng tạo điều kiện cho học sinh ăn ở bán trú.

Đến nay, 6 huyện miền núi của tỉnh có 22 trường (12 tiểu học, 6 trường tiểu học và THCS, 4 trường THCS) tổ chức loại hình ăn ở bán trú cho hơn 6.500 học sinh. Điều này vừa giúp học sinh thuận lợi trong việc đi lại học tập, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên miền núi

Trong phát triển giáo dục miền núi, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng số lượng trường nội trú, bán trú, công tác tuyển sinh đóng một vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc.

Từ năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT bắt đầu đã có sự đổi mới tuyển sinh, trước hết là tuyển sinh vào lớp 10. Đối với Trường Phổ thông DTNT tỉnh, thay vì xét tuyển theo phương thức phân bổ chỉ tiêu cho từng huyện như trước đây, lần đầu tiên, tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức thi tuyển cạnh tranh đầu vào, không phân biệt địa bàn tuyển sinh. Kỳ thi được tổ chức tại các huyện miền núi được đánh giá là thành công, tuyển được những học sinh có năng lực vào học.

Trong khi đó, tuyển sinh lớp 10 đối với các trường THPT ở các huyện miền núi năm nay cũng phải “đãi gạo trên sàng”. Vẫn theo phương thức xét tuyển, tuy nhiên chỉ tiêu tuyển sinh chỉ là 90% như các trường THPT ở đồng bằng chứ không còn 100% như nhiều năm trước đây.

Rõ ràng, thay đổi phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi. Bởi nói như thầy giáo Trần Minh Hiệu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT tỉnh Quảng Nam, đổi mới công tác tuyển sinh theo phương án thi tuyển, cạnh tranh công bằng, học sinh nào điểm cao hơn sẽ có cơ hội trúng tuyển. Qua đó giúp cho nhà trường tuyển sinh đầu vào chất lượng và có điều kiện để nâng cao chất lượng đầu ra.

Bên cạnh mạng lưới trường lớp, một cái được khác của giáo dục miền núi hiện nay là đội ngũ cán bộ, giáo viên. Trong những năm gần đây, miền núi không còn phải lo lắng tình trạng thiếu giáo viên mỗi khi năm học mới đến. Thậm chí hiện nay, trái ngược với một số địa phương đồng bằng, các huyện miền núi khá “ung dung” về đội ngũ giảng dạy.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết: Xác định việc ổn định đội ngũ là tiền đề quan trọng giúp cho giáo dục miền núi có điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng. Cho nên, thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã ưu tiên bố trí, tuyển dụng giáo viên cho miền núi.

Theo đó, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở định hướng triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Quảng Nam. Nhờ đó, khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng trong giáo dục hiện nay vẫn còn song không quá xa như trước.

Rất nhiều ngôi trường miền núi hiện đã được công nhận đạt Chuẩn quốc gia (đến nay đã có 65 trường), tỷ lệ học sinh trúng miền núi, đồng bào dân tộc trúng tuyển vào đại học ngày càng cao… cho thấy bước phát triển vượt bậc của sự nghiệp trồng người ở miền núi.

Bên cạnh 8 trường phổ thông dân tộc nội trú và 53 trường phổ thông dân tộc bán trú, các địa phương miền núi chưa đủ điều kiện thành lập loại hình trường bán trú vẫn cố gắng tạo điều kiện cho học sinh ăn ở bán trú. Đến nay, 6 huyện miền núi của tỉnh có 22 trường (12 tiểu học, 6 trường tiểu học và THCS, 4 trường THCS) tổ chức loại hình ăn ở bán trú cho hơn 6.500 học sinh. Điều này vừa giúp học sinh thuận lợi trong việc đi lại học tập, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.